Tìm hiểu bộ tộc thiện chiến nhất thế giới - người bảo vệ Hội nghị Mỹ - Triều
Lính đặc nhiệm Gurkha bảo vệ Đối thoại Shangri-la |
Theo quan chức ngoại giao liên quan đến bộ phận an ninh VIP, trong khi hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đều mang theo đội ngũ an ninh cá nhân của mình tới Singapore, song lực lượng an ninh chủ nhà Singapore vẫn sẽ triển khai đội đặc nhiệm Gurkha để đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ địa điểm diễn ra hội nghị, đường xá xung quanh và khách sạn.
Cuối tuần qua lính đặc nhiệm Gurkha cũng đã xuất hiện nhiều hơn bình thường khi Đối thoại Shangri-La 2018 với sự tham gia của bộ trưởng và giới chức quốc phòng các nước được tổ chức tại đảo quốc này.
Gurkha, gồm những binh sĩ thiện chiến được cảnh sát Singapore tuyển từ vùng núi Nepal xa xôi, được trang bị áo chống đạn, súng trường FN SCAR và súng lục. Một số chuyên gia an ninh nhận định việc lực lượng này có mặt tại nơi tổ chức Đối thoại Shangri-La 2018 được cho là cuộc diễn tập cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Mặc dù được trang bị những vũ khí hiện đại, song đội quân Gurkha không thể ra trận nếu thiếu loại vũ khí truyền thống – con dao quắm sắc nhọn có khả năng sát thương cao.
“Họ là lực lượng tinh nhuệ nhất mà Singapore có thể cung cấp, và tôi chắc chắn họ sẽ tham gia bảo vệ hội nghị”, Tim Huxley – chuyên gia về lực lượng vũ trang Singapore tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhận xét.
Theo tổ chức IISS Military Balance, hiện có khoảng 1.800 chiến binh Gurkha đang phục vụ trong lực lượng cảnh sát Singapore.
Hiện người phát ngôn của cảnh sát Singapore chưa thông báo về số lượng chiến binh Gurkha được triển khai sắp tới.
Quân đội Anh từng chiêu mộ những chiến binh Gurkha sau cuộc chiến tranh Anglo-Nepal từ năm 1814 tới năm 1816. Họ là những chiến binh rất thiện chiến và dũng cảm, gây nhiều khó khăn cho thực dân Anh trong quá trình mở rộng lãnh thổ thuộc địa.
Chiến binh Gurkha đi vào huyền thoại là những người lính sẵn sàng chiến đấu đến chết, không hề bỏ chạy trước hiểm nguy và luôn nỗ lực đến mức phi thường để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hiện chiến binh Gurkha đang phục vụ trong lực lượng quân đội Anh, Ấn Độ, Nepal, Brunei và Singapore.
Ngày nay, mỗi năm có gần 28.000 ứng viên Gurkha cạnh tranh với nhau mỗi năm để chọn ra 200 người ưu tú nhất.
Tiêu chuẩn để tham gia đơn vị Gurkha là thanh niên ở độ tuổi từ 17-21 và một hộ chiếu để chứng minh họ là công dân Nepal. Những chàng trai này cũng phải cao ít nhất 1m58.
Ở vòng sơ tuyển, thí sinh phải chạy 800 mét trong 2 phút 45 giây, thực hiện 12 cú hít xà đơn và 75 cú gập người. Nếu thí sinh bị đánh rớt, họ vẫn có thể tiếp tục đăng ký trong các kỳ tuyển dụng tiếp sau cho đến hết năm 21 tuổi.
Sau khi trải qua vòng loại, những thanh niên được chọn vào vòng trong lại tiếp tục kỳ thử thách gồm có phần thi thể chất và phần thi tiếng Anh.
Các thí sinh dự tuyển phải mang một chiếc sọt đựng 25kg đất cát chạy 5km qua những đoạn đường hiểm trở và phải hoàn thành thử thách trong vòng 55 phút.
Sau đó, ứng viên còn phải leo lên độ cao 400 mét trên con đường nhỏ đầy bụi và đá. Phần thi này nhằm kiểm tra sự chịu đựng, tính cách bản thân của thí sinh.
Những ứng viên trúng tuyển sẽ được đưa tới cơ sở đào tạo nằm trên một cánh đồng hoang tại làng Catterick, Anh. Đây là nơi nổi tiếng với những cơn gió lạnh và mùa đông khắc nghiệt. Các chiến binh sẽ tập luyện tại đây trong những tháng lạnh giá nhất trong năm để rèn luyện sức chịu đựng.
Mỗi chiến binh Gurkha luôn mang theo bên người một con dao quắm truyền thống, hay còn được gọi là “kukri”.
Truyền thuyết kể rằng, một khi được rút ra ngoài, con dao dài 45cm này bắt buộc phải được tắm máu. Nếu như chiến binh Gurkha thất bại trong việc lấy máu kẻ thù, anh ta sẽ phải tự trừng phạt bằng chính máu của mình, trước khi được phép thu dao.