Tiết kiệm chi 1% trong 2 năm là đủ vốn GPMB sân bay Long Thành
Đây là “hiến kế” của ĐB Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tại hội trường Quốc hội chiều 8/6 khi thảo luận về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
ĐB Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương:Chỉ sau 2 năm thực hiện phải giảm đầu mối, giảm biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị thì sẽ đủ số lượng nguồn vốn này |
Băn khoăn nguồn vốn 23.000 tỷ lấy ở đâu?
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đồng tình với sự cần thiết tách nội dung thu hồi bồi thường hỗ trợ định cư Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và cho rằng, về mặt pháp lý báo cáo đã giải trình rất rõ, đây chỉ là NQ thành phần để cụ thể hóa NQ 94 của QH khóa XIII nhằm tạo thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án mà thôi.
Về cơ sở thực tiễn, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành được QH khóa XIII nghiên cứu thảo luận rất kỹ về sự cần thiết, tính khả thi, đánh giá tác động và hiệu qủa kinh tế xã hội. Đặc biệt là làm rõ về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, tác động nợ công, khả năng hoàn trả mà ĐBQH khóa XIV yêu cầu giải trình.
Theo dự kiến giai đoạn 1 dự chi 109. 970 tỷ: vốn NSNN chiếm 11,1% là 12 nghìn tỷ, vốn ODA chiếm 26,5% là 29 nghìn tỷ, vốn huy động ngoài ngân sách là 62,4% - 68 nghìn tỷ, giá thành được tính đúng theo thực tế đầu tư như một số nước khác trong khu vực.
ĐB Ngọc Phương cũng cho rằng, đây là dự án đầu tư sinh lợi và mang lại hiệu quả xã hội lớn tác động đến hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển bền vững vì Cảng hàng không quốc tế Long Thành là đầu mối giao thông cho khu vực và điều phối các đường bay quốc tế trong toàn khu vực và cho vùng.
“Với tầm quan trọng và cấp thiết của dự án, nhiều ĐBQH khóa XIII đã có ý kiến sớm khởi công tuy nhiên do điều kiện kinh tế còn khó khăn cho nên trong thời gian qua, dự án triển khai chậm. Bài toán khó khăn nhất hiện nay là chi phí GPMB, thảo luận ở tổ đa số ý kiến đồng tình với kiến nghị GPMB dần, kiến nghị ấy được thực hiện thì quá tốt”- ĐB Ngọc Phương nói.
Bởi, xuất phát từ thực tiễn trong thời gian qua việc GPMB nhiều lần thì mỗi lần giá cả đền bù khác nhau từ đó phát sinh khiếu nại tố cáo. Do đó, ĐB Ngọc Phương cho rằng “đây là phương án không khả thi vì tiền GPMB là tiền của Chính phủ mà vốn trung hạn thông qua 5.000 tỷ trong khi chúng ta cần 23.000 tỷ trong điều kiện kinh tế đang gặp khó khăn, nợ công tăng cao, đề nghị Chính phủ phải có giải đáp về nguồn ngân sách này lấy từ đâu ra, và đáp ứng như thế nào?”- ĐB Ngọc Phương nhấn mạnh.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Định) cũng đặt vấn đề: Liệu số tiền 23.000 tỷ đồng đã là số tiền cuối cùng để thực hiện công tác GPMB hay chưa?. ĐB Nguyễn Hữu Cảnh cũng cho rằng, đây có thể chưa phải là con số cuối cùng vì đây là số tiền tính theo giá đất năm 2017.
“Theo Luật Đất đai 2015, giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc phối hợp với mục đích sử dụng đất và giá theo thời hạn sử dụng đất phù hợp với giá đất phổ biến theo thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lời, thu nhập từ đất thì phải có mức giá như nhau.
Theo quy định này, giá đất biến động trong thời gian tới là khó tránh khỏi, để ổn định một phần, tránh ảnh hưởng đến công tác GPMB, đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết nội dung: Trong thời gian tổ chức thực hiện dự án, cơ quan có thẩm quyền không được thay đổi bảng giá đất đối với đất liên quan đến dự án, tính từ thời điểm Nghị quyết được Quốc hội thông qua”- ĐB Hữu Cảnh nêu.
Sau 2 năm tinh giảm biên chế là… đủ nguồn vốn
Hơn nữa, Nghị quyết không có tính lâu dài, theo lộ trình từ 2018-2020, vì vậy ĐB Hữu Cảnh đề nghị Nghị quyết bổ sung quy định bảng giá đất giữ ổn định đến khi thực hiện xong công tác GPMB và tái định cư nhưng không vượt quá 4 năm kể từ khi Nghị quyết được thông qua.
Phát biểu tranh luận chiều 8-6, ĐB Phạm Minh Chính bày tỏ đồng tình với nhiều ĐB khi băn khoăn về "lấy đâu ra 23.000 tỷ" để xây dựng Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành cũng như với các giải pháp mà Chính phủ đưa ra.
Ngoài ra, ĐB Phạm Minh Chính nêu ra hai giải pháp mà theo ĐB là có tính khả thi và hiệu qủa. Thứ nhất, Chính phủ phải nghiên cứu trình QH xin cơ chế đặc biệt cho giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ cho dự án này.
Thứ hai là tiết kiệm chi thường xuyên trên phạm vi cả nước. "Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, biên chế của chúng ta không giảm mà tăng. Chi tiêu thường xuyên tăng lên 65,7% năm 2016 và dự kiến tăng lên 64,9% năm 2017. Số liệu tăng tuyệt đối năm 2016 so với năm 2015 là trên 50.000 tỷ, năm 2017 tăng so với năm 2015 là 114.000 tỷ.
Riêng năm 2017, ta tiết kiệm chi được 1% thì sẽ có trên 10.000 tỷ. Năm 2018 cũng tiết kiệm chi 1% thì có trên 10.000 tỷ nữa. Như vậy là sẽ có trên 20.000 tỷ. Chỉ sau 2 năm thực hiện phải giảm đầu mối, giảm biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị thì sẽ đủ số lượng nguồn vốn này" - ĐB Chính phân tích.