Tiếp xúc cử tri còn hình thức "làm cho có", đơn điệu
TVQH đánh giá công tác tiếp xúc cử tri chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri. (Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng) |
Tổng kết việc thi hành Luật tổ chức Quốc hội năm 2001, UBTVQH nhận định, việc thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước có chuyển biến tích cực, đặc biệt từ sau khi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội được ban hành năm 2003. Bên cạnh đó việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng cũng được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Công tác tổ chức của Quốc hội cũng tiếp tục được củng cố, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội năm 2007.
Mặc dù vậy, TVQH cũng kết luận rằng, quy trình lập pháp tuy được cải tiến nhưng chưa đồng bộ, việc phân công trách nhiệm của một số chủ thể tham gia quy trình chưa cụ thể, hợp lý. Nhiều quy định của Luật đối với lĩnh vực hoạt động giám sát còn trùng lặp hoặc chưa thống nhất với Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003.
Với các đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá, việc giữ mối liên hệ với cử tri đã dần đi vào nền nếp và đạt được những kết quả tích cực. Nhiều kiến nghị của cử tri được các cơ quan nhà nước tiếp thu, giải quyết, tạo không khí dân chủ, tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân nói chung và giữa đại biểu Quốc hội với cử tri nói riêng. Bên cạnh đó, công tác này cũng còn nhiều hạn chế bất cập. Luật quy định đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dành toàn bộ thời gian cho hoạt động của Quốc hội, còn đại biểu kiêm nhiệm giành ít nhất 1/3 thời gian để thực hiện nhiệm vụ đại biểu, nhưng chưa quy định cụ thể về trách nhiệm và cơ chế hoạt động của hai nhóm đại biểu này.
TVQH cũng cho rằng, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tuy đã được tăng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động Quốc hội. Bên cạnh đó quy định của Luật về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội còn chung chung, thiếu cụ thể, dẫn tới công tác tiếp xúc cử tri còn nhiều bất cập, có lúc, có nơi mang tính hình thức, nội dung còn đơn điệu, chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri.
Ngoài ra, quy định của Luật chưa bảo đảm sự gắn kết giữa việc tiếp công dân với việc nghiên cứu, xử lý đơn, thư và giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.