"Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới" ra đời chỉ sau một đêm
Nhớ lại thời khắc lịch sử ấy, nhạc sĩ Phạm Tuyên – tác giả bài hát với ca từ đi vào lớp lớp thế hệ người Việt thời ấy “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” kể lại: "Tôi thuộc thế hệ đi qua 3 cuộc chiến tranh. Lúc tôi hát bài chiến thắng Điện Biên Phủ của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, thời điểm đó tôi mới ngoài 20 tuổi nhưng đến năm chống Mỹ tôi đã có nhiều kinh nghiệm sáng tác.
Năm 1972 tôi đã viết bài hát “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không”. Và sau khi tôi viết bài “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, tôi nghĩ bụng kết thúc chiến tranh rồi mình chỉ sáng tác bài hòa bình và xây dựng đất nước".
Nhạc sĩ Phạm Tuyên |
“Trước đó vẫn xảy ra những việc xô xát ở biên giới nhưng tôi coi như là những cuộc va chạm nhỏ”, nhạc sĩ Phạm Tuyên hồi tưởng. Nhưng đến sáng 17/2/1979, ông đã lặng người khi hay tin Trung Quốc tiến đánh Việt Nam.
“Nghe Đặng Tiểu Bình tuyên bố: dạy cho Việt Nam một bài học, tôi không chịu nổi. Tôi viết rất nhanh. Ngay trong đêm 17, sáng ngày 18, bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” với câu mở đầu “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh.
Ngày 20/2/1979 - tức là sau 4 ngày, bài hát được phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam”, nhạc sĩ Phạm Tuyên bồi hồi nhớ lại.
Lời bài hát như sau:
Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới
Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới.
Quân xâm lược bành trướng dã man
Đã dày xéo mảnh đất tiền phương.
Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương.
Đất nước của ngàn chiến công,
Vẫn sục sôi khí thế hào hùng
Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa…
Đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca!
Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương!
Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng
Mang trên mình còn lắm vết thương.
Người vẫn hiên ngang ra chiến trường.
Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người
Ông chia sẻ với phóng viên “có lẽ vì nhiều người đã lấy luôn câu mở đầu để nhớ về bài hát. Ông kể, lúc đầu bài hát được thu thanh qua phần trình bày của tốp ca Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam, nhưng sau đó lãnh đạo Đài yêu cầu phải dàn dựng thành hợp xướng, mang âm hưởng hào hùng. Vậy là mọi người đã dàn dựng lại, dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Lê Đình Lực”.
Dường như ngay lập tức, giai điệu và ca từ hùng tráng của bài hát đã thúc giục triệu triệu người Việt Nam lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước kẻ thù xâm lược.
“Điều cảm động là khi bài hát phát trên Đài tiếng nói Việt Nam, các thanh niên ở quân Khu 5 gọi điện ra bảo: “sau khi chúng tôi nghe bài hát này, chúng tôi muốn ra biên giới phía Bắc bảo vệ biên cương”. Lãnh đạo Đài khi đó cũng bảo, đã thế phải phát lại nhiều lần bài hát này để nhân dân thuộc nhiều”, nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ lại.
Được biết, thời điểm này nhiều nhạc sỹ đi thăm các trận địa ở Hà Nội đều hát bài “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”. Đây cũng là một động viên người sáng tác. Đặc biệt đối với người sáng tác thì tác phẩm để dấu ấn trong lòng quần chúng.
Vị nhạc sĩ giờ đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy cũng kể lại một chi tiết khác, bài hát có số phận khá đặc biệt. Sau khi cuộc chiến tranh biên giới kết thúc và nhiều năm sau đó, bài hát đã không còn được lưu hành rộng rãi trên các các phương tiện thông tin đại chúng, cho tới thời gian gần đây.
Ông rất vui khi cho rằng “tới nay sau 40 năm được nhắc lại bài hát này, tôi thấy đây là việc làm cần thiết trả lại cho lịch sử cái gì đúng của lịch sử. Bài này khi viết tôi nhắc lại những truyền thống dân tộc rất nhiều nhưng nó không khô khan. Đây không phải tình cảm riêng của người viết, mà là tình cảm của toàn dân bài hát hiện nay vẫn được nhiều người dân biết”.
Nói với tôi về những công việc hậu chiến, nhạc sĩ già vẫn đau đáu một niềm đau “sau 40 năm, có những lúc tôi buồn khi đi thăm các tỉnh biên giới, chúng ta hy sinh nhiều quá, mấy vạn người cả chiến sĩ đồng bào. Vì vậy, chỉ mong có một ngày dựng lại tượng đài ghi nhận lại công lao lớn lao của nhân dân mình đối với việc bảo vệ biên cương tổ quốc”.