"Tiền VN chuyển ra nước ngoài cũng chứng tỏ môi trường kinh doanh VN tự do"
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: VPCP |
"DN tư nhân muốn đóng góp 50% GDP, Chính phủ hoan nghênh khối tư nhân đóng góp đến 60% GDP" - Đây là thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 với chủ đề "Chương trình hành động từ Nghị quyết Trung ương 5" diễn ra tại Hà Nội sáng nay (31/7).
"Người Việt chuyển tiền ra nước ngoài nhiều có phải do lo ngại môi trường đầu tư kinh doanh nhiều rủi ro?", ông Don Lam - Tổng giám đốc tập đoàn VinaCapital đặt vấn đề với Thủ tướng tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần 2 năm 2017 về thông tin người Việt Nam gửi hơn 3 tỉ USD sang Mỹ để mua nhà.
Ông Don Lam nói: "Theo một số báo chí khảo sát với chuyên gia tư vấn định cư, mỗi năm doanh nhân Việt Nam đem vài tỷ đô la để ra nước ngoài mua nhà hoặc đầu tư các dự án để sinh sống. Và theo World Bank, kiều hối gửi về Việt Nam cũng khoảng 13-14 tỷ đô la 1 năm. Tôi nghĩ rằng số tiền ra khỏi Việt Nam khá lớn vì có thể các doanh nhân chưa yên tâm lắm với môi trường đầu tư trong nước, các quy định còn phức tạp, hay thay đổi nên rủi ro kinh doanh nâng cao. Vì vậy để giữ dòng tiền đó ở lại Việt Nam đầu tư và kêu gọi nhà đầu tư trong nước thì chúng ta nên làm gì?"
Đáp lại nghi ngại này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tiền từ Việt Nam có thể ra nước ngoài như vậy chứng tỏ môi trường kinh doanh tại Việt Nam tự do. Thủ tướng cũng phân tích thêm, dòng tiền chảy ra nước ngoài nhiều có vấn đề từ việc Fed tăng lãi suất nhiều lần trong thời gian vừa qua nhưng lãi suất USD tại Việt Nam lại bằng 0 đồng.
Ngay tại hội thảo, Thủ tướng lưu ý Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cần chú ý xem xét để thu hút được nguồn lực này, tìm cách để đảo chiều dòng tiền, thu hút chính nguồn vốn trong nước đầu tư cho phát triển. "Một số quỹ đầu tư ở Việt Nam đang hoạt động rất mạnh, sẽ tạo môi trường tốt hơn nữa để các quỹ này đầu tư vào Việt Nam", Thủ tướng cam kết.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp tư nhân cũng thẳng thắn bày tỏ về các rào cản với kỳ vọng Chính phủ cải thiện trong thời gian tới trong đó có gánh nặng thuế, phí đã được trao đổi nhiều lần trước đây. Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình, đưa ra dẫn chứng chi phí logistics của Việt Nam chiếm tới 23% trong khi trung bình chi phí này trên thế giới chỉ khoảng 10%.
Theo khảo sát tại diễn đàn, 65% doanh nghiệp tư nhân mong muốn phương án hỗ trợ thiết thực nhất của Chính phủ là "hành động" ngay.
"Chúng tôi nhận thức rõ còn nhiều bất cập như chi phí không chính thức, chi phí giao thông vận tải và lãi vay ngân hàng còn cao. Từ nhận thức trên, Chính phủ thúc đẩy mạnh hơn để cải cách các chính sách tốt hơn. Chính phủ đã yêu cầu giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu giảm ít nhất 0,5%. Các thủ tục hành chính đã cam kết Chính phủ sẽ thực hiện đúng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Đáp lại người đứng đầu Chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân cam kết sẽ tiếp tục phấn đấu, đầu tư phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn.
Ông Don Lam, CEO VinaCapital cho biết trước đây, VinaCapital đầu tư 7 triệu USD vào Kinh Đô, nay vốn hóa của doanh nghiệp này đã lên tới 400 triệu USD. Đơn vị này cũng đầu tư vào Hòa Phát 2 tỷ USD. "Hiện nay vốn của VinaCapital đầu tư trong nước mới chỉ chiếm 10%, nhưng trong tương lai chúng tôi sẽ đầu tư thêm", CEO VinaCapital cam kết.
Ông Vũ Văn Tiền chia sẻ lạc quan vào môi trường đầu tư khởi nghiệp trong nước. Ông cho biết, trước đây khởi nghiệp chỉ có 300 ngàn đồng, giờ đây vốn doanh nghiệp của ông là 30 tỷ USD. Với điều kiện kinh doanh được hỗ trợ, khởi nghiệp 3 tỷ đồng sau 10 năm số vốn này sẽ nhân lên rất nhiều.
Đại diện hiệp hội doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, ông Trương Gia Bình cũng cam kết với Thủ tướng, tốc độ tăng trưởng khối tư nhân có thể cao hơn 10 - 15% so với hiện tại. Khối doanh nghiệp tư nhân đóng góp 50% vào GDP của cả nước.
"Trước đây khu vực tư nhân bị giới hạn đầu tư, nhưng hiện nay hầu hết các lĩnh vực từ bệnh viện, trường học... sẽ mở ra cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Anh Trương Gia Bình muốn doanh nghiệp tư nhân đóng góp 50% GDP, còn tôi hoan nghênh khối tư nhân đóng góp đến 60% GDP", Thủ tướng nói.