Tiền tỷ bồi thường sự cố môi trường Formosa Hà Tĩnh: Về xã nhập nhèm chi
UBND xã Cẩm Nhượng, nơi cán bộ xã bị “tố” dùng tiền hỗ trợ sai mục đích |
Dùng tiền hỗ trợ để chi thường xuyên
Ông Tôn Đức Yên (SN 1937) thôn Xuân Nam, xã Cẩm Nhượng phản ánh, sau sự cố môi trường biển, UBND xã Cẩm Nhượng được cấp 1,7 tỷ đồng cho cán bộ thôn, xã phục vụ công tác ổn định tình hình, thống kê, thẩm định, chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại từ tháng 5/2016 đến tháng 6/2017.
“UBND xã đã chi cho 16 thôn xóm (cán bộ thôn) số tiền là 600 triệu đồng, vậy còn lại 1,1 tỷ đồng thì chi vào việc gì? Chúng tôi hỏi thì cán bộ xã nói là chi cho cán bộ xã hết 200 triệu đồng, chi tiền làm hồ sơ hết 350 triệu đồng, như thế còn 550 triệu đồng để vào đâu?”, đơn của người dân thôn Cẩm Nhượng viết.
Kết luận tố cáo công dân của Thanh tra huyện Cẩm Xuyên |
Theo Kết luận số 1837/KL-UBND ngày 31/7/2019 của UBND huyện Cẩm Xuyên về tố cáo của công dân xã Cẩm Nhượng, UBND xã Cẩm Nhượng nhận được 1.758.200.000 đồng phục vụ công tác ổn định tình hình, thống kê thẩm định, chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường theo Quyết định số 4502/QĐ-UBND ngày 04/12/2017.
UBND xã Cẩm Nhượng đã chi tiền làm thêm giờ cho cán bộ công chức xã là 282.417.575 đồng; cán bộ bán chuyên trách và hợp đồng lao động 101.500.000 đồng; cán bộ cấp thôn 552.500.000 đồng; công tác phí 141.000.000 đồng; kê khai cấp phát gạo 25.650.000 đồng; vận chuyển bốc xếp gạo 38.076.000 đồng; thuê xe chở công dân, chở hồ sơ, thuê rạp 7.740.000 đồng. Tổng số tiền chi hết 1.148.883.575 đồng.
Ngoài ra còn chi phô tô, in ấn tài liệu 188.869.000 đồng; sửa chữa máy tính, máy photocopy 85.881.000 đồng; mua văn phòng phẩm 165.655.000 đồng; hội họp, tuyên truyền 78.250.000 đồng; đặt cơm cho các tổ thẩm định, 62.635.000 đồng; phụ cấp tiền điện thoại cho cán bộ xã 28.600.000 đồng. Tổng số tiền chi phí cho những nội dung này là 609.917.000 đồng.
Chế độ của tổ trưởng và văn phòng phẩm của thôn Tân Dinh |
Nhập nhèm trong các khoản chi
Ông Trần Kim Hạnh (SN 1958), nguyên Trưởng thôn Tân Dinh cho biết: “Mặc dù được trên cấp 1,7 tỷ đồng nhưng bản thân tôi là tổ trưởng tổ rà soát của thôn, cũng như các trưởng thôn khác, chỉ được hỗ trợ 8 triệu đồng”.
“Họ nói chi mấy trăm triệu mua giấy tờ để in hồ sơ cho dân, nhưng như thôn Tân Dinh, giấy làm hồ sơ do dân tự mua cả, duy chỉ một lần xã có cấp cho tôi một ít, còn lại tôi đi phô tô thì lấy tiền thôn, mà cũng chỉ hết 250.000 đồng”, ông Hạnh đưa dẫn chứng.
Riêng giấy A4 cho Tổ thẩm định cấp xã VP UBND là 101 thùng (mỗi thùng có 2.500 tờ với giá 350 ngàn đồng) |
“Thời điểm đó, thôn Tân Dinh có khoảng 315 hộ dân, mỗi hộ kê khai trên 3 tờ giấy A4, đắt lắm chỉ hết 6.000 đồng, tổng chưa hết 2 triệu, làm gì mà lắm thế?”, ông Hạnh đặt câu hỏi.
Đi tìm lời giải cho những thắc mắc của người dân, chúng tôi được tiếp cận một số hồ sơ liên quan đến việc chi phí mua văn phòng phẩm, phô tô in ấn tài liệu, sửa chữa máy tính, máy photocopy với số tiền 440.405.000 đồng.
Có thể chưa đầy đủ nhưng chúng tôi thống kê được 10 bảng tổng hợp mua văn phòng phẩm của 10 thôn thuộc xã Cẩm Nhượng, với tổng số 148 thùng giấy A4 ngoại (mỗi thôn từ 12 - 16 thùng). Riêng giấy A4 cho Tổ thẩm định cấp xã VP UBND là 101 thùng (mỗi thùng có 5 ram với 2.500 tờ, giá 350.000 đồng).
Việc lựa chọn nhà thầu là của xã Cẩm Nhượng nhưng lại do... UBND thị trấn quyết định |
Đối chiếu thôn Tân Dinh có 315 hộ dân với 315 bộ hồ sơ, mỗi bộ 3 tờ giấy A4, tổng số hết gần 1.000 tờ. Trong khi đó, theo bảng tổng hợp mua văn phòng phẩm của xã, thì hết 16 thùng giấy A4 với 40.000 tờ giấy, gấp hơn 40 lần thực tế sử dụng.
Nhiều người dân đặt câu hỏi, tại sao trong khi UBND xã Cẩm Nhượng đã chi gần 166 triệu đồng để mua văn phòng phẩm; 86 triệu đồng sửa chữa máy tính, máy photocopy để in ấn tài liệu, lại còn chi gần 189 triệu đồng tiền phô tô in ấn tài liệu nữa?. Phải chăng 1 nội dung được chi 2 lần? Thực chất số tiền này được chi cho nội dung gì và hiện đang ở đâu?
Bà Trương Thị Hằng, chuyên viên phòng Thanh tra huyện Cẩm Xuyên, lý giải: “Toàn xã Cẩm Nhượng có 3443 đối tượng. Sở dĩ chi phí gần 189 triệu đồng để phô tô, in ấn tài liệu là số văn bản hướng dẫn nhiều, các đối tượng viết sai nên phải phô tô để làm lại”.
Theo hóa đơn thống kê, ngày 28 và 30/12/2017, tiền mua văn phòng phẩm gần 150 triệu đồng |
“Còn việc sửa chữa máy vi tính, máy photocopy hết gần 86 triệu đồng là cả sửa chữa máy ở phòng Đảng ủy. Chúng tôi đã yêu cầu nếu không phân chia ra phần phục vụ cho công tác quản lý hành chính tại xã liên quan đến sự cố môi trường là không đúng quy định”, bà Hằng nói thêm.
PV thắc mắc, đã phô tô, in ấn tài liệu hết gần 189 triệu đồng, sửa chữa máy vi tính, máy photocopy hết gần 86 triệu đồng thì tại sao còn sử dụng 166 triệu đồng để mua văn phòng phẩm? Bà Hằng nói: “Do một số đối tượng làm không đúng nên phải làm lại rồi phải mua bổ sung”.
(Còn tiếp)