Thủy điện xả lũ bừa: Đề nghị quy trách nhiệm hình sự
ĐBQH đưa ra đề nghị sáng 19/11 khi Quốc hội thảo luận về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5.
ĐBQH Nguyễn Thái Học, đoàn Phú Yên: Xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Công thương
Cử tri đánh giá cao sự chuyển biến tích cực trong nhiều lĩnh vực như Bộ GTVT đã thắt chặt kỷ luật kỷ cương, xử lý nghiêm các sai phạm; lĩnh vực ngân hàng đã đánh giá cao quyết tâm kiềm chế lạm phát, hạ lãi suất và làm lành mạnh hóa thị trường vàng; tình hình tội phạm đã giảm đáng kể…
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những nội dung đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết. Một trong những tồn tại đó là chính sách hỗ trợ cho đồng bào nghèo tại các vùng thủy điện. Vấn đề này có trách nhiệm rất lớn từ Bộ Công thương.
Ông Nguyễn Thái Học, đoàn ĐBQH Phú Yên |
Từ khó khăn của đời sống của người dân tại khu vực các công trình thủy điện, mùa khô thiếu nước, mua mưa lụt lội, tỷ lệ hộ nghèo ở những vùng này rất cao… Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội có nêu là phải rà soát, bổ sung kịp thời các chính sách cho nông dân vùng thủy điện, đảm bảo nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 nói về trách nhiệm của Bộ Công thương. Nghị quyết Quốc hội có nêu trong năm 2013 phải ban hành chính sách đặc thù cho vùng thủy điện. Tại các kỳ họp thứ 3, 4, Nghị quyết Quốc hội nêu rõ năm 2013 phải ban hành Nghị quyết về chính sách dành cho đồng bào nghèo tại các công trình thủy điện... Tôi còn nhớ rõ khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng hứa sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để sớm ban hành chính sách. Song năm 2013 sắp kết thúc nhưng chính sách dành cho đồng bào nghèo chưa được ban hành. Đáng buồn hơn tại kỳ họp này Bộ trưởng Công thương lại cho rằng trách nhiệm này thuộc về Bộ NN&PTNT.
Vấn đề đời sống phát sinh của đồng bào thủy điện đã có nhiều ĐBQH nêu, trong đó có tôi. Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, ĐBQH rất phấn khởi báo cáo cử tri, Quốc hội đã có nghị quyết về vấn đề này, chính sách dành cho đồng bào nghèo sẽ được ban hành trong năm 2013. Đồng bào nghèo cũng rất phấn khởi, tin tưởng và chờ đợi. Nhưng sau kỳ họp này, chúng tôi không biết phải báo cáo với cử tri như thế nào.
Bộ trưởng Bộ Công thương nói về trách nhiệm của mình trong việc triển khai nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này như thế nào? Đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.
ĐBQH Đỗ Văn Đương, đoàn TPHCM: Nói phải đi đôi với làm
Việc thực hiện nghị quyết đến kỳ họp này đã có sự chuyển biến tích cực. Chẳng hạn như đã loại nhiều dự án thủy điện nhỏ, công tác điều tra truy tố, xét xử có nhiều chuyển biến tích cực, đã đưa 10 vụ đại án ra xét xử…
ĐBQH Đỗ Văn Đương, đoàn ĐBQH TP.HCM. (Ảnh: VNN) |
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề chất vấn chưa được các Bộ trưởng quan tâm. Tại kỳ họp thứ 3, tôi chất vấn Bộ trưởng Bộ KH-ĐT về việc có bao nhiêu dự án đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí, gây thiệt hại bao nhiêu tỷ đồng và giải pháp khắc phục như thế nào. Tôi biết đây là vấn đề khó, cần phải có thời gian rà soát, và tôi đã chờ hơn 1 năm nay mà không thấy. Qua thảo luận về đầu tư công hôm trước, tôi cũng thấy chưa đề cập đến nội dung này.
Qua đi khảo sát tại các địa phương, tôi thấy các dự án hoang người ta đã thu hồi, trả lại đất cho người nông dân và người nông dân rất vui mừng. Tôi đề nghị các địa phương có đất bỏ hoang cần thu hồi và trả lại cho người nông dân.
Đối với vấn đề thủy điện, hôm nay chúng ta ngồi đây cũng là thời điểm đồng bào miền Trung đang chìm ngập trong biển lũ. Nhiều người cho rằng lũ chồng lũ là do xả nước ở các hồ chứa thủy điện. Bộ trưởng Bộ Công thương lý giải về việc này như thế nào?
Theo tôi cần phải đưa ra quy định trước khi mùa mưa lũ đến phải xả hết nước đi, tăng diện tích hồ chứa lên. Các thủy điện giữ nước để tiết kiệm một vài tỷ đồng, nhưng khi lũ về thủy điện xả nước lại thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho bà con nông dân, thậm chí còn liên quan đến tính mạng người dân.
Do vậy cần phải có quy định và bắt buộc phải làm theo quy định. Nếu anh nào không làm như vậy tôi đề nghị phải xử lý trách nhiệm và quy trách nhiệm hình sự, như vậy mới đáp ứng được nhu cầu. Không thể vì lợi ích nhỏ mà hi sinh lợi ích lớn của người dân được.
Tôi đề nghị Quốc hội phải đưa ra đề nghị chặt chẽ với Chính phủ, để nói phải đi đôi với làm.