Thủy điện Đăk Mi 4 không xả nước: Phải có chế tài xử lý chủ đầu tư
Thủy điện Đăk Mi 4 không xả nước: Phải có chế tài xử lý chủ đầu tư
Đại biểu Quốc hội Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam). Ảnh. Xuân Hải. |
Đại biểu Dân (đoàn Quảng Nam) cho biết, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), chủ đầu tư của thuỷ điện Đăk Mi 4, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, phớt lờ chỉ đạo của Chính phủ khi không thực hiện theo nguyên tắc trả lại nước về dòng sông Vu Gia mà chuyển nước về sông Thu Bồn để phát điện đã khiến cho hàng trăm nghìn hộ dân làm nông nghiệp ở hạ lưu sông Vu Gia thiếu nước nghiêm trọng, có thể dẫn tới thảm hoạ môi trường và bất ổn xã hội.
Khi xây dựng thủy điện Đăk Mi 4, IDICO không trả lại nước về dòng sông Vu Gia mà chuyển nước về sông Thu Bồn để tích nước phát điện đã khiến tình hình thiếu nước ở hạ lưu sông Vu Gia trở nên nghiêm trọng, có thể dẫn tới thảm hoạ môi trường và bất ổn xã hội. Theo ông vấn đề này phải được xử lý như thế nào?
Vùng hạ lưu có hàng trăm nghìn người dân của tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng đang sinh sống, cho nên vừa qua việc thủy điện Đăk Mi 4 đã không xả nước, khiến cho vùng hạ lưu không có nước để phục vụ sản xuất, đặc biệt là trạm bơm thủy lợi thiếu để bơm nước vào cánh đồng. Chính vì do thiếu nước nên hiện nay ở vùng hạ lưu đã bị nước mặn xâm nhập vào khiến bà con không thể sản xuất được. Trước đó, Chính phủ đã có quy định giao cho thủy điện Đăk Mi 4 phải xả 25m3/giây nhưng thủy điện lại không thực hiện việc này, và họ cố tình không thực hiện vì nếu xả nước ra sẽ mất nước không sản xuất được điện. Vì lợi ích cục bộ của thủy điện Đăk Mi 4 cho nên đơn vị này xả rất cầm chừng, không đủ lượng nước theo quy định của Chính phủ. Tuy Chính phủ đã có ý kiến rồi nhưng thủy điện Đăk Mi 4 vẫn không chấp thành thực hiện, theo tôi Chính phủ phải có chế tài buộc doanh nghiệp phải xả nước, chứ dứt khoát không để “trên nói dưới không nghe”. Vì đây là lợi ích chung của hàng trăm nghìn hộ dân của 2 tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, do vậy Chính phủ phải có chế tài đủ mạnh.
Từ khi chưa có thủy điện Đăk Mi 4 thì đời sống sản xuất của người dân nơi đây thế nào, thưa ông?
Trước đây, chưa có thủy điện đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân ở vùng hạ lưu vẫn bình thường, không có vấn đề gì cả. Không có đảo lộn. Chỉ thỉnh thoảng có năm có hạn hán, có năm thì nước đến chậm, có năm cũng bị nước mặn xâm nhập nhưng ít thôi, có nước nên việc thau chua rửa mặn phần đất nông nghiệp của bà con bị nhiễm rất tốt, còn đến nay thì diện tích đất bị nhiễm mặn lớn làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống cũng như việc sản xuất của bà con nơi đây.
Trong thời gian gầy đây, tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần có văn bản đề nghị với phía doanh nghiệp thủy điện, cũng như đã báo cáo Thủ tướng về vụ việc này. Nhưng vụ việc chưa được giải quyết triệt để?
Về việc này, tỉnh Quảng Nam đã can thiệp ngay từ đầu. Tức là vào đầu năm do lượng nước bị thiếu hụt, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề nghị thủy điện Đăk Mi 4 xả nước nhưng phía doanh nghiệp không nghe. Sau đó UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị phía doanh nghiệp cũng như báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng. Thủ tướng cũng đã về làm việc nhưng họ vẫn không nghe. Theo tôi Chính phủ cần phải có biện pháp mạnh để xử lý doanh nghiệp, cứ để tình trạng này tái diễn thì bà con biết trông cậy vào ai.
Ông có cho rằng hiện ở tỉnh Quảng Nam có quá nhiều thủy điện không?
Tôi nghĩ rằng là Quảng Nam có quá nhiều thủy điện, cần điều chỉnh. Việc này tỉnh cũng đã điều chỉnh rồi, đã giảm tải không cho làm nữa, cũng cân nhắc để bỏ đi một vài dự án. Theo tôi dứt khoát không nên phát triển thêm thủy điện, mà phải khắc phục làm sao vừa có lợi cho doanh nghiệp cũng như không ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân, không ảnh hưởng đến an toàn của người dân, đặc biệt là trong những ngày mưa, bão, lũ lụt là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho dân.
Việc bố trí khu đất sản xuất mới cho người dân tái định cư ở vùng dự án để xây dựng thủy điện thì có phù hợp không, thưa ông?
Khu vực đất canh tác mới cho người dân từ vùng thủy điện cũng không phù hợp. Mất đất buộc dân phải đi vào rừng, buộc phá rừng, nên xử lý của chính quyền còn nhiều bất cập. Có đất nhưng mà rất ít, thường là đất không tốt. Trước khi triển khai thủy điện, phía tỉnh cũng có kế hoạch tái định cư cho những người ở vùng xây dựng hồ thủy điện, nhưng do quỹ đất không có bởi đây là vùng đồi núi, cho nên bố trí dân ở một khu vực nào đó trên núi cao, rồi sinh sống. Khi không có đất để canh tác thì người dân phá rừng, rất bất cập.
Xuân Hải