Thừa Thiên–Huế có minh bạch về dự án của Trung Quốc trên núi Hải Vân?
Từ năm 1997, Thủ tướng đã yêu cầu giữ nguyên trạng...
Sau khi báo điện tử Infonet đưa tin “Đà Nẵng kiến nghị thu hồi giấy phép dự án Trung Quốc trên núi Hải Vân” và bài phân tích “Vị trí của dự án Trung Quốc trên núi Hải Vân trọng yếu như thế nào?”, đã có dư luận từ nhiều phía không đồng tình việc tỉnh Thừa Thiên – Huế (TT-H) cấp phép cho nhà đầu tư Trung Quốc xây dựng dự án “Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế” (200ha) tại khu vực mũi Cửa Khẻm (nơi núi Hải Vân đâm ra biển)
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng việc cấp phép cho nhà đầu tư Trung Quốc vào khu vực Cửa Khẻm trên núi Hải Vân (chấm xanh trong vòng tròn đỏ) đảm bảo theo quy định của Chính phủ! (Ảnh: HC) |
Ngày 19/11, trả lời phỏng vấn Infonet và một số báo khác, Bí thư tỉnh ủy TT-H Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: “Vừa qua, khi Đà Nẵng và Quân khu 5 phản đối, tôi có hỏi bên Ủy ban về quy trình thủ tục thì họ báo cáo là đều bảo đảm theo quy định của Chính phủ. Khu vực của dự án nằm trên địa bàn TT-H. Các văn bản của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch về Khu kinh tế Lăng Cô đều thể hiện điều đấy!”.
Trước đó, ngày 18/11, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh TT-H cũng khẳng định trên báo chí rằng tỉnh này có đầy đủ cở sở pháp lý khi cấp cho Công ty cổ phần Thế Diệu (thuộc Công ty TNHH World Shine Hong Kong) đầu tư ở khu vực Cửa Khẻm nằm trong diện tích quy hoạch xây dựng Khu kinh tế (KKT) Chân Mây – Lăng Cô đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 1711 ngày 5/12/2008.
Trong khi đó, trong báo cáo ngày 4/11 trình Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến nêu rõ, đối chiếu với bản đồ địa giới hành chính được lập theo Chỉ thị 364/CT (ngày 6/11/1991) của Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã; và đối chiếu với bản đồ nền hệ tọa độ quốc gia VN-2000 do Bộ TN-MT cung cấp thì phần diện tích dự án “Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế” nằm trong khu vực chưa thống nhất về địa giới hành chính giữa TP Đà Nẵng và tỉnh TT-H.
Chính vì “chưa thống nhất về địa giới hành chính” mà từ ngày 28/12/1997, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn 6278/NC chỉ đạo: “Trong khi chờ xem xét và giải quyết đường địa giới hành chính giữa tỉnh TT-H và TP Đà Nẵng tại khu vực đèo Hải Vân, để tránh tình hình phức tạp xảy ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và Chủ tịch tỉnh TTH chỉ đạo chặt chẽ các ngành chức năng của địa phương và chính quyền các quận, huyện vùng giáp ranh không thực hiện những hoạt động làm phức tạp tình hình và gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại khu vực này”.
Nhưng TT-H vẫn “lén” đưa vào quy hoạch KKT Chân Mây – Lăng Cô?
Lãnh đạo tỉnh TT-H không thể nói không biết gì về Công văn chỉ đạo số 6278/NC (ngày 28/12/1997) của Thủ tướng Chính phủ. Do đó câu hỏi đặt ra là: Đã biết Thủ tướng chỉ đạo giữ nguyên hiện trạng, không có các hoạt động làm phức tạp tình hình, tại sao năm 2008 tỉnh TT-H vẫn đề xuất đưa khu vực này vào quy hoạch KKT Chân Mây – Lăng Cô?
Nhưng Đà Nẵng cho biết, khi lập quy hoạch KKT Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế không hề tham khảo ý kiến của Đà Nẵng dù đã có Công văn của Thủ tướng từ năm 1996 chỉ đạo giữ nguyên trạng khu vực chưa thống nhất địa giới hành chính giữa hai địa phương (Ảnh: HC) |
Theo Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng Lê Gia Thạnh, khi lập quy hoạch có liên quan đến địa giới hành chính thì bao giờ địa phương lập quy hoạch cũng phải lấy ý kiến của các địa phương lân cận, cũng như khi người ta xây nhà, sửa nhà thì phải có chữ ký đồng thuận của các hộ “tứ cận”.
Ông đơn cử, khi tổ chức công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2357/TTg (ngày 4/12/2013), lãnh đạo Đà Nẵng đã mời đại diện lãnh đạo hai tỉnh lân cận là TT-H và Quảng Nam đến trực tiếp chứng kiến. Trong quy hoạch điều chỉnh đó, khu vực Cửa Khẻm vẫn được xác định là nơi “chưa thống nhất về địa giới hành chính” giữa TP Đà Nẵng và tỉnh TT-H.
Cũng với tinh thần đó, mới đây khi Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng lập quy hoạch điểm du lịch Hải Vân Quan trên đỉnh Hải Vân đã có sự phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh TT-H trong việc xác định ranh giới vì đây là khu vực nhạy cảm...
Tuy nhiên ông Lê Tự Gia Thạnh cho biết: “Khi TT-H lập quy hoạch KKT Chân Mây – Lăng Cô thì chúng tôi hoàn toàn mù tịt thông tin vì họ không phối hợp tham khảo ý kiến của Đà Nẵng!”. Điều này cũng được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến xác nhận: “TT-H không tham khảo gì Đà Nẵng khi lập quy hoạch KKT Chân Mây – Lăng Cô cả. Cứ như họ “lén” đưa vô quy hoạnh rồi trình Thủ tướng và các Bộ, ngành TƯ vậy!”.
Đến đây lại có tiếp câu hỏi cần đặt ra: Vậy các Bộ Xây dựng, TN-MT và các cơ quan tham mưu ở TƯ có biết Công văn chỉ đạo số 6278/NC (ngày 28/12/1997) của Thủ tướng Chính phủ hay không? Và các cơ quan này đã thực hiện chức năng “gác cổng”, thẩm định như thế nào mà khiến một quy hoạch được lập một cách có vẻ thiếu minh bạch như vậy lại được trình lên tới Thủ tướng Chính phủ?
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến: "Anh nói khu vực đó nằm trong địa phương của anh thì khi cấp phép anh phải biết vị trí đó quan trọng như thế nào chứ.!" (Ảnh: HC) |
Anh cấp phép thì anh phải biết vị trí đó quan trọng như thế nào chứ!
Khi trả lời phỏng vấn báo chí ngày 19/11, Bí thư Tỉnh ủy TT-H Nguyễn Ngọc Thiện còn đặt vấn đề: “Dự án nằm trong phạm vi của tỉnh nên không có gì để trao đổi với Đà Nẵng cả. Chúng tôi chỉ trao đổi với cấp trên. Nếu như Đà Nẵng có ý kiến từ đầu, khi có dự án thì chắc chắn chúng tôi sẽ trao đổi. Chúng tôi cấp phép từ năm 2013 mà đến bây giờ mới phản đối thì câu chuyện là gì? Nếu có ý kiến từ trước thì chúng tôi sẽ xem xét ngay!”.
Trả lời phỏng vấn Infonet về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến nói: “Ít nhất khi cấp phép cho các dự án vào vùng giáp ranh, họ phải hỏi ý kiến của địa phương lân cận, nhưng cấp phép cho dự án World Shine trên núi Hải Vân họ có thông tin gì cho chúng tôi biết đâu. Phải đến khi dự án này triển khai thi công thì Đà Nẵng và Quân khu 5 mới biết nên mới lên tiếng vì ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an ninh quốc phòng!”.
Rồi ông Văn Hữu Chiến nói thêm: “TT-H có khi không cần nói với chúng tôi nhưng rõ ràng họ phải thấy với một vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng như vậy thì không thể đưa các dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài vào đó được. Anh nói khu vực đó nằm trong địa phương của anh thì khi cấp phép anh phải biết vị trí đó quan trọng như thế nào chứ.
Anh không thể nói địa phương khác tại sao không có ý kiến ngay từ đầu mà chính bản thân anh phải thấy chỗ đó quan trọng về chiến lược quốc phòng như thế nào rồi mới cấp phép. Nay Đà Nẵng thấy ra vấn đề thì báo cáo để Thủ tướng xem xét quyết định, vì vị trí đó không chỉ ảnh hưởng đến khu vực phòng thủ của TP Đà Nẵng mà còn nằm ở chỗ “yết hầu” có thể chia cắt đất nước, khống chế toàn bộ vịnh Đà Nẵng!”.
Không biết sửa sai thì nhân dân không tha thứ đâu! Trả lời phỏng vấn Infonet về việc dự án World Shine - Huế nằm ở vị trí rất nhạy cảm, trọng yếu về an ninh quốc phòng nên nhất thiết phải được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy TT-H nói: “Liên quan đến các điều kiện như quốc phòng, an ninh các cơ quan chức năng cũng đã xin ý kiến của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Biên phòng và Quân khu 4. Theo báo cáo, việc xin ý kiến đã đầy đủ và các bên đều đồng ý bằng văn bản. Sau đó Ủy ban có xin ý kiến của thường vụ và thực hiện đầy đủ các thủ tục kêu gọi đầu tư”. Trong khi đó báo Pháp luật TP.HCM ngày 20/11 đăng ý kiến của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu QH khóa VIII, IX, X nêu rõ: “Vị trí chiến lược của khu vực dự án không còn là chuyện riêng của Huế, Đà Nẵng, Quân khu 4, Quân khu 5 mà là câu chuyện của quốc gia. Vị trí đó có ảnh hưởng toàn diện đến việc thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, bởi ai nắm được đều có thể dễ dàng chia cắt đất nước cả trên đất liền và trên biển. Từ vị trí này chỉ cần kẻ một đường ngang là sự thống nhất của lãnh thổ đã không còn. Và cũng đường ngang đó có thể chạy thẳng đến tận đảo Hải Nam (Trung Quốc). Như thế cả trong và ngoài vịnh Bắc Bộ đều sẽ bị chia cắt. Khi biết thông tin có dự án nước ngoài ở đây, tôi đã gọi điện chất vấn Bộ chỉ huy Quân sự TT-H vì sao lại đồng ý. Các anh ấy có nói do cấp ủy đã đồng ý. Tôi nói như thế là không được. Tôi cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Quốc phòng không cho phép thực hiện dự án. Đây là vị trí chiến lược chúng ta phải bảo vệ bằng mọi giá mà không cần phân biệt là của ai. Đó là trách nhiệm chung vì quốc gia, dân tộc chứ không phải vì tôi hay vì anh. Đừng vì lợi ích trước mắt mà bỏ đi những lợi ích lâu dài, hậu quả nặng nề lắm. Tôi biết TT-H đã đồng ý dự án và nếu dừng họ sẽ phải bồi thường. Nhưng nếu anh biết sửa sai thì nhân dân sẽ thông cảm. Còn nếu chỉ vì sợ bồi thường, sợ trách nhiệm mà anh vẫn bất chấp, vẫn quyết tâm làm thì nhân dân không tha thứ đâu!”. |