Thừa Thiên - Huế: Rừng đặc dụng Khu bảo tồn Phong Điền đang "chảy máu"
Thâm nhập
Qua những nguồn thông tin của người dân, trong thời gian qua, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thường xuyên xuất hiện các đối tượng lạ mặt vào khai thác và vận chuyển các loại gỗ quý ra khỏi rừng.
Tuyến đường 71 đi vào khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. |
Để thâm nhập vào được sâu trong khu rừng này, PV báo Infonet đã phải vượt qua khoảng 30km theo tuyến đường 71 nối xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) – xã Hồng Vân (huyện A Lưới), đây là con đường độc đạo dốc núi quanh co rất hiểm trở.
Tuy nhiên, khi chúng tôi vào đến khu vực mà người dân phản ánh thì không hề phát hiện một dấu vết để lại ở dọc đường theo như thông tin có được.
Đang bế tắc vì không phát hiện được khu vực khai thác gỗ, nhưng may mắn chúng tôi đã bắt gặp một người dân tên H. đang đi câu cá và tiếp cận.
Sau một hồi tiếp chuyện, anh H. tiết lộ rừng trong khu vực này đã bị họ (lâm tặc – PV) khai thác từ lâu và tấp nập nhất là từ khi mở rộng, làm lại tuyến đường 71 để vận chuyển vật liệu vào thi công công trình thủy điện Alin.
Anh H. kể, thông thường người đi làm gỗ sẽ làm lán và khoảng 4 – 5 người trở lên, chặt cây ở nhiều chỗ, toàn gỗ to gom lại rồi biến mất không rõ đưa đi lúc nào.
“Các anh cứ đi dọc theo tuyến đường 71 vào chỗ nào có lán và đường rộng dốc đứng đi lên phía bên phải (từ Phong Xuân đi vào) rừng là sẽ thấy chỗ chặt cây” H. hướng dẫn.
Rừng chảy máu
Khu vực khoảnh 3, tiểu khu 70 bị lâm tặc đốn lạ nhiều loài gỗ quý. |
Từ nguồn tin của anh H, chúng tôi tiếp tục tiến vào gần khu vực đang thi công công trình thủy điện A Lin 2 (khu vực thủy điện Alin 2) thuộc khoảnh 3, tiểu khu 70 (thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền) thì phát hiện có 2 khúc gỗ sát bên đường được thả xuống tuyến đường 7, các khúc gỗ từ phía trên có dốc đứng thả xuống theo khe suối và cách đó khoảng 50m có một lán đã cũ nát mà lâm tặc bỏ lại.
Từ dấu vết đó, chúng tôi tiếp tục leo, trèo qua các tảng đá có dốc thẳng đứng cách đường khoảng 200m thì phát hiện nhiều tấm gỗ trôi dạt xuyên qua các bụi rậm nằm ngồn ngang, vương vãi cùng với những ngọn cây đã chết lá và những gốc cây trơ trụi đang mọc mầm trở lại.
Tại hiện trường, những gốc cây trơ trụi có đường kính từ 60 đến 80cm thuộc các loài quý gỗ quý như: gõ, dổi, táu … Bên cạnh đó là một số khúc gỗ dài khoảng hơn 3m chưa được lấy hết còn sót lại. Các tấm bìa được bóc tách để lấy lõi, tất cả đều mới được chặt hạ ít tuần và đã được vận chuyển ra khỏi rừng trước khi PV đến ghi nhận.
Tiếp tục hành trình dọc theo đường tỉnh lộ 71 khoảng 5km, chúng tôi có mặt tại khu vực mỏ đá làm vật liệu xây dựng công trình thủy điện Alin 1 (khu vực xây dựng công trình thủy điện Alin 1) thuộc khoảnh 4, tiểu khu 57 (thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền), vượt lên con dốc khoảng 100m, lại xuất hiện nhiều tấm ván nằm ngổn ngang giữa đường và hơn 10 gốc cây trơ trụi giữa rừng.
Các khúc gỗ bị lâm tặc chưa kịp lấy hết. |
Gỗ nằm la liệt khắp rừng |
Nhìn từ bên ngoài tưởng chừng rừng vẫn còn nguyên sinh nhưng vào bên trong mới thấy cảnh gỗ đã bị chặt hạ hết đặc biệt là các những loài cây gỗ quý, lâu năm, có đường kính từ 60cm trở lên. Vị trí khai thác lâm tặc thường chọn là khu vực hiểm trở có dốc, để dễ vận chuyển gỗ xuống đường.
Điều đáng nói ở đây, là để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng thì chỉ có một đường duy nhất là tuyến đường 71, trong khi đó lại có 2 trạm kiểm soát của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền được đặt ở đầu và cuối đường nhưng gỗ vẫn bị đốn hạ và biến mất một cách khó hiểu.
Sau khi thâm nhập các vị trí trên, chúng tôi đã bắt gặp và trò chuyện với hai người dân địa phương, họ cho biết, họ (lâm tặc – PV) đã vào đây khai thác từ khi mở rộng tuyến đường 71, đặc biệt cuối tháng 3 trở lại đây chúng tôi bắt gặp rất nhiều tốp cùng máy cưa đi vào ra liên tục nhưng không thấy họ vận chuyển gỗ ra mà thấy gom lại rồi qua một đêm là thấy biến mất.
"Chủ rừng" nói gì?
Trao đổi với PV báo Infonet vào ngày 5/6, ông Đặng Vũ Trụ - Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền thừa nhận, có việc bị một số đối tượng lợi dụng thông tuyến đường 71 vào chặt phá rừng tại 5 điểm.
Ông Đặng Vũ Trụ - Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. |
Ông Trụ cho hay: "Tình trạng xảy ra từ tháng 15/3, sau khi thông tuyến đường 71. Chúng tôi đã tăng cường hướng dẫn tuần tra, kiểm soát thường xuyên đột xuất, lập chốt, truyền thông, đến hiện nay đã kiểm soát được và xác định các điểm có nguy cơ.
Trong đó, khi phát hiện chỉ bắt được gần 20 khối gỗ, còn các đối tượng đã bỏ chạy hết. Trách nhiệm chính để xảy ra tình trạng này thuộc về chủ rừng (BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền – PV)".
"Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đường xá thuận tiện, đặc biệt là từ khi thông tuyến đường 71, do nhu cầu gỗ của người dân, đường tuần tra rừng khó khăn bị hạn chế, các đối tượng lợi dụng thi công công trình trà trộn len lỏi vào làm.
Sau khi xảy ra chúng tôi đã tăng cường quản lý, hiện đã có 4 chốt kiểm tra. Các điểm bị chặt đã đến kiểm tra, lập biên bản, đánh dấu lại các cây bị hạ và báo cáo cụ thể lên cấp trên cách đây 1 tháng" ông Trụ nói.
Một số hình ảnh nhóm PV Infonet ghi lại trong chuyến thâm nhập rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền trong những ngày đầu tháng 6/2017:
Những tấm ván, bìa gỗ nằm la liệt trên rừng thuộc khoảnh 3, tiểu khu 70. |
Nhóm PV bên gốc cây lớn vừa bị đốn hạ |
Các gốc cây to đã bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc. |
Một con đường của lâm tặc đi lên khoảnh 4, tiểu khu 57 (Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền). |
Những cây to quý hiếm bị đốn hạ tại tiểu khu 57. |
Nhiều tấm, khúc gỗ không có giá trị còn lại trên rừng. |