Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT giải trình: Có lợi ích nhóm trong in SGK không?
Trong báo cáo của Uỷ ban Giáo dục - Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội đã chỉ ra tình trạng độc quyền sách giáo khoa (SGK) cũng như việc học sinh phải viết trực tiếp lên sách SGK gây tốn kém lãng phí, trong khi nhà xuất bản (NXB) cho rằng mỗi năm lỗ 400 tỷ nhưng lại chiết khấu 25%.
Trước vấn đề này, tại phiên họp báo Chính phủ diễn ra vào chiều nay (1/10), báo giới đặt câu hỏi: "Quan điểm của Chính phủ về việc này như thế nào?".
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ. |
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội chương trình giáo dục phổ thông năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ thay sách giáo khoa, bộ tài liệu phục vụ sách giáo khoa mới.
Bộ đã quyết định thành lập các nhóm tác giả biên soạn sách và thành lập Hội dồng thẩm định Quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Sau đó chuyển sang Nhà xuất bản Giáo dục in ấn, chỉnh sửa. Qua quá trình tổ chức, Nhà xuất bản đều đã tổ chức in ấn và tổ chức đấu thầu ở tất cả các khu vực.
Sách giáo khoa được vận chuyển từ nơi in ấn đến cho các nhà trường. Vì vậy, Nhà xuất bản đã chia thành 4 khu vực để tiếp tục in ấn và cung cấp sách cho nhà trường để giảm kinh phí vận chuyển. Để giải quyết tình trạng độc quyền, vừa rồi Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức giao quyền và nhiệm vụ cho 5 nhà xuất bản được in sách giáo khoa.
Việc xóa độc quyền sẽ được thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, tổ chức một chương trình có nhiều sách giáo khoa. Theo đó, huy động các nguồn lực xã hội hóa để tổ chức biên soạn và hiện đã có 5 nhà xuất bản in ấn sách giáo khoa.
Về chiết khấu, theo báo cáo của NXB, ban đầu là 20-25%, tuy nhiên cho đến bây giờ là 18-20%.
“Chiết khấu này chính là kinh phí vận chuyển sách từ nhà in thông qua các công ty sách trường học đến các nhà trường. Đây là kinh phí vận chuyển và phát hành sách. Mức chiết khấu này là thấp so với sách tham khảo, sách khác là 30-40%. Nói cách khác, mức chiết khấu này là để phục vụ công tác phát hành sách đến các nhà trường, học sinh”, ông Độ nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Quản lý sách giáo khoa là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dư luận quan tâm ở chỗ là một năm chúng ta mất một nguồn tiền khá lớn cho in ấn sách giáo khoa.
Báo chí có đặt vấn đề nghi ngờ có lợi ích nhóm trong in ấn sách giáo khoa hay không. Tại phiên họp Chính phủ tháng 9, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình vấn đề này với Chính phủ.
“Thủ tướng chỉ đạo xem xét lại việc biên tập sách giáo khoa. Bộ trưởng có nói chỉ đạo các trường là tiết kiệm, có thể làm bài tập ra ngoài sách giáo khoa. Tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo rõ: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nếu Quốc hội chất vấn phải trả lời. Quan điểm của Thủ tướng là việc in ấn sách giáo khoa phải minh bạch”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 diễn ra sáng nay (1/10), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ rõ: Có sự độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục và tình trạng này đã được phân tích khi xây dựng Đề án đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải xóa độc quyền. Tinh thần này đã được thể hiện trong Đề án đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông cũng như việc cấp phép thêm các nhà xuất bản như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo.
Báo cáo về vấn đề độc quyền xuất bản sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Xuất bản hiện hành thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất được giao xuất bản SGK. Từ cuối năm 2017 đến nay, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thêm 5 nhà xuất bản được tham gia xuất bản SGK và sẽ tiếp tục xem xét mở rộng cấp phép.
Về tỷ lệ chiết khấu SGK của NXB Giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “SGK là mặt hàng thuộc diện quản lý giá của Nhà nước và được trợ giá, có tỷ lệ chiết khấu khi phát hành 20-25%, thấp hơn mức trung bình so với tỷ lệ chiết khấu các loại sách khác là 35-40%”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết thêm hiện tỷ lệ tái sử dụng SGK là khoảng 35%. Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh không làm bài tập trực tiếp vào SGK để nhắc nhở, rèn các em ý thức giữ gìn đồ vật, tài sản. Tuy nhiên, có thực tế là nhiều phụ huynh muốn con em mình viết trực tiếp vào SGK.
Liên quan đến vấn đề của ngành Giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, không chỉ có độc quyền SGK mà còn có thực tế là nhiều trường bằng cách này hay cách khác “ép” học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng. Đây là một trong những biểu hiện rõ của tiêu cực trong giáo dục. Từ năm 2014, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT phải tập trung chấn chỉnh tình trạng “ép” may đồng phục, “ép” mua sách. Bộ cũng đã có các văn bản chỉ đạo nhưng về sách chưa có chuyển biến rõ như với đồng phục. Bộ cần chỉ đạo quyết liệt hơn. Những nơi vi phạm cần xử lý nghiêm.
“Các ý kiến phát biểu, chất vấn của một số Đại biểu Quốc hội về vấn đề SGK trong một số phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gần đây là xác đáng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cần có văn bản báo cáo, giải trình rõ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chốt lại.