Thủ tướng: Với Trung Quốc, Việt Nam "vừa hợp tác, vừa đấu tranh"
Mối quan tâm về lập trường của Việt Nam sau khi Trung Quốc rút giàn khoan khỏi Biển Đông, được nhiều ĐBQH đặt ra với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 19/11.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho rằng, hiện nền kinh tế trong nước đã qua giai đoạn nghỉ ngơi, đang phát triển bền vững. Cả dân tộc hoặc nói ra hoặc không nói ra, đều thấu hiểu thấm thía cái giá của hòa bình ổn định.
Khi Trung Quốc rút giàn khoan, cử tri muốn được nghe từ “kim khẩu” của Thủ tướng về quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề Biển Đông một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Với Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào quan điểm của Việt Nam là "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" |
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặt hỏi về kinh tế biển. ĐB cho rằng: Biển bạc nước ta giàu tài nguyên, mênh mông hàng triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. 500 năm về trước Trạng Trình đã căn dặn chúng ta: “Biển Đông ngàn dặm giang tay giữ” và Nghị quyết TƯ 4 khóa X Đảng ta đã có Nghị quyết về chiến lược biển Việt Nam. ĐB hỏi Thủ tướng: Trong những năm gần đây chúng ta đã có bước đầu tư đáng kể gì để phát triển kinh tế biển đảo?
Theo ĐB, để “giang tay giữ biển Đông ngàn dặm” thì thời gian tới cần bớt đầu tư công trong bờ để dành nguồn lực tăng cường đầu tư cho phát triển kinh tế biển và theo đó, thì nên thành lập Bộ Kinh tế biển trên cơ sở tách một phần chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có một bộ chuyên tâm tham mưu cho Chính phủ quản lý nhà nước về phát triển kinh tế biển đảo.
Trả lời câu hỏi của các ĐBQH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chủ trương của Đảng, Nhà nước sau khi Trung Quốc rút giàn khoan là phải thực hiện đường lối đối ngoại, kiên trì nhất quán đối với không chỉ Trung Quốc mà với tất cả các nước trên thế giới.
Theo Thủ tướng, Hiến pháp 2013 đã nêu toàn bộ đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước được nêu trong Điều 12, đó là: Đối ngoại tự chủ, hòa bình hữu nghị, hợp tác phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động tích cực hội nhập hợp tác quốc tế trên cơ sở độc lập chủ quyền trên cơ sở không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi; tuân thủ hiến chương Liên Hiệp Quốc, tuân thủ các công ước quốc tế mà chúng ta là thành viên vì lợi ích quốc gia dân tộc, tích cực đóng góp cho hòa bình, độc lập, dân chủ trên thế giới.Trên cơ sở đường lối đối ngoại này, dù với Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào cũng phải tuân theo đường lối đó.
“Còn đối với chúng ta, Trung Quốc là láng giềng, mãi mãi là láng giềng. Dù mưa nắng hay bão lũ thì cũng là láng giềng, mãi mãi là láng giềng. Chúng ta hết sức mong muốn Việt Nam-Trung Quốc chân thành hợp tác để gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Để thực hiện thực chất hiệu qủa phương châm 16 chữ, tinh thần 4 tốt, đem lại lợi ích cả 2 nước”- Thủ tướng nói.
Mong muốn 2 bên chân thành hợp tác để giải quyết những bất đồng giữa 2 nước về biên giới lãnh thổ trên biển đảo theo luật pháp quốc tế, Công ước luật biển 1982 và theo thỏa thuận cấp cao 2 nước. Chúng ta mong muốn như thế, làm hết sức mình như thế. Mong muốn cùng Trung Quốc hòa bình, hợp táp cùng phát triển và giải quyết thỏa đáng trên tinh thần luật quốc tế.
Nói ngắn gọn, đầy đủ về quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc sau khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh 6 chữ: “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
“Vừa hợp tác đấu tranh để có hòa bình, ổn định, hữu nghị, tin cậy lẫn nhau; cùng phát triển thịnh vượng, bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước, bảo vệ lợi ích chính đáng trên cơ sở đường lối đối ngoại, nhất quán”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt nghĩa.
Trả lời ý kiến chất vấn của ĐB Lê Nam, Đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng năm 1988, Thủ tướng nhắc lại, Việt Nam đã cùng các nước Asean ký với Trung Quốc Tuyên bố chung về thái độ ứng xử các nước liên quan trên biển đông (DOC). Theo đó, các bên giữ nguyên hiện trạng không làm phức tạp thêm, mọi tranh chấp giải quyết trên cơ sở hòa bình, luật pháp quốc tế, không dùng vũ lực.
Còn việc Trung Quốc bồi đắp biển theo thông tin báo chí đã nêu ở đảo chữ Thập thành đả olớn nhất ở Trường Sa, khoảng 49ha, thì lập trường của Việt Nam là phản đối, vì đã vi phạm Điều 5 của DOC. Lập trường này người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố.
Đồng thời, tại nhiều hội nghị cấp cao của các nhà lãnh đạo quốc tế Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhiều lần tái khẳng định lập trường của Việt Nam trước vấn đề trên.
“Rõ ràng chủ trương của chúng ta là rất rõ ràng, công khai”- Thủ tướng khẳng định.
Còn khá nhiều câu hỏi chất vấn của ĐBQH đặt ra với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuy nhiên do thời gian có hạn, các câu trả lời sẽ được gửi tới ĐB bằng văn bản.