Thủ tướng: Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm chuyển biến tích cực
Sự chuyển biến tích cực thể hiện ở nền kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. CPI tháng 7 tăng 0,13% so với tháng trước. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng đều từ đầu năm, đến 20/7 tăng 7,32%. Tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 8,8% . Vốn ODA giải ngân ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 10,1%.
Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển, công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi mạnh mẽ. Chỉ số sản xuất (IIP) tăng mạnh (tháng 7 tăng 11,3%, 7 tháng tăng 9,9%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng cao hơn mức tăng chung của ngành và tăng 10,1%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng tăng 9,9%. Qua đó cho thấy tín hiệu tốt về phục hồi sức mua và tổng cầu của nền kinh tế. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7 tăng 12,1% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2014, chấm dứt sự giảm liên tiếp 2 tháng vừa qua. Vận chuyển hàng hóa ước tăng 5,8%, luân chuyển hàng hóa tăng 1,8%.
Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta đối diện một số khó khăn, thách thức như sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, giá cả nông sản trên thị trường thế giới tiếp tục giảm ảnh hưởng mạnh đến thị trường xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của nước ta, xuất khẩu tăng thấp hơn cùng kỳ, chưa đạt kế hoạch đề ra, trong khi kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước sụt giảm; đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hạn hán còn nhiều khó khăn.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. “Kết quả này cho chúng ta thấy triển vọng nếu phấn đấu quyết liệt và không có gì đột biến thì có khả năng đạt kết quả đề ra cho cả năm 2015”, Thủ tướng nêu rõ.
Đồng thời Thủ tướng yêu cầu, từ nay đến cuối năm, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, mỗi ngành, lĩnh vực chọn khâu đột phá để phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển từ vốn NSNN, TPCP, ODA..., tập trung hoàn thành, giải ngân các dự án quan trọng, cấp bách; tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội.
Mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu; khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại, sự hồi phục kinh tế thế giới và khu vực.
Tăng cường chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá; tập trung kiểm soát chi NSNN, bảo đảm triệt để tiết kiệm. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Bảo đảm tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh và văn bản quy định chi tiết một cách đồng bộ, có chất lượng, có tính khả thi. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách và chỉ đạo tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào xử lý công việc, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
NHNN bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô, huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư cho đầu tư phát triển; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; bảo đảm điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 và chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Các ý kiến thành viên Chính phủ cơ bản đồng tình với chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng sắp xếp lại các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng gom lại, từ 16 chương trình chỉ còn thực hiện theo 2 chương trình là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thủ tướng lưu ý rằng, việc thu gọn, lồng ghép không có nghĩa là chúng ta từ bỏ mục tiêu, nhiệm vụ nào mà chỉ loại bỏ những phần trùng lặp, lãng phí, để triển khai hiệu quả hơn.