Thủ tướng thăm châu Âu, Bắc Phi và ký thỏa thuận EAEC
Thủ tướng cũng sẽ thăm chính thức một số quốc gia: Algeria, Bồ Đào Nha và Bulgaria từ ngày 29/5-6/6/2015.
Chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng được thực hiện theo lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Kazakhstan Karim Massimov, Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ và Nhân dân Algeria Abdelmalek Sellal, Thủ tướng nước Cộng hòa Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho và Thủ tướng nước Cộng hòa Bulgaria Boyko Metodiev Borisov.
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; lãnh đạo các Bộ: Công an, Ngoại giao, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Y tế, Văn hóa-Thể thao và Du lịch…
Việt Nam và Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan) đã tiến hành khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do vào ngày 28/3/2013. Ngày 15/12/2014, tại Việt Nam, hai bên đã ký Tuyên bố cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định.
Từ ngày 1/1/2015, Liên minh Hải quan chuyển thành Liên minh Kinh tế Á-Âu (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan). Đến nay, sau 8 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ, đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu chính thức kết thúc.
Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thông thoáng và ổn định để phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các nước thành viên của Liên minh; từ đó tăng cường quan hệ song phương và trao đổi các biện pháp nhằm triển khai cụ thể Hiệp định giữa Việt Nam và các nước này.
* Về quan hệ Việt Nam-Algeria, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1962. Thời gian qua, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Algeria có những bước phát triển tích cực. Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước năm 2014 đạt gần 250 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất siêu gần như 100%.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam xuất sang Algeria là cà phê, gạo, điện thoại các loại, linh kiện… Trong quý I/2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Algeria đạt gần 70 triệu USD. Hiện nay, Algeria là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Phi.
Về đầu tư, hiện nay PetroVietnam đang triển khai dự án thăm dò, khai thác dầu tại Algeria; dự kiến sẽ khai thác thương mại vào tháng 6/2015. Trong hợp tác lao động, hiện có khoảng 1.200 lao động xây dựng Việt Nam đang làm việc cho các nhà thầu của các nước thứ 3 (Nhật Bản, Trung Quốc…) tại Algeria.
Hiện hai nước cũng đã ký kết nhiều hiệp định và thỏa thuận quan trọng, trong đó có: Hiệp định hợp tác kinh tế-khoa học và kỹ thuật; Hiệp định thương mại; Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực văn hóa thông tin; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Hiệp định tương trợ tư pháp về thương mại và dân sự; Hiệp định bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Thỏa thuận hợp tác y tế; Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại; Thỏa thuận hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp…
* Bulgaria là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (năm 1950). Bulgaria đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu, nhất là trong những năm tháng Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Thời gian qua, quan hệ giữa 2 nước tiếp tục có những bước phát triển hết sức tốt đẹp; hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp; phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương.
Tháng 3/2001, hai bên ký Hiệp định mới về kinh tế-thương mại, dành cho nhau quy chế tối huệ quốc. Trong năm 2014, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam-Bulgaria đạt gần 90 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu sang Bulgaria các mặt hàng truyền thống như hàng dệt may, giày da, cà phê, hạt tiêu, thuốc lá, thủy sản… và nhập khẩu của Bulgaria các mặt hàng như hóa chất, máy móc, lúa mì, rượu vang, tân dược... Về đầu tư, đến tháng 12/2014, Bulgaria có 10 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 31 triệu USD.
Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác về giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch, khoa học-công nghệ; an ninh-quốc phòng, lao động… giữa Việt Nam và Bulgaria thời gian qua cũng đạt được những kết quả tích cực.
Tại Bulgaria, hiện có hơn 1.000 người Việt Nam sinh sống, trong đó gần 1/2 đã nhập quốc tịch Bulgaria, đa số còn lại có giấy phép cư trú 05 năm hoặc 01 năm. Phần lớn đều có cuộc sống tương đối ổn định, chủ yếu kinh doanh hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ hoặc nông phẩm.
* Bồ Đào Nha và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975. Hai bên duy trì thường xuyên hoạt động trao đổi đoàn các cấp và luôn ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên Hợp Quốc.
Thời gian qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Bồ Đào Nha tuy còn khiêm tốn nhưng tăng trưởng đều qua các năm. Năm 2008, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Bồ Đào Nha mới đạt khoảng 90 triệu USD, song đến năm 2014, con số này đã tăng lên gần 370 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Bồ Đào Nha chủ yếu là cà phê, thủy sản, đồ gỗ, giày dép…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Algeria, Bồ Đào Nha và Bulgaria thể hiện chính sách hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với châu Âu và EU, cũng như coi trọng hợp tác với châu Phi. Chuyến thăm nhằm trao đổi với các nước về tình hình kinh tế-xã hội của mỗi nước, kinh nghiệm phát triển bền vững, chuyển đổi nền kinh tế, liên kết kinh tế quốc tế cũng như ứng phó với các biến động của kinh tế toàn cầu.
Chuyến thăm cũng nhằm thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác mới; thu hút các doanh nghiệp của các nước phát triển kinh doanh và đầu tư với Việt Nam, đồng thời trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước này đi vào hiệu quả và bền vững hơn trên các mặt.