Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Algeria
Sáng 31/5 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn Việt Nam đã tới Thủ đô Algiers.
Lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã diễn ra trọng thể tại Sân bay quốc tế Houari Boumedienne, Thủ đô Algiers dưới sự chủ trì của Thủ tướng Abdelmalek Sellal.
Quan chức Chính phủ Algeria đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. |
Ngay sau Lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Abdelmalek Sellal đã tới đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm liệt sĩ; thăm Bảo tàng cựu chiến binh.
Theo chươngng trình, ngày 1/6/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có cuộc Hội đàm với Thủ tướng Abdelmalek Sellal; hội kiến Tổng thống và Chủ tịch Thượng viện Algeria nhằm trao đổi các phương hướng lớn và các biện pháp nhằm thúc đẩy và đưa hợp tác song phương lên một bước phát triển mới, nhất là hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, y tế, lao động, dầu khí.
Algeria nằm ở Bắc Phi, trên bờ Nam Địa Trung Hải, có diện tích gần 2,4 triệu km2 với dân số trên 38 triệu người. Algeria có thế mạnh về dầu lửa (với trữ lượng ước tính khoảng 38 tỷ thùng) và khí đốt (với trữ lượng ước tính khoảng 4.500 tỷ m3). Ngoài ra Algeria còn có các tài nguyên khác như sắt, phốt phát, than, đồng, chì, kẽm,…
Việt Nam và Algeria đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1962. Thời gian qua, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước có những bước phát triển tích cực.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước năm 2014 đạt gần 250 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất siêu gần như 100%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Algeria là cà phê, gạo, điện thoại các loại, linh kiện,… Trong quý I/2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Algeria đạt gần 70 triệu USD. Hiện nay, Algeria là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Phi.
Về đầu tư, hiện nay PetroVietnam đang triển khai dự án thăm dò, khai thác dầu tại Algeria; dự kiến sẽ khai thác thương mại vào tháng 6/2015. Trong hợp tác lao động, hiện có khoảng 1.200 lao động xây dựng Việt Nam đang làm việc cho các nhà thầu của các nước thứ 3 (Nhật Bản, Trung Quốc,…) tại Algeria.
Hai nước cũng đã ký kết nhiều Hiệp định và Thỏa thuận quan trọng, trong đó có: Hiệp định hợp tác kinh tế - khoa học và kỹ thuật; Hiệp định thương mại; Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực văn hóa thông tin; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Hiệp định tương trợ tư pháp về thương mại và dân sự; Hiệp định bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Thỏa thuận hợp tác y tế; Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại; Thỏa thuận hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp.