Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Không để chậm trễ, nợ đọng văn bản”
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng |
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chức năng xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách…của Chính phủ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và phải được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng luật pháp, bằng cơ chế, chính sách.
Thủ tướng yêu cầu phải “bảo đảm tính kịp thời, đúng tiến độ, không để chậm trễ, không để nợ đọng văn bản. Đồng thời đảm bảo chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật, đó là tính hợp pháp, hợp hiến, khả thi”.
Thảo luận Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, nhiều thành viên Chính phủ cho rằng, dự án luật cần bám sát, thể chế hóa các quan điểm của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước. Đồng thời phải cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương, bảo đảm được sự thống nhất, thông suốt, hiệu quả.
Các thành viên Chính phủ cũng tập trung làm rõ những vấn đề lớn của dự án luật như về mô hình tổ chức chính quyền địa phương; tổ chức và tên gọi cơ quan hành chính quận, phường; mô hình đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm thành viên UBND các cấp…
Cho ý kiến về những định hướng lớn trong xây dựng dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, đóng góp ý kiến của các thành viên Chính phủ để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện 2 dự án luật này trên tinh thần bám sát Hiến pháp, thực tiễn và kế thừa các luật hiện hành.
Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, các thành viên Chính phủ cho rằng, sau 10 năm thực hiện Luật Kế toán cho thấy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định.
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán, đặc biệt là nguyên tắc kế toán, chế độ kế toán; tạo điều kiện phát triển ngành kế toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội cũng như tạo điều kiện tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước, giám sát của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong lĩnh vực kế toán.
Với 17 chương, 162 điều, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã nêu cụ thể, quy định rõ về khái niệm về văn văn bản quy phạm pháp luật; quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật...nhằm đổi mới cơ chế, quy trình xây dựng, khắc phục các bất cập, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.