Thủ tướng mong có nhiều ý kiến đóng góp cho đổi mới giáo dục
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, với Đảng, Nhà nước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng tôi lắng nghe những ý kiến này, coi đây là kênh quan trọng trong chính sách phát triển giáo dục của đất nước, đặc biệt là chính sách, chế độ đối với các thầy giáo, cô giáo đang giảng dạy ở các trường hoặc đã nghỉ hưu”.
Được thành lập năm 2004, Hội tập hợp các nhà giáo, cán bộ viên chức đã nghỉ hưu của ngành giáo dục để đoàn kết giúp đỡ nhau giữ vững phẩm chất đạo đức nhà giáo, hỗ trợ nhau về vật chất, tinh thần trong cuộc sống, tiếp tục đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm chấn hưng giáo dục - đào tạo cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Hội Cựu giáo chức Việt Nam, một số bộ ngành Trung ương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đến nay, Hội đã có 60 vạn hội viên tại 63 tỉnh, thành phố và thực hiện nhiều hoạt động giúp đỡ các nhà giáo khó khăn về kinh tế và bệnh tật thông qua “Quỹ tình nghĩa nhà giáo”; vận động các nhà giáo tư vấn phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục như Luật Giáo dục, Luật Đại học, Nghị quyết Trung ương về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục – đào tạo”, Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể…; đồng thời có các hoạt động vận động hỗ trợ trường học, học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc.
Theo Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam Phạm Minh Hạc, Hội rất đau đáu với mỗi bước tiến của ngành giáo dục, tâm huyết đóng góp cho sự phát triển của ngành về chủ trương, chính sách, về chất lượng giáo dục, về đội ngũ nhà giáo.
Đánh giá cao Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, với Đảng, Nhà nước, Thủ tướng bày tỏ: “Chúng tôi lắng nghe những ý kiến này, coi đây là kênh quan trọng trong chính sách phát triển giáo dục của đất nước, đặc biệt là chính sách, chế độ đối với các thầy giáo, cô giáo đang giảng dạy ở các trường hoặc đã nghỉ hưu”.
Thủ tướng cũng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực khắc phục khó khăn của Hội mặc dù các thầy, các cô tuổi cao, hoàn cảnh kinh tế không dư dả. “Các đồng chí đã nêu tấm gương sáng của người thầy để con cháu, học sinh noi theo. Về hưu nhưng tinh thần đâu có hưu, mà vẫn tiếp tục đóng góp”, Thủ tướng bày tỏ và mong muốn Hội tiếp tục hoạt động tích cực, có nhiều đóng góp, thực hiện tốt mục tiêu phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, năng lực trí tuệ, phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo, góp phần thực hiện chiến lược phát triển giáo dục đào tạo, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương.
Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và các địa phương quan tâm, tạo điều kiện để hoạt động của Hội thiết thực, hiệu quả cao hơn; có cơ chế thích hợp để lắng nghe được nhiều hơn các ý kiến đóng góp quý báu cho ngành giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt, hiệu quả việc phối hợp với Hội Cựu giáo chức Việt Nam, thực hiện “4 cùng”: Cùng đánh giá thực tiễn và chất lượng giáo dục; Cùng bàn giải pháp đổi mới; Cùng tổ chức một số hoạt động; Cùng chăm lo đời sống đội ngũ nhà giáo đương chức và nghỉ hưu.
Nhấn mạnh giáo dục là quốc sách hàng đầu, Thủ tướng cho rằng, muốn xã hội phát triển thì không chỉ xóa đói giảm nghèo nhanh mà cần bền vững, một yếu tố rất quan trọng là nhờ vào giáo dục. Chân, thiện, mỹ hay ý thức con người đều từ giáo dục. “Vì sao Nhật Bản phương tiện ô tô nhiều như thế nhưng tai nạn rất ít. Cũng do giáo dục mà ra”, Thủ tướng nêu ví dụ và cho rằng nếu không quan tâm đặc biệt đến đội ngũ thầy giáo, cô giáo thì đổi mới giáo dục sẽ không thành công.
Thủ tướng mong muốn Hội Cựu giáo chức Việt Nam tham gia tích cực hơn nữa vào công cuộc đổi mới giáo dục.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã có ý kiến xử lý, giải quyết các kiến nghị của Hội Cựu giáo chức Việt Nam, trong đó có một số chế độ, chính sách đối với giáo viên.