Thủ tướng khen ngợi và mong đợi nhiều hơn ở Hà Nội
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc |
Có nhiều đột phá sáng tạo
Đây là buổi kiểm tra thứ 59 của Tổ công tác kể từ khi được thành lập, là lần thứ hai kiểm tra tại UBND Thành phố Hà Nội. Đáng lưu ý, Hà Nội là địa phương đầu tiên được kiểm tra tổ chức hội nghị trực tuyến để tất cả các quận, huyện, phường, xã cùng tham gia buổi kiểm tra.
“Trước hết, thay mặt Tổ công tác, tôi xin chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng Chính phủ tới UBND TP. Hà Nội, hệ thống chính quyền địa phương của Thủ đô. Trong đó, đánh giá rất cao vai trò cá nhân của đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố đã chủ động, quyết liệt, năng động, sáng tạo, rất nhiều đổi mới, không ngại va chạm, cùng với đồng chí Bí thư Thành ủy và lãnh đạo Thành phố tạo chuyển biến rất mạnh so với đầu nhiệm kỳ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Cụ thể, Thủ tướng khen ngợi Hà Nội về 9 nội dung. Thứ nhất, Thành phố có rất nhiều đột phá, sáng tạo trong cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh, tăng cường công khai, minh bạch. Sự cải cách là rõ ràng, được người dân và doanh nghiệp đánh giá tốt.
“Ngay trước buổi kiểm tra, Tổ công tác đã đi thăm Trung tâm Hành chính công của quận Hoàn Kiếm. Hoàn Kiếm chưa phải là quận đi đầu của Hà Nội, nhưng chúng tôi đánh giá rất tốt”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. Đặc biệt, Hà Nội có tới 689 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, là một trong những địa phương tiên phong đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, cùng với các địa phương như Quảng Ninh, Bắc Ninh...
Thứ hai, Thủ tướng khen ngợi Hà Nội về những nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư. Trong đó, cơ chế đăng ký kinh doanh thân thiện đã giúp giảm 30% thời gian đăng ký doanh nghiệp, 100% hồ sơ được thực hiện qua mạng... Tổ trưởng Tổ công tác cũng nhắc tới một minh chứng khác là qua khảo sát, một hồ sơ xây dựng được trả sớm tới 13 ngày so với quy định. Riêng năm 2018 có trên 25.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Thứ ba, về tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy, Hà Nội đã thực hiện 12 đợt tinh giản biên chế với 695 người, chuyển 106 đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ hoàn toàn về tài chính, qua đó giảm 8.671 biên chế hưởng lương từ ngân sách. Như vậy, Hà Nội đã thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 rất cụ thể.
Thứ tư, công tác quy hoạch, phát triển không gian đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng hiện đại, nhất là những con đường mới, ấn tượng của Thủ đô. Đáng lưu ý, mặc dù công tác này được triển khai quyết liệt nhưng đơn thư gửi lên Chính phủ, Thủ tướng rất ít, số người đến Trụ sở tiếp công dân Trung ương giảm cơ bản.
Thứ năm, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, hạ tầng kỹ thuật được cải thiện vượt bậc, nhiều công trình giao thông lớn được xây dựng. Hạ tầng nông thôn được hiện đại hóa, 94% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội đạt 4.080 USD/năm, riêng người dân nông thôn khoảng 46 triệu.
Thứ sáu, trật tự xây dựng có nhiều chuyển biến, công tác phát triển đô thị theo quy hoạch, công tác đầu tư công khai minh bạch được kiểm soát chặt chẽ hơn. Các vấn đề người dân và dư luận bức xúc được chỉ đạo xử lý quyết liệt.
Thứ bảy, công tác xã hội hóa, nhất là sự tham gia rất tốt của người dân và doanh nghiệp vào công tác chỉnh trang đô thị.
Thứ tám, trong năm 2018 và cả các năm trước, hoạt động đối ngoại của Thành phố mang tầm vóc mới, riêng năm 2018 có 13 thỏa thuận quốc tế. Một dự án đáng chú ý tại Hà Nội là giải đua xe công thức 1.
Thứ chín, vấn đề bao trùm là kinh tế tiếp tục ổn định với mức độ tăng trưởng cao, được đánh giá là 1 trong 10 thành phố năng động nhất thế giới. Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 tăng mạnh, tăng 21,6% vượt xa tăng nhập khẩu. Các lĩnh vực như bảo đảm an toàn thực phẩm, trật tự an toàn xã hội cũng được kiểm soát tốt.
“Thủ tướng và người dân cả nước mong đợi nhiều hơn ở Thành phố”
Phát biểu tại cuộc làm việc, ý kiến các thành viên Tổ công tác, chuyên gia và đại diện cộng đồng doanh nghiệp đều đánh giá cao những kết quả đạt được của Hà Nội, bày tỏ kỳ vọng Hà Nội có thể làm tốt hơn nữa, với tốc độ tăng trưởng từ 10% trở lên để thực sự là một cực tăng trưởng của cả nước.
Tại buổi làm việc, UBND TP. Hà Nội đã báo cáo, làm rõ thêm về các kết quả đạt được, các tồn tại hạn chế, các nội dung Thủ tướng lưu ý và các vấn đề các thành viên Tổ công tác đặt ra; kiến nghị nhiều nội dung vướng mắc cần xử lý. Theo Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, UBND TP sẽ cụ thể hóa các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Tổ công tác để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ được giao.
Kết luận buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng nêu rõ, tính từ đầu năm 2017 tới ngày 15/11/2018, Hà Nội được Chính phủ, Thủ tướng giao 2.594 nhiệm vụ (nhiệm vụ nhiều nhất trong các địa phương). Trong đó, đã hoàn thành 1.980 nhiệm vụ, 614 nhiệm vụ chưa hoàn thành (607 nhiệm vụ trong hạn và 7 nhiệm vụ quá hạn).
Trong đó, 7 nhiệm vụ quá hạn đều liên quan tới khiếu nại, tranh chấp, kiến nghị của người dân, được gửi tới hệ thống tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp đặt tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ. “Đây là những vấn đề tồn tại từ lâu chứ không phải mới phát sinh, cũng đã được quan tâm giải quyết, mong các đồng chí tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các quận huyện thực hiện đồng bộ”, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu.
Tổ công tác đề nghị Hà Nội quán triệt các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao, rà soát, yêu cầu các quận, huyện, sở ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ để không còn quá hạn
Trong đó, Tổ công tác đề nghị chú ý tập trung vào một số vấn đề như đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là áp dụng các dịch vụ công trực tuyến. “Củng cố chính quyền các cấp, tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh, thấm nhuần tư tưởng phục vụ người dân doanh nghiệp làm mục tiêu hoạt động”, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng thanh toán điện tử, giao thông thông minh, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động đổi mới sáng tạo...
Cho biết “Thủ tướng và người dân cả nước mong đợi nhiều hơn ở Thành phố”, Tổ trưởng Tổ công tác bày tỏ đồng tình với các kiến nghị như cần phân cấp mạnh mẽ hơn để Thành phố được chủ động trong xử lý các vấn đề. Kết quả kiểm tra và các kiến nghị của Thành phố sẽ được Tổ công tác tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp sắp tới.