Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp, xã hội đồng tâm hiệp lực xây dựng Chính phủ điện tử
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam - Vietnam ICT Summit 2018 với chủ đề: “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số” được tổ chức ngày 18/7/2018. |
Diễn đàn của hành động
Hôm nay, ngày 18/7 Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam - Vietnam ICT Summit 2018 với chủ đề: “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số” đã được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Phạm Viết Thanh.
Là sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) – Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đồng tổ chức, trong năm thứ 8 được tổ chức này, Diễn đàn có sự góp mặt của hơn 650 đại biểu cấp cao từ Chính phủ, 10 bộ và các cơ quan ngang bộ; 31 cục, tổng cục, trung tâm, viện nghiên cứu; lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành từ 27 tỉnh, thành phố trên cả nước; đại sứ, tham tán thương mại của 12 quốc gia tại Việt Nam, các lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội, các viện nghiên cứu, các trường đại học.
Đánh giá cao việc VINASA và Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT và các bộ ngành liên quan tổ chức Diễn đàn quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam thường niên lần thứ 8 có chủ đề “Hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số”. Đây là nội dung có liên quan mật thiết đến các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, là một trọng tâm của Chính phủ trong giai đoạn 2018 - 2020, định hướng tới năm 2025.
Thủ tướng cũng cho rằng, Diễn đàn lần này là Diễn đàn hành động và chúng ta cùng đồng tâm hiệp lực để hành động thành công, trước hết là xây dựng thành công Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số cho Việt Nam - một chủ đề chúng ta đã quan tâm từ lâu và bây giờ phải bắt tay vào ngay để phù hợp với xu thế hội nhập, đồng thời nâng cao chất lượng điều hành của Chính phủ và nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.
Theo Thủ tướng, thế giới đang chuyển từ kỷ nguyên của điện tử hóa, tự động hóa, tin học hóa sang kỷ nguyên số hóa, thông minh hóa và trí tuệ nhân tạo. Những thành tựu khoa học công nghệ đã mở ra kỷ nguyên mới tác động vô cùng sâu sắc đến mọi khía cạnh của sản xuất kinh doanh, từ sản phẩm, xu hướng thị trường và tiêu dùng, kỹ năng, mô hình kinh doanh, cách thức quản trị cho đến sự vận hành các chuỗi giá trị toàn cầu và cả trong sự tương tác giữa thị trường và nhà nước.
“Chúng ta thấy xuất hiện những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với truyền thống như các hãng truyền thông toàn cầu nhưng không sở hữu quyền tác giả một tin tức nào, các hãng taxi toàn cầu không sở hữu xe, các khách sạn toàn cầu không sở hữu một khách sạn nào… đã và đang góp phần định hình nên nền kinh tế mới của thời đại – kinh tế số. Chính vì vậy, chúng ta cần thảo luận để tạo ra nhận thức chung sâu sắc hơn về những vấn đề cơ bản của kinh tế số như những đặc trưng về tính chia sẻ, về giá trị gia tăng trên nền tảng kinh tế số, đặc trưng của sản phẩm khi có giá trị, quy mô và tính cá biệt, truy xuất nguồn gốc, phương thức phân phối vào thị trường.... từ đó, lựa chọn được bước đi phù hợp, phát huy tốt các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam”, Thủ tướng nêu.
Nhấn mạnh những thành tựu khoa học công nghệ tác động mạnh mẽ lên mọi hoạt động của Chính phủ và toàn xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây chính là cơ hội lịch sử song đầy thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước. “Để không bỏ lỡ cơ hội này thì trước hết, Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số. Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để phát huy được những thuận lợi do việc ứng dụng CNTT, công nghệ số mang lại và đáp ứng được những thách thức của thời đại kinh tế số”, Thủ tướng chỉ đạo.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo việc thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT. Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử. Thành viên Ủy ban, ngoài Bộ trưởng các bộ liên quan trực tiếp tới các nhiệm vụ trọng yếu trong xây dựng Chính phủ điện tử còn có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân để tăng cường và bảo đảm cơ chế hợp tác công - tư chặt chẽ trong tiến trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Chia sẻ về điểm khác biệt của Diễn đàn năm nay, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch VINASA cho hay, nếu 7 kỳ Diễn đàn trước tập trung nói về khát vọng, về tầm nhìn, thách thức, khó khăn và những khái niệm thì Vietnam ICT Summit lần thứ 8 chúng ta tập trung vào làm và phải làm ngay. Hơn thế nữa, bước vào giai đoạn hành động, chúng ta cần quyết tâm của cả hệ thống, cần kế hoạch tỉ mỉ và chi tiết, cần đủ nguồn lực về nhân lực, vật lực cũng như tài lực, cần cơ chế đảm bảo thực thi và đó là chủ đề quan trọng của Diễn đàn. Tôi nghĩ hơn thế lúc này chúng ta rất cần sự đồng thuận của cả xã hội và chúng ta cần chung tay hành động.
Đánh giá cao việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử sẽ được thành lập trong thời gian tới, ông Trương Gia Bình nhận định, điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng đối với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng – xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Theo ông Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam trực tiếp chỉ đạo, xây dựng Chính phủ điện tử.
Ông Bình cũng chia sẻ thêm: “Diễn đàn cũng rất mong mỏi những quyết định tương ứng sẽ được thực thi tại các bộ, ngành, địa phương, nghĩa là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương nhận trách nhiệm trực tiếp như Thủ tướng Chính phủ đã nhận. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng số đang bùng nổ trên toàn cầu như hiện nay, muốn giấc mơ lớn của đất nước trở thành hiện thực, chúng ta cần bắt đầu từ những việc nhỏ mà hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và phải làm ngay, làm quyết liệt, đặt nền móng vững chắc cho thành công trong tương lai”.
Bài học thành công từ Malaysia, Estonia
Đặc biệt, tại Diễn đàn, các kinh nghiệm quốc tế thành công của Malaysia, Estonia cũng đã được chia sẻ.
Câu chuyện Estonia, quốc gia nhỏ bé đã gặp rất nhiều vấn đề khó khăn sau khi tách khỏi Liên bang Xô Viết đã làm cách nào để vươn lên trở thành quốc gia số hoá thành công nhất thế giới. Quyết tâm cao độ của Chính phủ nước này cùng với khoản ngân sách 70 ngàn USD để triển khai dự án chính phủ điện tử đầu tiên, đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia của nước này đã cung cấp đến 99% các dịch vụ thiết yếu (1.500 dịch vụ trực tuyến) cho người dân, doanh nghiệp và thiết lập các hệ thống quản lý đăng ký công dân, hệ thống xác thực thông qua mã số công dân điện tử (eID), xác thực thông qua số điện thoại (MobileID) cùng chữ ký số để thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước; Đặc biệt, phải kể đến Hệ thống thông tin phục vụ họp Chính phủ (e-Cabinet) và Hệ thống tham vấn chính sách (e-Consultation), giúp các cơ quan đầu não có thể theo dõi, quản lý lịch họp, nghiên cứu, xử lý tài liệu, hồ sơ điện tử qua mạng. Các hệ thống này giúp tăng hiệu quả, giảm thời gian, giấy tờ cho các cuộc họp của Chính phủ, thậm chí tạo nên “kỳ tích” khi có những cuộc họp Chính phủ diễn ra trong khoảng thời gian 30 phút, cuộc họp ngắn nhất kéo dài 01 phút…
Bài học trong việc thực thi triển khai chính phủ điện tử tại Malaysia và 10 quốc gia khác lại dựa trên mô hình PEMANDU với 8 bước BFR gồm: Đặt mục tiêu đúng đắn; Xây dựng kế hoạc chi tiết; Chọn ngày công bố; Chỉ ra đường lối thực hiện rõ ràng; Xây dựng và đo lường và giám sát bằng KPI rõ ràng; Thực thi và giải quyết các vấn đề; Đánh giá kết quả từ bên ngoài; Báo cáo tổng kết định kỳ hàng năm và rút kinh nghiệm. Qua gần 10 năm, PEMANDU đã giúp Malaysia tạo ra được 2,6 triệu việc làm; tỉ lệ thâm hụt ngân sách giảm từ 6,6% còn hơn 3%.
Ban tổ chức kỳ vọng, những câu chuyện thực tế và kết quả “thần kỳ” mà quá trình chuyển đổi số mang lại cho việc điều hành, quản lý ở những quốc gia kể trên sẽ là nguồn cảm hứng, là động lực để Việt Nam bắt tay viết nên câu chuyện thành công của riêng mình.
Theo kế hoạch, sau phiên khai mạc, Diễn đàn đã lần lượt thảo luận theo 3 tọa đàm chuyên đề chính: Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Kinh tế số và Hạ tầng số.