Thủ tướng hoan nghênh Bộ TT&TT “bật đèn xanh” cho 5G
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh Bộ TT&TT “bật đèn xanh” cho 5G, trước hết là tại TP.HCM, |
Hiện Bộ TT&TT đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để thử nghiệm 5G cho ít nhất 1 doanh nghiệp trong tháng 1/2019. Địa điểm thử nghiệm sẽ triển khai tại TP Hồ Chí Minh và thời gian thử nghiệm sẽ được tiến hành từ tháng 1 đến tháng 5/2019.
Cho đến thời điểm này, Viettel và MobiFone đã chính thức lên tiếng xin cấp phép thử nghiệm 5G. Nguồn tin của ICTnews cho hay, Bộ TT&TT đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để thử nghiệm 5G cho ít nhất 1 doanh nghiệp trong tháng 1/2019. Địa điểm thử nghiệm sẽ triển khai tại TP Hồ Chí Minh và thời gian thử nghiệm sẽ được tiến hành từ tháng 1 đến tháng 5/2019. Việc thử nghiệm 5G có thể sẽ được thực hiện trên băng tần 3.5 GHz để tránh nhiễu cho các trạm VSAT hiện có. Trong quá trình thử nghiệm, Cục Tần số sẽ cùng với các nhà mạng đánh giá về băng tần 3.5 GHz.
Tại Tọa đàm chuyên đề “Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sớm chấp nhận công nghệ 2G và thúc đẩy cạnh tranh, mạng di động Việt Nam đã từng vào top 20 thế giới. Tuy nhiên, khi chuyển sang công nghệ 3G, 4G vì sự đi sau về công nghệ và thiếu nhân tố cạnh tranh mới mà viễn thông của Việt Nam đang xếp hạng ở thứ 100. Về mật độ thuê bao di động băng rộng, năm 2017, ITU xếp Việt Nam đứng thứ 115/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, tức là dưới trung bình của thế giới.
Đánh giá về công nghệ 5G đang tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng. Muốn thay đổi thứ hạng thì phải đi đầu. Chưa đi đầu được trên phạm vi toàn quốc thì đi đầu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
"Bộ TT&TT chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019 và đến năm 2020, khi thế giới bắt đầu triển khai 5G thì Việt Nam sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G", Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trước đây thiết bị mạng 2G và 3G phải nhập ngoại 100% còn khi triển khai 4G thì lần đầu tiên chúng ta có thiết bị 4G Việt Nam, nhưng cũng phải chờ đến 8 năm sau khi công nghệ 4G xuất hiện. Tuy nhiên, với 5G, chúng ta sẽ có thiết bị ngay từ ngày đầu triển khai chính thức năm 2020. Đây là sự thay đổi lớn nhất, sự thay đổi ý nghĩa nhất và cũng là sự chuyển đổi về chất lớn nhất trong ngành công nghiệp điện tử viễn thông nước nhà.
Bộ TT&TT khích lệ và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, cả nhà nước và tư nhân, cả to và nhỏ, nghiên cứu sản xuất được thiết bị viễn thông, kể cả thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối, để lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, mạng viễn thông Việt Nam được xây lên bởi thiết bị Việt Nam. Việt Nam cũng phải trở thành nước thứ 5 trên thế giới xuất khẩu được thiết bị viễn thông Made in Vietnam, bao gồm tất cả thiết bị mạng và đầu cuối.
"Công nghệ 2G là công nghệ điện thoại thuần túy. Công nghệ 3G là nửa điện thoại, nửa data. Công nghệ 4G là thuần túy data, nhưng là cho người với người. Công nghệ 5G là công nghệ data, nhưng là công nghệ đầu tiên được thiết kế cho kết nối vạn vật, với một loạt tính năng mới như độ trễ thấp, tiêu thụ nguồn nhỏ. Công nghệ 5G sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối. Công nghệ 2G, 3G, 4G đã kết nối 7 tỷ người thì 5G sẽ kết nối hàng ngàn tỷ thiết bị, chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo. Và thay đổi cơ bản cuộc sống loài người. Đây là sứ mạng của 5G và sứ mạng ấy đặt lên vai ngành ICT Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Người đứng đầu Bộ TT&TT nhấn mạnh, kết nối vạn vật sẽ yêu cầu một sự đầu tư hoàn toàn khác so với mạng điện thoại di động dành cho kết nối chỉ con người với nhau. Vì vậy, các nhà mạng di động phải nhận thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước, đối với dân tộc.
"Mạng 5G là hạ tầng kết nối vạn vật - hạ tầng quan trọng nhất của cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam muốn đi đầu trong cách mạng 4.0 thì mạng 5G phải đi trước và đi đầu. Mạng lưới phải có trước, hạ tầng kết nối phải có trước. Đầu tư trước kinh doanh sau, đây phải là triết lý kinh doanh của tất cả các nhà mạng. Mạng 5G cho kết nối vạn vật của Việt Nam phải vào loại tốt nhất trên thế giới. Số lượng trạm BTS cho 5G sẽ phải lớn hơn rất nhiều so với các công nghệ trước đó. Do vậy, dùng chung hạ tầng, chia sẻ hạ tầng viễn thông với các hạ tầng điện, nước, giao thông là rất quan trọng để giảm chi phí xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Vẫn theo phân tích của Bộ trưởng Bộ TT&TT, 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông Việt Nam, mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ICT nước nhà. Với nhu cầu rất lớn về thiết bị mạng lưới và đặc biệt lớn về thiết bị đầu cuối, nhu cầu mang tính quyết định của an toàn, an ninh mạng, nhu cầu toàn dân về ứng dụng, sẽ tạo ra thị trường vô hạn cho các công ty công nghệ Việt Nam. Vì vậy, chúng ta hãy coi Việt Nam là cái nôi để phát triển công nghệ và sản phẩm, để từ đây đi ra chinh phục thế giới. Cơ hội này rơi lên thế hệ chúng ta và chúng ta phải coi đây là trách nhiệm lịch sử của mình đối với dân tộc.