Thủ tướng: Dám nghĩ dám làm nhưng không được làm ẩu
"Không được làm ẩu, vi phạm pháp luật"
“Đóng góp vào thành quả kinh tế xã hội năm 2019 cũng như hơn 3 thập niên đổi mới có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Thủ tướng với đại diện cộng đồng hơn 700.000 doanh nghiệp diễn ra sáng 23/12 với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững".
Thủ tướng thăm quan một gian hàng |
Bày tỏ cảm ơn trước những đóng góp to lớn, nhiều mặt, có phần thầm lặng của doanh nghiệp chân chính đối với sự phát triển của đất nước, Thủ tướng cho rằng: Sự lớn mạnh của doanh nghiệp không thể thiếu vai trò kiến tạo của Nhà nước; ngược lại, sự yếu kém của doanh nghiệp chắc chắn có một phần trách nhiệm của Nhà nước.
Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ sẽ phải không ngừng tìm cách giảm thiểu rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là rủi ro của cơ chế chính sách và sự nhũng nhiễu của bộ máy hành chính.
"Chính phủ hiểu bên cạnh những thành công, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn. Chính phủ thấm thía mỗi năm có hàng vạn doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngưng hoạt động, nhiều doanh nghiệp lớn bị đào thải", Thủ tướng chia sẻ và nói rằng đó là lý do Chính phủ liên tục tổ chức các hội nghị lớn nhỏ để phát triển doanh nghiệp.
Nhấn mạnh 2020 là năm quan trọng về đối ngoại, đối nội của đất nước và cũng là năm hoàn thành nhiều mục tiêu trung hạn của nhiều doanh nghiệp, Thủ tướng nêu 4 vấn đề để cộng đồng doanh nghiệp thảo luận.
Một là, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp nêu khó khăn, trở ngại trong quá trình sản xuất, kinh doanh như quy hoạch, tiếp cận đất đai, tín dụng, sử dụng lao động, thủ tục hành chính, thuế, hải quan, giấy phép, cung cấp điện nước,... nhất là vấn đề thanh kiểm tra chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp như thế nào, kể cả tình trạng cơ quan nhà nước dọa nạt doanh nghiệp khi doanh nghiệp có ý kiến trái chiều.
“Đặc biệt ta cần biết và xử lý sự trì trệ của nhiều sở ngành ở địa phương, đá qua đá lại, chậm chạp, làm mất thời cơ của doanh nghiệp; cần chỉ rõ văn bản của bộ ngành nào bất hợp lý, mâu thuẫn, cản trở, không phù hợp; cơ quan nào gây nhũng nhiễu ở địa phương hay tập trung ở trung ương”, Thủ tướng nói.
Hai là, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp nêu những thách thức, sức ép đối với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, kinh tế đất nước ngày càng hội nhập, tác động của Cách mạng 4.0; đề xuất cách giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng, cạnh tranh, vượt qua thách thức; đề nghị hiến kế cho Chính phủ hoàn thành mục tiêu năm 2020 và 5 năm tới.
Ba là, Thủ tướng đề nghị nêu đề xuất những đột phá về cơ chế khuyến khích doanh nghiệp.
Bốn là, Thủ tướng đề nghị nêu đề xuất giải pháp cải thiện nâng cao tương tác giữa bộ ngành và địa phương; chia sẻ sáng kiến hay của doanh nghiệp mình, mô hình tốt của địa phương...
Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý cộng đồng doanh nghiệp rằng doanh nghiệp tinh thần là dám nghĩ, dám làm, dám đột phá nhưng "không được làm ẩu, vi phạm pháp luật". Các cơ quan thanh tra, công an, kiểm toán, tòa án,... thật sự trân trọng quyền con người, quyền kinh doanh, quyền tài sản theo pháp luật, theo tinh thần cởi trói, tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp.
Dưới 30 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Số doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng cao trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm có thêm trên 126 nghìn, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 760 nghìn doanh nghiệp.
Niềm tin, kỳ vọng của các doanh nghiệp và nhà đầu tư tăng đáng kể, trong đó, 76% tổng số doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư, mở rộng thị trường trong năm 2020, 49% lãnh đạo doanh nghiệp APEC tại Việt Nam bày tỏ “rất lạc quan” về tăng trưởng doanh thu, cao hơn mức trung bình trong khối APEC là 34%.
Những năm gần đây, tỷ trọng doanh nghiệp quy mô vừa tăng từ 2,5% lên 3,5% tổng số doanh nghiệp, tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm từ 70% xuống 63%.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Chí Dũng, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao, đồng thời, chúng ta vẫn thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa; nếu có thì quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi, đa số doanh nghiệp của nước ta có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm tới hơn 97% tổng số doanh nghiệp.
Mặc dù có dấu hiệu chuyển biến tích cực trong 2 năm lại đây, số lượng doanh nghiệp cỡ vừa đang tăng lên và chiếm tỷ trọng khoảng 3,5%, nhưng vẫn rất khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực (trung bình khoảng 5-10%). "Chúng ta có chưa đến 30 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ", ông Dũng lưu ý.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy mô lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Sản phẩm của những doanh nghiệp này cần được coi là sản phẩm quốc gia, thành công của những sản phẩm chủ lực này cũng chính là sự thành công của quốc gia.
"Hơn nữa, các doanh nghiệp lớn cần có một sợi dây, một cơ chế liên kết lại với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp; trở thành cơ chế đóng góp và xây dựng chính sách; đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sân chơi lớn tầm quốc tế; thảo luận những bài toán phát triển, hợp tác lớn với các tập đoàn xuyên quốc gia... ", ông Dũng chia sẻ.
Hà Duy/VNN