Thủ tướng Chính phủ: “Kiên quyết loại bỏ ngân hàng yếu kém"
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng |
Tăng trưởng 5,8%, lạm phát 7%
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, chỉ còn vài ngày nữa năm 2013 sẽ kết thúc, một số chỉ tiêu quan trọng đều đã đạt được như tăng trưởng GDP ở mức 5,4%, lạm phát dừng ở mức 6,04%... Tuy nhiên, nhiệm vụ và mục tiêu đề ra cho phát triển kinh tế xã hội năm 2014 là khá nặng nề.
Để đạt được mục tiêu năm 2014 tăng trưởng GDP ở mức 5,8% và lạm phát ở mức một con số - 7%, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mộ, kiểm soát lạm phát. “Đây là điều hết sức cơ bản vì không ổn định vĩ mô thì khó có phát triển bền vững”- Thủ tướng nói.
Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp và tiếp tục đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó giải quyết nợ xấu, tiếp cận nguồn vốn, đất đai, cải cách thủ tục hành chính…
“Sau hội nghị hôm nay Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về điều hành phát triển kinh tế xã hội năm 2014, nêu rõ mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ giải pháp lớn. Vấn đề là phải triển khai thực hiện ngay từ ngày đầu năm của năm mới. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương sau khi có Nghị quyết phải căn cứ chức năng nhiệm vụ để cụ thể hóa, thực hiện với quyết tâm cao nhất” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Kiên quyết “xử” ngân hàng yếu, bán bớt vốn tại DNNN
Đánh giá lại quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sang năm 2014 phải đẩy nhanh hơn việc xử lý 8 ngân hàng yếu kém còn lại. Dù năm 2013, cơ quan quản lý điều tệ đã xử lý xong 9 ngân hàng yếu kém, nhưng hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế nên phải đảm bảo huyết mạch này thông suốt, vững chắc.
Ngân hàng nào yếu kém thì cần loại bỏ, DNNN nào yếu thì cần tái cơ cấu lại |
“Chỉ có cách kiên quyết xử lý nốt số ngân hàng yếu còn lại trong năm 2014 thì mới đảm bảo nền kinh tế phát triển vững chắc được”- ông nói.
Nhấn mạnh tái cơ cấu DNNN trong năm 2014 phải làm mạnh hơn, Thủ tướng thẳng thắn, DNNN nào làm ăn thua lỗ nếu cần thiết thì bán bớt vốn Nhà nước tại số DN này, kéo tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước từ 65% hiện nay xuống thấp hơn. Tuy nhiên, bán vốn Nhà nước không có nghĩa bán tràn lan, sơ hở và để mất mát tài sản.
“Tôi đề nghị tập trung tái cơ cấu DNNN. Cái nào thua lỗ, không khắc phục được thì giải thể, phá sản đi, phải kiên quyết. Muốn có kinh tế thị trường phải có môi trường cạnh tranh bình đẳng, DNNN mà làm nhiệm vụ công ích, chính trị, không đặt trong thị trường thì hoạch toán riêng và công khai minh bạch” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Chốt lại những lĩnh vực cần đặc biệt chú trọng ưu tiên phát triển, Thủ tướng Dũng nhắc tới câu chuyện tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn. Theo ông, tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn phải tập trung xây dựng nông thôn mới, đưa khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào phát triển nông nghiệp. Đồng thời, khuyến khích sản xuất lớn dưới mô hình hợp tác lớn, các hộ kinh doanh cá thể manh mún nên rà soát lại. Khuyến khích DN đầu tư vào nông thôn, không làm được thì không thu hút lao động,giải quyết việc làm tại địa phương.
Thậm chí, nếu DN quyết tâm vào đầu tư tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Chính phủ sẵn sàng đưa ra chính sách ưu tiên, như hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho DN.
“Đơn cử như DN may mặc nào đầu tư tại vùng nông thôn phải đào tạo tay nghề cho công nhân, Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ, chi tiền để DN đào tạo nghề, miễn là dự án đầu tư phải khả thi”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.