Thủ tục phức tạp thì có người đến chết vẫn chưa được hưởng trợ giúp pháp lý
ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) khi thảo luận tại hội trường về Luật trợ giúp pháp lý vào sáng nay 1/6 đã đề nghị bỏ quy định "có khó khăn về tài chính mới được trợ giúp pháp lý - TGPL".
ĐB Lê Thị Nguyệt: Tôi cho rằng thủ tục như vậy rất phức tạp, người được trợ giúp pháp lý mất rất nhiều thời gian mà thậm chí có người đề nghị trợ giúp pháp lý đến chết vẫn không được hưởng. |
Kiến nghị mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý
Trước khi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) trong đó có nhắc tới điều 7 quy định về người được trợ giúp pháp lý (TGPL)
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy định về đối tượng được trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật.
Một số ý kiến đề nghị quy định thống nhất diện đối tượng đang được hưởng trợ giúp pháp lý như quy định của pháp luật hiện hành và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Một số ý kiến đề nghị mở rộng diện người được hưởng trợ giúp pháp lý đối với một số đối tượng cụ thể.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc xác định diện người được trợ giúp pháp lý cần phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật hiện hành và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm tính khả thi.
Theo đó, việc quy định người được trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật dựa trên các nguyên tắc, tiêu chí: Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng; chính sách dân tộc; chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
Trợ giúp đối với một số nhóm đối tượng yếu thế nhất trong xã hội có khó khăn về tài chính, không đủ khả năng chi trả thù lao cung cấp dịch vụ pháp lý.
“Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý bảo đảm kế thừa quy định trong Luật hiện hành các đối tượng đang được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, các luật khác và văn bản dưới luật có liên quan, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng mới (người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính) được trợ giúp pháp lý (Điều 7)”- Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nêu.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định thì quy định về người được trợ giúp pháp lý như dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi trong việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho việc bảo đảm hoạt động trợ giúp pháp lý một cách có chất lượng, hiệu quả. Khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các đối tượng mới vào Luật Trợ giúp pháp lý.
Có ý kiến đề nghị bỏ quy định điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý. Có ý kiến đề nghị giao địa phương căn cứ vào tình hình thực tế quy định điều kiện khó khăn về tài chính. Song, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, để bảo đảm sự thống nhất, minh bạch, kịp thời về chế độ chính sách đối với người được hưởng trợ giúp pháp lý trong việc áp dụng điều kiện được hưởng trợ giúp pháp lý thì việc giao Chính phủ quy định là hợp lý. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể điều kiện khó khăn về tài chính cho phù hợp với từng thời kỳ. “Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Khắc Định nêu.
Đề nghị không quy định thêm bất kỳ điều kiện gì để ràng buộc
Thảo luận tại hội trường nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn về các quy định tại điều 7 quy định các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý phải có tiêu chí khó khăn về kinh tế.
Theo đó, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết: theo dự thảo luật quy định đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phải có hộ khẩu thường trú, có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn mới được hưởng trợ giúp pháp lý là “quá hẹp và không phù hợp với tình hình thực tiễn”.
Bởi ĐB Nguyễn Tạo đưa ra ví dụ như ở địa bàn Tây Nguyên, trong thời gian vừa qua số lượng di dân tự do trên dưới 20 vạn. Chỉ tính riêng trong những tháng đầu năm 2017 số lượng di dân lên tới 7- 8 ngàn người.
“Những đối tượng này đến địa phương cư trú chứ không phải thường trú, họ không có hộ khẩu và họ không có quyền sử dụng đất để sinh sống. Đối tượng này cần trợ giúp của nhà nước … Nhưng dự thảo luật xác định phải có hộ khẩu thường trú mới được trợ giúp trong khi hầu hết các đối tượng cư trú ở địa bàn rất khó khăn.
Với tiêu chí điều kiện kinh tế khó khăn thì phần lớn đồng bào thiểu số rất khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế do đó khó có cơ hội tiếp cận về công lý. Do đó tôi tha thiết đề nghị chuyển từ thường trú sang cư trú cho phù hợp với tình hình thực tiễn” – ĐB Nguyễn Tạo nêu.
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cũng cho rằng, tại điều 7 dự thảo Luật trợ giúp pháp lý đối tượng được trợ giúp đã mở rộng hơn nhưng lại hạn chế quyền trợ giúp pháp lý của họ.
“Như vậy điều 7 của dự thảo không phù hợp với hiến pháp, mâu thuẫn với các luật khác”- ĐB Lê Thị Nguyệt nhấn mạnh.
Vẫn theo ĐN Nguyệt, theo quy định hiện hành thì các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều kiện gì. Tuy nhiên, theo khoản 8 điều 7 dự thảo luật có 8 đối tượng được trợ giúp pháp lý có điều kiện ràng buộc là: có khó khăn về tài chính mới được hưởng trợ giúp pháp lý.
“Việc quy định thêm về điều kiện để được hưởng trợ giúp pháp lý đã thu hẹp đối tượng được trợ giúp đồng nghĩa với việc hạn chế quyền trợ giúp pháp lý mà họ được hưởng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đây là sự phân biệt đối xử không công bằng đối với đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý và làm phức tạp thêm về tình hình, thủ tục cũng như giấy tờ về trợ giúp pháp lý …
Tôi cho rằng thủ tục như vậy rất phức tạp, người được trợ giúp pháp lý mất rất nhiều thời gian mà thậm chí có người đề nghị trợ giúp pháp lý đến chết vẫn không được hưởng”- ĐB Nguyệt nêu.
Do đó, ĐB này đề nghị dự thảo luật không quy định thêm bất kỳ điều kiện gì để ràng buộc người được trợ giúp pháp lý.
Dự thảo Luật quy định những đối tượng được trợ giúp gồm:
1. Người có công với cách mạng.
2. Người thuộc hộ nghèo.
3. Trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng.
4. Người dân tộc thiểu số thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.
7. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:
a) Người cao tuổi;
b) Người khuyết tật;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ;
d) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật phòng, chống mua bán người;
đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị hại trong vụ án hình sự;
e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;
g) Người nhiễm chất độc da cam/dioxin;
h) Người nhiễm HIV/AIDS.
8. Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 7 Điều này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.