Thu phí thắng cảnh ở Yên Tử liệu có quá cao?
Vé thu phí tham quan danh lam thắng cảnh khu di tích Yên Tử |
"BOT đền chùa"
Quyết định thu phí tham quan Yên Tử với mức 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em khiến nhiều du khác đến đây không khỏi thắc mắc. Nhiều ý kiến cho rằng đây là cách “thương mại hóa chốn tâm linh” của các BQL di tích, cũng có người ví von việc thu phí chẳng khác nào “BOT đền chùa” và phải có tiền mới vào được…cửa phật.
Lý giải cho việc thu phí ở Yên Tử, ông Phạm Tuấn Đạt - Phó Chủ tịch UBND TP. Uông Bí cho hay, TP đã tổ chức lấy ý kiến của nhiều cấp, ngành, Giáo hội Phật giáo tỉnh và tỉ lệ thống nhất thu phí đạt hơn 90%.
Ngày 13/12/2017, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua nghị quyết về quy định thu phí, lệ phí, trong đó có việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, TP Uông Bí. Theo Nghị quyết này, từ ngày 1/1, tỉnh sẽ thu phí tham quan danh thắng Yên Tử với 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em; việc miễn, giảm phí được áp dụng cho một số trường hợp theo chính sách của nhà nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Infonet về vấn đề này, PGS. TS Đặng Văn Bài (Phó Chủ tịch Hội di sản văn hoá Việt Nam) cho rằng, việc thu phí thắng cảnh vào chùa Yên Tử giống như thu vé thắng cảnh ở Chùa Hương, Văn Miếu Quốc Tử Giám hay những di tích khác vì cần có nguồn kinh phí để duy tuy bảo dưỡng và bảo vệ môi trường của di tích. Điều này được quy định trong Luật di sản văn hóa. Theo đó tại Điều 58 Quy định rõ: Nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa bao gồm: Ngân sách nhà nước; Các khoản thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa; Tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
PGS. TS Bài cũng cho biết thêm, Yên Tử đã từng thu nhưng 10 năm trước “tự nhiên” dừng việc thu phí. “Tôi cũng không hiểu vì sao Quảng Ninh bỏ thu rồi lại quay lại thu. Còn việc thu là đúng quy định để Ban quản lý khu di tích chăm lo bảo vệ môi trường, duy tu, bảo dưỡng. Danh thắng đông người đến như thế mà cứ trông chờ vào kinh phí nhà nước là vô lý, phải có nguồn thu từ đây, giống như bảo tàng di tích chiến tranh bây giờ họ cũng tự quản được rồi, họ không dùng tiền Nhà nước nữa. Tương tự như ở đại nội Huế, BQL thu vé thăm quan di tích nhưng mấy trăm cán bộ ở đó tự quản được hết.
Ở Yên Tử cũng vậy, tôi không hiểu ở đó có bao nhiêu cán bộ người, bao nhiêu người bảo vệ rừng. Một năm Nhà nước phải chi ra bao nhiêu để duy trì bộ máy đấy? Song nguồn thu này dùng để chi một phần kinh phí nhằm đảm bảo đời sống cho họ, một phần phí khác dành cho nghiên cứu khoa học, cho tôn tạo di tích. Cụ thể như thế nào thì phải tính toán kỹ. Việc thu là đúng chỉ có điều thu như thế nào cho hợp lý thì hơn”- PGS Đặng Văn Bài nói.
Mức giá 40.000 đồng/người là cao
Ông Bài cũng cho rằng bản thân không nắm rõ về tài chính nhưng theo đánh giá chủ quan của ông thì mức thu mà BQL Chùa Yên Tử đưa ra 40.000 đồng với người lớn và 20.000 đồng với trẻ em là “hơi cao”.
PGS. TS Đặng Văn Bài |
“Vấn đề bây giờ thu để có nguồn thu nhằm duy tu bảo dưỡng để bảo vệ môi trường tôn tạo di tích nhưng đưa ra mức thu như thế nào, cách thu ra làm sao để hợp với số đông người đến thì hơn. Bởi những người đến có nhiều mức thu nhập khác nhau, có đối tượng tài chính tốt nhưng cũng có những người không có khả năng tài chính… nếu anh thu cao quá thì vượt ngưỡng của nhiều người dân. Theo tôi đặt mức thu thấp hơn thì phù hợp hơn”- ông Bài nhấn mạnh.
Khẳng định việc người dân thắc mắc về mức thu phí tại Yên Tử là đúng, PGS Bài lý giải: Việc thu là đúng nhưng tự nhiên bỏ không thu rồi tự nhiên thu lại và đặt ra mức giá tăng vọt lên thế người dân thắc mắc là điều dễ hiểu.
Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam cho hay, 10 năm trước khi được hỏi ý kiến có nên bỏ thu phí tại đây không thì chính bản thân ông đã không ủng hộ vì cho rằng như thế không hợp lý. Nhưng Quảng Ninh vẫn quyết định dừng thu và nay thì tự nhiên thu lại. “Cái gì đột ngột cũng gây phản cảm xã hội, gây ra nhiều ý kiến không được đồng thuận”- PGS Bài nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi vậy thu phí bao nhiêu thì hợp lý, ông Bài nhấn mạnh, việc này cần phải được tính toán cẩn thận nhằm giảm bớt gánh nặng cho nhà nước nhưng cũng phù hợp với mức thu nhập của nhiều người dân…
“Phải tính toán cụ thể thông báo công khai để người dân biết. Số tiền này thu vào đâu, làm gì… thì tôi tin người dân sẽ chấp nhận thôi. Tôi không hiểu BQL di tích, Thành phố Uông Bí ra quyết định mức thu như thế được tỉnh ủng hộ, vậy họ có bàn bạc việc xử lý nguồn thu ấy vào đâu không?
Theo Luật di sản văn hóa, nguồn thu phí này không dùng để nộp vào ngân sách địa phương. Nguồn thu từ di tích được dùng để duy tu, tôn tạo bảo vệ di tích nhằm giữ gìn và phát huy chứ không phải giúp tăng thu ngân sách”- PGS Bài nói.
Để giải nỗi bức xúc của người dân, PGS Bài cho rằng BQL khu di tích Yên Tử nên chăng ban đầu đặt ra mức thu phí thấp, năm năm sau tôn tạo, đưa nhiều dịch vụ tốt rồi tăng mức thu phí có phải hơn không?.