Thu phí bảo trì đường bộ xe máy: Vì sao chưa thông?
Kết quả thu phí bảo trì đường bộ đối với mô tô xe máy sau 1 năm vẫn hạn chế. (ảnh minh họa) |
Người đi thu phí cũng không "mặn mà"
Phí bảo trì đường bộ được thực hiện từ 1/1/2013 nhưng đến nay các địa phương vẫn còn nhiều lúng túng trong việc triển khai nên kết quả đạt được rất thấp, đặc biệt đối với phương tiện mô tô và xe máy. Ngoài lý do được xác định là có sự chây ỳ của người dân, cũng còn nguyên nhân khác là cách triển khai không khoa học, thậm chí người đi thu cũng chẳng mặn mà.
Việc thu phí bảo trì đối với mô tô, xe máy thường được giao cho cán bộ thuế ở địa phương thực hiện. Cũng vì lý do này nên người dân thường đưa ra lý do để né đóng phí, vì đối tượng thu tiền là một người lạ. “Có một người đến gia đình tôi bảo thu phí bảo trì đường bộ xe máy, nhưng thấy người này lạ, chẳng biết thu thật hay lừa bịp nên chúng tôi bảo nhà không có xe máy. Thế là người phụ nữ này đi luôn, từ đó đến nay không quay trở lại nữa” – chị Hoa ở quận Long Biên, Hà Nội cho biết.
Trao đổi về việc này, nhiều hộ gia đình ở quận Hà Đông cũng cho biết, mặc dù biết chủ trương này đã áp dụng từ đầu năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa thấy một ai đến thu phí mà không hiểu vì lý do gì.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong khi các đơn vị quận, huyện xa trung tâm gặp nhiều khó khăn thì tại các quận huyện trung tâm lại thực hiện khá tốt việc thu phí đường bộ.
“Ở chỗ chúng tôi, tổ trưởng tổ dân phố sẽ đi thu lần đầu, nếu còn trường hợp chưa đóng thì công an khu vực sẽ đi thu lần 2. Nhưng nhìn chung các hộ gia đình chấp hành nghiêm túc nên việc thu phí đường bộ cũng được thực hiện nhanh gọn” – bà Nhung, một tổ trưởng tổ dân phố ở quận Hai Bà Trưng nói.
Hà Nội dự kiến có khoảng 4,5 triệu xe máy, tuy nhiên trong năm 2013 cũng chỉ thu được 55 tỷ đồng phí bảo trì đường bộ, đạt tỷ lệ rất thấp với khoảng 21% so với kế hoạch đề ra. Thậm chí còn có huyện như Thường Tín, Phúc Thọ, Chương Mỹ không nộp ngân sách một đồng nào từ việc thu phí này, 2 tháng đầu năm 2014, số tiền thu được cũng chỉ vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng, chỉ bằng 0,6% số dự kiến thu trong năm.
Trước kết quả này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã phải yêu cầu các quận, huyện nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong tổ chức chỉ đạo, đôn đốc công tác thu, nộp phí sử dụng đường bộ tại địa phương.
Chỉ tiêu quá cao?
Để nâng cao hiệu quả từ chủ trương này, UBND TP Hà Nội đã giao chỉ tiêu cụ thể tới từng đơn vị quận, huyện với tổng số tiền phải thu được trong năm nay là 300 tỷ đồng. Tuy nhiên địa phương cũng cảm thấy khó khăn với chỉ tiêu được giao.
Sau “thành tích bê bết” không đóng góp cho quỹ một đồng nào, hiện nay, huyện Thường Tín đã bắt đầu vào guồng, nhưng cũng mới chỉ thu được khoảng 800 triệu đồng quỹ bảo trì đối với mô tô, xe máy, trong khi chỉ tiêu mà huyện thường tín được giao là 9 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Huy Đức cho biết, khi thành phố giao chỉ tiêu cụ thể, địa phương đã tiến hành triển khai, liên tục đôn đốc hàng tuần và gửi hóa đơn đến từng đơn vị.
“Chúng tôi đang phải rà soát, thống kê toàn bộ số lượng phương tiện trên địa bàn để không bị bỏ sót. Vì nếu xe này đóng, mà xe kia lại không đóng thì người dân sẽ có kiến nghị ngay. Trên cơ sở đó chúng tôi sẽ phân bổ chỉ tiêu tài chính cụ thể đến từng đơn vị” - ông Đức nói.
Ông Đức cũng cho rằng, mức chỉ tiêu 9 tỷ đồng mà TP giao cho huyện Thường Tín là quá cao so với số lượng phương tiện hiện có trên địa bàn. Còn chỉ tiêu này cao thấp cụ thể thế nào thì địa phương phải thống kê lại toàn bộ số lượng mô tô, xe máy trên địa bàn mới biết được.
Mặc dù kết quả năm 2013 là con số không, song khi hỏi về những bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện chủ trương này, lãnh đạo huyện Thường Tín khẳng định “không có vấn đề gì”,và kế hoạch tới đây sẽ là “thông báo công khai và quán triệt đến từng địa phương”. Chỉ tiêu cụ thể sẽ được giao trực tiếp cho từng chủ tịch xã và người đi thực hiện sẽ là cán bộ thuế ở mỗi địa phương.
Lý giải về việc năm 2013 không nộp vào ngân sách đồng nào từ việc thu phí đối với mô tô, xe máy, ông Đức cho biết, đây là thiếu sót của ngành thuế và đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm cụ thể.
Năm 2013 huyện phải tập trung đôn đốc các đơn vị trên địa bàn thực hiện nghĩa vụ thuế và đã vượt chỉ tiêu thành phố giao. Song huyện lại để xảy ra thiếu sót trong việc thu phí bảo trì đường bộ. Ngoài ra cũng còn một nguyên nhân khác là năm 2013 huyện chưa có tài khoản nên việc nộp tiền vào quỹ gặp khó khăn” – ông Đức nói.