Thu phí bảo trì đường bộ với xe máy: Dừng lại hay tiếp tục?
Nhiều ý kiến đề nghị nên dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với mô tô, xe máy |
Dừng thu là hợp tình, hợp lý?
Trao đổi với PV Báo điện tử Infonet, chuyên gia giao thông – TS. Nguyễn Văn Thụ ủng hộ phương án không thu phí bảo trì đường bộ đối với mô tô, xe máy và chỉ nên thu phí đối với phương tiện ô tô.
“Ngay từ đầu tôi đã nêu quan điểm không nên thu phí bảo trì đường bộ xe máy. Vì sao? Vì có thu cũng chẳng được bao nhiêu” – TS. Thụ nói.
Ông Thụ cho rằng, ở góc độ nào đó thì có thể xem việc thu phí đối với mô tô, xe máy là thất bại. Trên thực tế nhiều tỉnh thành đã không thu phí xe máy và nếu có thu cũng được rất ít.
Một bất cập khác ông Thụ chỉ ra là việc thu phí theo đầu phương tiện không đảm bảo công bằng, vì xe đi ít hay nhiều cũng đều phải đóng phí như nhau. Điều này dễ trở thành cái cớ để người dân chây ì không đóng phí đường bộ.
Cùng ủng hộ phương án không thu phí bảo trì đường bộ với xe máy, TS. Nguyễn Xuân Thủy lý giải, trước đây áp dụng thu phí qua các trạm đối với xe máy nhưng sau đó dừng lại. Cần phải xem có nên dừng hay không vì xe máy tải trọng thấp, không những phá đường ít mà có khi còn giữ đường. Mặt khác, người đi xe máy thường khó khăn về kinh tế chứ không dư giả như người đi ô tô, và có đến 50 – 60% trong số này đều là lao động vất vả. Cũng vì lý do hiện nay chưa có đủ các loại phương tiện công cộng nên người ta mới đành phải đi xe máy.
Trong bối cảnh đó, việc đề xuất và áp dụng phạt người chưa đóng phí bảo trì đường bộ nếu áp dụng đối với ô tô thì còn được, còn đối với xe máy thì hơi vội vàng và rất không nên.
Ngoài ra, cơ quan hoạch định chính sách cũng cần lưu ý đến việc “phí chồng phí” vì thực tế hiện nay một phương tiện đang phải “gánh” quá nhiều khoản phí.
“Người dân đang phải đóng quá nhiều loại thuế rồi. Dừng thu phí đối với mô tô, xe máy cũng là hợp tình hợp lý” – TS. Thủy nói.
Riêng đối với ô tô, loại phương tiện gây phá đường nhiều nhất phải đóng phí là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, TS. Thủy đề nghị có thể xem xét giảm bớt mức thu, có thể giảm xuống khoảng 60% như mức hiện nay. Bởi nếu thu mỗi đầu phương tiện quá nhiều sẽ lại dẫn đến khó khăn, đồng thời có thể là tác nhân gây tăng giá cước vận tải và giá cả các mặt hàng khác cũng theo đó mà tăng lên.
Có quy định mà không nộp là sai
Trước kết quả rất thấp từ việc thu phí đối với mô tô, xe máy, mới đây UBND TP Hà Nội đã đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT được áp dụng các chế tài xử phạt đối với những trường hợp cố tình chây ì, không đóng quỹ bảo trì đối với mô tô, xe máy.
Đồng tình với phương án này, TS. Nguyễn Văn Thụ cho rằng, khi chủ trương đã đề ra thì anh buộc phải chấp hành. Nếu chây ì thì phải đưa ra những chế tài cụ thể để xử lý là hoàn toàn phù hợp.
Theo ông Thụ, khi Nhà nước và Bộ, ngành đã có chế tài thì người dân phải thực hiện nghĩa vụ nộp phí, nếu cố tình không nộp là sai. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng cần phải xem “bên hứa” có thực hiện đúng lời hứa không. Chẳng hạn, Bộ GTVT đã đưa ra chủ trương sau khi thu phí sẽ xóa bỏ các trạm thu phí BOT, nhưng trên thực tế thì vẫn còn. Ở Hà Nội vẫn tồn tại trạm thu phí Thăng Long, hay một số tuyến vẫn còn tình trạng thu phí tại các trạm BOT.
Cũng chính bởi sự mập mờ và có phần bất công đã trở thành cái cớ để người dân chây ì. Kể cả đưa ra chế tài có khi họ cũng không nộp phạt vì cho rằng cả tháng mới đi xe có 1 lần nhưng vẫn phải nộp phí bằng xe ngày nào cũng đi.
Có muôn vàn lý do khiến người dân tìm cách “né” phí. Vậy có nên tiếp tục phu phí bảo trì đường bộ với mô tô, xe máy nữa hay không? Quan điểm của cơ quan hoạch định chính sách ra sao?... Infonet sẽ tiếp tục cung cấp thông tin vụ việc tới bạn đọc.