Thông tư "trói" phi công: "Không được có sự phân biệt đối xử"
Trao đổi với phóng viên về nội dung quy định trong Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT (Thông tư 41/2015), sửa đổi bổ sung một số điều trong phần 12 và 14 của Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng trong lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay, và Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT (Thông tư 21/2017) thay thế cho Thông tư 41/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết:
“Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Bên cạnh đó, các quyền liên quan đến lao động việc làm của công dân còn được quy định tại Điều 35 của Hiến pháp và quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012”.
Cũng theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, quy định nêu trên là những tiêu chuẩn pháp lý bắt buộc, không phải là quy phạm tùy nghi. Do đó, phải tuân thủ nghiêm chỉnh, không được làm trái, vì làm trái là vi phạm pháp luật.
Trả lời câu hỏi của PV về việc, Bộ GTVT ban hành văn bản như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những nhân viên hàng không “trình độ cao”? đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Việc một Bộ, tức là cơ quan của Chính phủ – cơ quan hành pháp, quy định như vậy là chưa phù hợp. Không thể lấy lý do về nhân viên có trình độ cao để xử lý các vấn đề pháp lý như vậy, vì về khía cạnh quyền con người, quyền công dân không được có sự phân biệt đối xử… Trường hợp chúng ta tham gia các công ước, hiệp định quốc tế (gọi chung là điều ước quốc tế), phải tuân thủ các quy định của Luật điều ước quốc tế năm 2005”.
Cũng theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, trường hợp này Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật sẽ tiến hành kiểm tra. Về khía cạnh giám sát, các cơ quan của Quốc hội, Đại biểu quốc hội có quyền giám sát và nêu kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét.
Đưa ra quan điểm về vai trò thực hiện quyền giám sát và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan chức năng, đối với việc ban hành hai văn bản nêu trên của Bộ GTVT, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phân tích:
“Giám sát là một nội dung quan trọng của kiểm soát quyền lực nhà nước, đã được xác định trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đại biểu quốc hội…thì các cơ quan dân cử, Mặt trận và các tổ chức thành viên, Nhân dân, cử tri, báo chí… đều có trách nhiệm giám sát công việc của nhà nước, nhất là hoạt động hành pháp, tư pháp.
Tuy nhiên, mỗi chủ thể có chức năng, nhiệm vụ, vai trò khác nhau, có cơ quan thì quyền lực giám sát là tối cao (Quốc hội) nhưng có hình thức chỉ là giám sát xã hội (báo chí). Giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một loại giám sát, nhưng rất quan trọng, đầu ra của văn bản là đầu vào của hành pháp, tư pháp. Do đó, cần phải thực hiện giám sát chặt chẽ, tránh để hậu quả vi phạm pháp luật xảy ra ở ngay khâu đầu này”.
Dư luận đang chờ đợi sự vào cuộc của cơ quan chức năng, để những quy định trong văn bản nêu trên của Bộ GTVT sớm được sửa đổi lại cho phù hợp với Hiến pháp, Luật Lao động, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Điều ước quốc tế. Giúp nhân viên hàng không trình độ cao, không bị quy định phân biệt, để họ được công bằng như những người lao động khác.