Thông tin - Truyền thông phát triển mạnh mẽ
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2013 của Bộ TT&TT. |
Sáng 24/12, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ 2013. Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2012 của Bộ TT&TT, trong năm 2012, Bộ TT&TT đã tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi phát triển ngành TT&TT. Bộ đã trình để Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và thông qua 11 văn bản, trong đó có 1 Luật, 1 Nghị định của Chính phủ, 7 Quyết định và 2 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng, hoàn thiện và trình 11 đề án lên Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, đáng chú ý như Luật Xuất bản sửa đổi ra đời sẽ tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của đất nước, góp phần nâng cao dân trí và đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng đa dạng của nhân dân. Hay Nghị định số 77/2012/NĐ-CP ban hành ngày 5/10/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 về chống thư rác sẽ đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tế quản lý, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong phối hợp ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, góp phần phòng chống, ngăn chặn tình trạng thư rác gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Những văn bản quan trọng khác như Chỉ thị số 15/CT-TTg về tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước ban hành ngày 22/5/2012 sẽ góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT trong công tác quản lý điều hành trên môi trường mạng, trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hành tiết kiệm, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính. Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg ngày 8/3/2012 quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện sẽ cho phép lựa chọn những doanh nghiệp có khả năng khai thác, sử dụng một cách tối ưu nhất phổ tần số vô tuyến điện, mang lại lợi ích tối đa cho người tiêu dùng và toàn xã hội...
Bộ TT&TT đã tổ chức nhiều hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật và giao ban quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, Internet, CNTT, báo chí, xuất bản... với các Sở TT&TT; chỉ đạo sát sao việc tổ chức cấp phép cung cấp dịch vụ, thiết lập hạ tầng viễn thông, đầu tư và tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng di động 2G, 3G...
Ở lĩnh vực bưu chính, Bộ đã chỉ đạo xây dựng Quy hoạch đề tài tem kỷ niệm phát hành giai đoạn 2015-2020; phát hành 16 bộ tem bưu chính. Tổ chức trao giải Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 41 và phát động Cuộc thi viết thư lần thứ 42 với chủ đề “Hãy viết một bức thư để nói tại sao nước là quý”. Tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về Điểm Bưu điện - Văn hóa xã. Việc tham dự Đại hội Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) lần thứ 25 và ứng cử thành công vào Hội đồng Điều hành nhiệm kỳ 2011-2016 cho thấy uy tín ngày càng cao của Bưu chính Việt Nam.Viễn thông - CNTT tiếp tục phát triển
Báo cáo tổng kết năm 2012 của Bộ TT&TT cho biết, tổng số thuê bao điện thoại được đăng ký và đang hoạt động trên toàn quốc hiện nay là 148,5 triệu, trong đó thuê bao di động chiếm 93,3%. Cả nước có trên 31,2 triệu người sử dụng Internet, đạt mật độ 35,5%. Theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam, Việt Nam đứng thứ 18/20 quốc gia có số người sử dụng Internet lớn nhất thế giới, đứng thứ 8 khu vực châu Á và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Tổng số thuê bao Internet băng rộng (ADSL) là 4,3 triệu thuê bao, đạt mật độ 4,8%.
Báo cáo tổng kết năm 2012 của Bộ TT&TT cho biết, tổng số thuê bao điện thoại được đăng ký và đang hoạt động trên toàn quốc hiện nay là 148,5 triệu, trong đó thuê bao di động chiếm 93,3%. |
Hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh mẽ như: Hệ thống mạng cáp quang, trạm thu phát sóng thông tin di động và vệ tinh Vinasat-2. Tính đến tháng 11/2012, tổng băng thông truyền dẫn trong nước đạt 454,5 Gb/s và tổng băng thông truyền dẫn quốc tế đạt 340,5 Gb/s. Độ phủ cáp quang đến cấp xã/phường trên cả nước đạt trên 95%. Tổng lưu lượng trao đổi qua trạm trung chuyển VNIX: 130 triệu Gbytes; tổng số tên miền “.vn” đã đăng ký: 332.279, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 172%/năm; tổng số tên miền tiếng Việt đã đăng ký: 824.417...
Công tác triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng mạng thông tin di động thế hệ thứ 3 (3G) được đẩy mạnh. Các doanh nghiệp đã triển khai trên phạm vi toàn quốc 97.013 trạm BTS và 44.100 trạm Node B 3G. Trong 3 năm qua, tổng vốn đầu tư vào mạng lưới 3G đạt 27.779 tỷ đồng. Vùng phủ sóng 3G theo dân số và theo diện tích lãnh thổ của các doanh nghiệp trung bình đạt 212%. Tổng số thuê bao 3G đạt xấp xỉ 20 triệu. Các doanh nghiệp đã thực hiện đúng cam kết và được Bộ TT&TT giải chấp tiền đặt cọc theo đúng quy định.
Công nghiệp CNTT tiếp tục phát triển với năng suất và hiệu quả cao. Về máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2012 là 6,98 tỷ USD, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2011 (2,85 tỷ USD). Về điện thoại các loại và linh kiện: Tổng trị giá xuất khẩu trong 11 tháng là 11,34 tỷ USD (tăng 5,68 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2011). Tổng doanh thu công nghiệp phần mềm và dịch vụ, nội dung số duy trì được mức tăng trưởng khá, lần lượt đều vượt mốc 1 tỉ USD.
Báo chí đã bám sát được các sự kiện lớn của đất nước
Luật Xuất bản sửa đổi ra đời sẽ tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển nhanh. |
Đồng thời làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; phát hiện và giới thiệu để nhân rộng các phong trào thi đua, tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, mở rộng giao lưu và hợp tác với các nước trên thế giới; phản ánh kịp thời những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân…
Qua đó, góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội; nâng cao nhận thức, tăng cường sự thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân; củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Bên cạnh đó, công tác thông tin đối ngoại tiếp tục được chú trọng.
Trong năm qua, tính đến 30/11/2012, toàn quốc có 812 cơ quan báo chí in với hơn 1.084 ấn phẩm. Hiện cả nước có 59 báo điện tử, 11 tạp chí điện tử và khoảng 300 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí và hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp phép. Trong năm 2012 đã cấp 145 Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến.
Mạng lưới phát thanh, truyền hình có 67 đài phát thanh, truyền hình TƯ và địa phương, trong đó có 03 đài phủ sóng toàn quốc. Hiện tại, Việt Nam có 172 kênh chương trình phát thanh và truyền hình quảng bá. Nhiều chương trình phát thanh, truyền hình được phát trực tuyến trên mạng Internet đã phục vụ tốt công tác thông tin đối ngoại.
Hệ thống truyền hình trả tiền ở nước ta tiếp tục phát triển với 75 kênh truyền hình nước ngoài phục vụ 4,4 triệu thuê bao trên toàn quốc với nhiều loại công nghệ truyền dẫn như cáp, vệ tinh, số mặt đất và đang bước đầu áp dụng công nghệ IPTV. Cả nước có 47 đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình cáp, 09 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp.
Trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, hành lang pháp lý và cơ chế chính sách tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Luật Xuất bản sửa đổi được Quốc hội khóa XIII thông qua. Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách đặc thù cho hoạt động xuất bản, in, phát hành; xây dựng chiến lược phát triển ngành in; định hướng, quy hoạch phát triển hệ thống phát hành sách.
Với sự chỉ đạo và quản lý sát sao, hoạt động xuất bản, in, phát hành được triển khai đúng định hướng. Nội dung các xuất bản phẩm đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao văn hóa đọc của toàn xã hội, nhất là thế hệ trẻ.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng toàn ngành xuất bản vẫn duy trì được chất lượng sản phẩm và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị. Toàn ngành có 64 NXB xuất bản được gần 16.500 cuốn sách, với gần 190 triệu bản, đạt 90% về số lượng cuốn, 94% về số lượng bản so với cùng kỳ năm 2011. 13.700 cơ sở phát hành và 1500 cơ sở in với nhịp độ tăng trưởng ổn định.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những thành tích đã đạt được của Bộ TT&TT trong các lĩnh vực. Đồng thời Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, Bộ cần quyết liệt hơn trong công tác quản lý báo chí. Xu hướng phản ánh đúng trên báo chí ngày càng tăng, các cơ quan báo chí đã phối hợp tích cực, góp phần giúp nhân dân hiểu thực tế đất nước và thông tin cho thế giới hiểu lập trường VN.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, năm 2013 đất nước nằm trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, song đó cũng là năm bản lề, Bộ TT&TT cần tập trung rà soát và triển khai quyết liệt các chương trình, các đề án.
Cũng tại Hội nghị, các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ TT&TT đã đón nhận Huân chương độc lập Hạng Nhất, Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, Cờ Thi đua Chính phủ, Cờ Thi đua Bộ TT&TT.