Thông tin riêng tư trên báo chí nhìn từ Dự thảo Hiến pháp mới
Những kiểu xâm phạm quyền riêng tư trên báo chí
Cộng đồng vẫn chưa quên vụ ca sĩ Hồ Ngọc Hà kiện một số báo đã xâm phạm đời tư của cô. Có lẽ, đây là vụ việc điển hình xâm phạm đời tư của ca sĩ với tư cách công dân. Vụ việc đi vào kết thúc khi nhiều thông tin được sáng tỏ. Bỏ qua những thông tin sai sự thật do một vài báo “thêm mắm thêm muối” thì ở đây nhiều thông tin cá nhân như chuyện đám cưới hụt, danh tính người thân gia đình, người yêu cũ... đã được công bố. Những thông tin này hoàn toàn là riêng tư của cá nhân Hồ Ngọc Hà, nếu không có lý do vì lợi ích công, báo chí chỉ được phép công bố khi được sự đồng ý của chính bản thân ca sĩ này.
Đối với ca sĩ, sự việc được làm sáng tỏ đến cùng, còn đối với những người dân bình thường, thông tin về đời tư nhiều khi bị xâm phạm, nhưng cũng vì “thấp cổ bé họng” hoặc không hiểu pháp luật hoặc không biết, không để ý nên chính những người bị xâm phạm quyền riêng tư vẫn cho qua. Vụ đưa tin về các đám cưới đồng tính mới đây là một ví dụ. Cách đây chưa lâu, sau khi hình ảnh đám cưới được đưa lên trang mạng xã hội, một chuyên trang giải trí của một tờ báo điện tử nổi tiếng đã không ngần ngại đăng toàn bộ hình ảnh cả thân nhân, lẫn cô dâu chú rể đồng tính, thông tin địa chỉ một cách rõ ràng. Hay ho hơn, có tờ khi đưa lại hình ảnh này lại chỉ xóa mặt “chú rể cô dâu” không xóa mặt những người thân đứng cạnh. Việc đám cưới cùng giới là chuyện “khác người” nhưng cũng hoàn toàn là đời sống riêng tư. Luật pháp cũng chỉ cấm kết hôn đồng giới chứ không cấm đám cưới...Chuyện kết hôn đồng giới tuy “dị thường” nhưng dần dần được xã hội cởi mở hơn. Nhưng trong vụ nhà báo Hoàng Hùng bị vợ tẩm xăng đốt dẫn đến tử vong. Rất nhiều báo đã đưa đầy đủ hình ảnh, danh tính của con nhà báo, đây là thông tin đời tư “nhạy cảm”, xét về luật pháp, những đứa trẻ và nhà báo Hoàng Hùng có quyền giữ bí mật đời tư. Theo một số chuyên gia luật pháp và truyền thông, xét về mặt đạo đức, việc này hoàn toàn sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập, hòa nhập cộng đồng của những đứa trẻ bất hạnh có “mẹ giết cha”.... Hậu quả này không hề nhỏ.
![]() |
Trần Thúy Liễu gây ra vụ đốt chồng nhưng chịu hậu quả tâm lý nặng nề vẫn là những đứa con của họ. Ảnh internet |
Có lẽ, một thực tế giải quyết các vụ xâm phạm đời tư trên báo chí, phần thiệt thòi luôn thuộc về... người bị xâm phạm nên đa phần chọn giải pháp im lặng. Chính vì vậy quyền riêng tư trên báo chí vẫn cứ "tha hồ" mà vi phạm. Bởi ai cũng biết, thông tin cá nhân đã bị xâm hại, càng “làm lớn” chuyện vấn đề lại lan rộng hơn, dù ngã ngũ vẫn để trong tư duy người tiếp nhận thông tin một câu hỏi nghi vấn: “không có lửa làm sao có khói?”....
Đưa quyền riêng tư vào Hiến pháp để tăng hiệu lực
Tuy quyền bí mật đời tư đã được quy định tại điều 38, Bộ Luật Dân sự 2005 nhưng những vi phạm này trên báo chí vẫn chưa hề dứt. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã nhấn sâu hơn vào quyền riêng tư. Tại khoản 1 điều 23 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã ghi rõ: “Mọi công dân có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý”
So với điều 73, Hiến pháp 1992, quyền riêng tư đã được nhấn mạnh hơn, mở rộng hơn, cụ thể hơn trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Hiến pháp cũ, quyền riêng tư chỉ nói đến quyền bất khả xâm phạm chỗ ở, điện thoại, thư tín, điện tín còn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới, quyền riêng tư bao gồm tất cả những gì đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình...
![]() |
Hiến pháp năm 1992 |
Từ những thay đổi này có thể nói vấn đề quyền riêng tư của công dân sẽ được Nhà nước đề cao hơn. Đó là ý kiến của nhiều luật sư khi nhắc đến vấn đề này. Luật sư Hoàng Cao Sang, Đoàn Luật sư Tp Hồ Chí Minh cho biết: “Tình trạng xâm phạm quyền riêng tư của công dân đang diễn ra khá nhiều trên báo chí. Tuy không được chứng kiến quy trình tác nghiệp của nhà báo nhưng nhiều thông tin chỉ cần đọc là biết chắc thông tin cá nhân đưa lên vi phạm quyền riêng tư. Nhưng là người làm việc trong lĩnh vực luật pháp tôi cũng thấy rất ít vụ việc vi phạm đó được xử lý”
Luật sư Sang cho biết thêm: “Tôi nghĩ quyền riêng tư hay quyền bí mật đời tư đã được quy định ở một số điều ở Bộ luật Dân sự 2005, lần này trong Dự thảo Hiến pháp đưa nội dung này vào, hiệu lực pháp luật sẽ mạnh mẽ hơn, được tôn trọng hơn. Có thể nhiều người dân sẽ được biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, để nó có hiệu lực pháp luật thì các luật dưới Hiến pháp phải quy định chặt chẽ hơn nữa.”
Như vậy, việc sửa đổi bổ sung điều 73 Hiến pháp hiện hành thành điều 23 Dự thảo Hiến pháp đã có nhiều bước thay đổi. Quyền khá quan trọng của công dân hay nói cách khác quyền riêng tư đã được tôn trọng hơn. Còn tôn trọng như thế nào phải tùy thuộc vào hệ thống luật pháp phía dưới và cơ quan thực thi.
Bài 2: Giới hạn nào cho quyền riêng tư?