Thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016 – 2020
Trước khi tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 – 2020, Quốc hội lắng nghe báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ, Hội trường và góp ý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày.
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến tán thành với các chỉ tiêu chủ yếu nêu trong dự thảo Nghị quyết.
Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội |
Tuy nhiên, có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung 3 chỉ tiêu: Tỷ lệ huy động NSNN trên GDP bình quân khoảng 20-21%; Tổng chi đầu tư phát triển nguồn NSNN 5 năm là 2.106 nghìn tỷ đồng, trong đó phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 là 200 nghìn tỷ đồng và bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 khoảng 4% GDP.
Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng, chỉ tiêu về tổng chi đầu tư phát triển thuộc phạm vi của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước thuộc phạm vi kế hoạch tài chính trung hạn 2016-2020. Theo chương trình kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính trung hạn sẽ được Quốc hội khóa XIV xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016).
“Do đó, không đưa 2 chỉ tiêu về tỷ lệ huy động NSNN trên GDP bình quân và tổng chi đầu tư phát triển nguồn NSNN 5 năm vào Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020”- Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu giải trình. Riêng với chỉ tiêu đề nghị bổ sung bội chi NSNN năm 2020 dưới 4% GDP sẽ được bổ sung vào dự thảo Nghị quyết.
Với tỷ lệ 94,13% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua toàn văn Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm2016 – 2020 |
Theo đó, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn trước; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế... là những mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới.
Cụ thể, Quốc hội đề ra mục tiêu 5 năm tới tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đạt 6,5 – 7%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.200 – 3.500 USD; bội chi ngân sách Nhà nước năm 2020 dưới 4% GDP….
Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh tới giải pháp đầu tiên và cũng là tiên quyết, đó là thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam.
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 nêu rõ: "Phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ kế hoạch và 3% vào năm 2020, điều hành lãi suất linh hoạt theo diễn biến lạm phát, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước".
Cùng với đó, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế. Cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển; kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu lại, sử dụng hiệu quả nợ công và bảo đảm các giới hạn nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội.
Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay, giảm dần vay bảo lãnh Chính phủ, vay để cho vay lại; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách.
Về đầu tư công, một lần nữa Nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh, chuyển phương thức quản lý đầu tư công theo kế hoạch hằng năm sang kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, nâng cao hiệu quả đầu tư. Bố trí nguồn lực tài chính nhà nước phù hợp để tham gia và thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước.
Đối với riêng lĩnh vực tái cơ cấu nền kinh tế, Quốc hội đặt mục tiêu 5 năm tới, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả, thực chất, đúng mục tiêu, có thời hạn cụ thể hoàn thành.
Trên cơ sở đó, nghiên cứu, hình thành cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp tình hình mới.
Đặc biệt, lần đầu tiên Nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân, khi đề cập một loạt chính sách để khối doanh nghiệp này phát triển.
"Tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân; hoàn thiện pháp luật, chính sách để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên. Đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp gắn với chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thúc đẩy xã hội hoá sở hữu và sản xuất kinh doanh, khuyến khích phát triển các hình thức doanh nghiệp cổ phần. Trợ giúp để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác"- Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.
Các chỉ tiêu về kinh tế:
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm 6,5 - 7%/năm.
GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 3.200 - 3.500 USD.
Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 khoảng 85%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP.
Bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 dưới 4% GDP.
Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%.
Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm.
Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm.
Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%.
Các chỉ tiêu về xã hội:
Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội năm 2020 khoảng 40%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%.
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2020 dưới 4%.
Đến năm 2020 có 9 - 10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2020 đạt trên 80% dân số.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0 - 1,5%/năm.
Các chỉ tiêu về môi trường:
Tỷ lệ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh năm 2020 là 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn.
Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý năm 2020 là 85%.
Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý năm 2020 là 95 - 100%.
Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%