Đà Nẵng đón cuộc đua thuyền buồm Clipper: Kinh doanh sự kiện phải có lãi! (P.2)
Không phải trả tiền cho vũ đoàn được biểu diễn tại sự kiện Clipper Race
Tiếp tục cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng về việc “tiền đâu, sức đâu” để tổ chức 10 ngày sự kiện đón cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race 2015 – 2016 cập cảng Đà Nẵng, PV lưu ý hiện trên địa bàn TP có khá nhiều vũ đoàn.
Thuyền buồm mang tên Đà Nẵng đang tham dự cuộc đua vòng quanh thế giới Clipper Race 2015 - 2016 |
Đối với các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại lễ đón, lễ tiễn đoàn đua thuyền buồm, chính quyền TP cần xác định với họ tinh thần chung là coi việc được biểu diễn tại các sự kiện đó là vinh dự lớn và là cơ hội để quảng bá cho họ. Được chọn biểu diễn tại các sự kiện này là một sự đảm bảo về uy tín cho các vũ đoàn và họ có thể khai thác uy tín đó để quảng bá khắp nơi.
Đơn cử, các đội quốc tế khi tham gia thi trình diễn pháo hoa tại Đà Nẵng đều thông tin họ từng trình diễn ở những sự kiện lớn nào trên thế giới. Tương tự, vũ đoàn được chọn trình diễn tại lễ đón, lễ tiễn đoàn đua thuyền buồm có thể đưa vào “lý lịch” của mình rằng họ từng trình diễn tại sự kiện Clipper Race. Uy tín đó sẽ gắn liền tên tuổi của vũ đoàn suốt cả quá trình. Vậy thì không việc gì chính quyền TP phải trả tiền cho chương trình biểu diễn của vũ đoàn được chọn, mà chính do khai thác uy tín từ sự kiện Clipper Race nên họ phải tự lo cho chương trình của mình.
Và để chọn được vũ đoàn thực sự có chất lượng theo hướng này thì chính quyền TP cũng nên tổ chức thi tuyển. Vũ đoàn được chọn sẽ mang trên mình niềm tự hào rất lớn, thế thì chính quyền TP không việc gì phải trả tiền cho niềm tự hào của các vũ đoàn mà chính họ phải tự bỏ công sức ra để thi thố và giành lấy niềm tự hào đó cho mình.
“Sau khi làm việc với Clipper, tôi có gặp các doanh nghiệp ở bên Anh. Cách đặt vấn đề của họ cũng y như vậy. Doanh nghiệp được hưởng lợi từ sự kiện thì họ phải bỏ tiền, bỏ công sức ra. Mà họ rất vui vẻ, không kêu ca gì cả, chính quyền cũng không phải đi xin ai cả. Việc của chính quyền là tổ chức tuyển chọn đơn vị thực hiện sao cho thật khách quan, công bằng, minh bạch. Và sau đó là tự doanh nghiệp sẽ lo!” – ông Đặng Việt Dũng nói.
Doanh nghiệp tự làm truyền thông, chính quyền sẽ nhẹ gánh!
Những Bà Nà Hills, Sandy Beach… đều có hệ thống truyền thông rất chuyên nghiệp khắp trong và ngoài nước mà các cơ quan nhà nước không thể sánh bằng. Kể từ khi được chọn thực hiện đến khi sự kiện chính thức diễn ra, các doanh nghiệp, vũ đoàn… sẽ ra sức tuyên truyền về việc họ sẽ tham gia sự kiện đó. Và thế là chính họ sẽ tuyên truyền cho sự kiện, mà cụ thể trước mắt là Clipper Race 2015 – 2016 sẽ đến Đà Nẵng.
“Như thế thì việc truyền thông của mình cũng đỡ tốn tiền nữa! – ông Đặng Việt Dũng nói - Tôi nghĩ làm theo cách này sẽ thành công và tôi sẽ làm như vậy. Tôi đang định họp về việc tổ chức 10 ngày sự kiện đón Clipper Race nhưng thực sự chưa tìm được lối ra. Nếu cứ lấy tiền ngân sách thì rất bí!”. Và ông nhận xét bằng hai chữ “chính xác” khi chúng tôi cho rằng với các sự kiện như Clipper Race lẽ ra phải đem tiền về cho TP chứ không phải TP phải bỏ tiền ra.
“Tư tưởng của TP khi làm sự kiện này vẫn là xã hội hóa, nhưng xã hội hóa theo kiểu đi xin tiền từng doanh nghiệp mà không biết cách khai thác!” – ông Đặng Việt Dũng nói.
PV lấy ví dụ, khi TP đến đề nghị Sandy Beach tài trợ 1 tỉ để tổ chức đón Clipper Race, có thể họ sẽ đóng góp nhưng họ sẽ nghĩ là họ mất 1 tỉ mà không được gì. Ngược lại, khi họ đón cuộc đua về tại khu du lịch của mình, họ có thể tốn 5 tỉ nhưng họ lại thấy họ được và họ rất vui vẻ.
“Đúng! Chính xác luôn. Doanh nghiệp được cái quảng bá cho họ, TP được cái đỡ tốn kém kinh phí, công sức. Đó là một ý hay. Chứ đưa tiền mặt 1 tỉ, có khi doanh nghiệp lại thấy họ mất, không biết tiền của mình được dùng làm việc gì, nên họ rất khó chịu. Đưa sự kiện đến tận nơi cho họ, họ sẽ thấy họ được, còn mình thì tiết kiệm kinh phí, tiết kiệm nhân lực, tiết kiệm cả về truyền thông nữa. Chưa kể khi TP đưa sự kiện về cho doanh nghiệp thì họ sẽ thấy mình có trách nhiệm đóng góp kinh phí cho TP để cho cho cái chung!” – ông Đăng Việt Dũng nói.
Kinh doanh sự kiện là phải có lãi
Ông Đặng Viện Dũng đồng tình với ý kiến của PV rằng, việc của TP là kéo một sự kiện rất lớn hay nói cách khác là kéo “chiếc bánh” rất lớn về trên địa bàn, sau đó tổ chức thi tuyển để chia phần cho các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp trúng tuyển sẽ bỏ tiền ra để “mua” phần bánh của mình. Và tổng kinh phí thu được phải lớn hơn khoản kinh phí mà TP đã bỏ ra để “mua” chiếc bánh về. Như thế mới là kinh doanh sự kiện, chứ đem sự kiện về để rồi chỉ thấy tốn kém tiền của, công sức thì rất vô lý!
Theo ông Dũng, nhà nước không thể năng động bằng doanh nghiệp. Chính quyền chỉ nên làm công việc chọn sự kiện, kết nối, điều phối. Ví dụ lãnh đạo TP có thể gặp các đối tác, chọn sự kiện và triển khai cho doanh nghiệp thực hiện trên tinh thần hạn chế tối đa sử dụng ngân sách. “Dứt khoát là vậy, mà chỉ có để doanh nghiệp tự làm thì mới có hiệu quả. Chính họ mới biết họ cần gì chứ chính quyền không thể biết được. Và họ sẽ nghĩ ra cách để làm có lợi cho họ mà chính quyền không việc gì phải đi nghĩ thay cho họ điều đó!” – ông Đặng Việt Dũng nói.
Đồng tình với ông về điều này, PV chia sẻ thêm, chính quyền chỉ cần làm tốt việc tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thực hiện sự kiện trên tinh thần “lời ăn, lỗ chịu”. Khi tham gia cuộc chơi, doanh nghiệp sẽ phải tự tìm cách sao cho không bị lỗ, nhưng phải trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng theo yêu cầu, chứ không phải bằng cách hạ chất lượng xuống. Nếu chất lượng không đảm bảo như cam kết thì doanh nghiệp sẽ bị chính quyền xử lý đến nơi đến chốn. Việc của chính quyền là phải đưa đưa ra được đề bài, còn các doanh nghiệp làm gì thì làm nhưng phải đảm bảo uy tín của TP.
“Chính xác! Sắp tới chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu tổ chức cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế theo phương thức này. Và lãnh đạo TP mong nhận thêm được nhiều sự hiến kế để việc tổ chức các sự kiện trên địa bàn ngày càng đạt hiệu quả cao hơn!” – ông Đặng Việt Dũng chốt lại cuộc trao đổi với PV Infonet.