Thời cuộc và lòng yêu nước: Bài 1: “Lợi ích nhóm” và “sân sau”
Nhìn lại hơn 30 năm Đảng và nhân dân ta tiến hành sự nghiệp đổi mới, thành tựu đạt được là rất lớn. Kinh tế tăng trưởng, bộ mặt đất nước thay đổi ngày càng khang trang, tươi mới, đời sống dân sinh có nhiều cải thiện. Mức sống tăng, đáp ứng nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại, khám chữa bệnh, học tập, tham quan du lịch, sinh hoạt cộng đồng... ngày càng thuận lợi. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn, còn đó những nỗi lo âu bất hạnh của người dân có khi đến từ nguyên nhân thiếu trách nhiệm hoặc tham nhũng của một số cán bộ trong các cơ quan nhà nước.
Bài 1: “Lợi ích nhóm” và “sân sau”
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn, còn đó những nỗi lo âu bất hạnh của người dân có khi đến từ nguyên nhân thiếu trách nhiệm hoặc tham nhũng của một số cán bộ trong các cơ quan nhà nước.
Biểu đồ: Tăng trưởng GDP một số nước trong khu vực Đông Nam Á. (Nguồn: Oxford Economics) |
Về lý luận xây dựng đất nước, chúng ta đều có chung nhận thức, cương lĩnh, đường lối của Đảng ta đề ra là rất đúng đắn. Sự đúng đắn này đã được thực tiễn kiểm nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ chống ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc và trong hòa bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhờ sự đúng đắn của cương lĩnh, đường lối mà sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được nhiều thắng lợi và thành tựu quan trọng. Đất nước được độc lập, nhân dân dân ta được sống trong hòa bình và được hưởng nhiều thành quả của cách mạng.
Mặc dù hiện nay, người dân được sống trong hòa bình, nhưng nhiều nơi chưa thực sự có cuộc sống thái bình.
Sự suy thoái của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước và các thành phần khác của xã hội cùng sự tha hóa quyền lực của một số cán bộ có chức, quyền khiến xã hội có diễn biến chao đảo về tư tưởng, tâm lý. An ninh và trật tự xã hội nhìn chung ổn định, chống tham nhũng có nhiều thành công lớn, vang dội nhưng tâm trạng xã hội, an ninh tư tưởng trong nội tình đất nước ở một số nơi có dấu hiệu bất ổn. Trước thực trạng tư tưởng, tâm lý xã hội có những dấu hiệu không ổn định, đặc biệt là mặt trái cơ chế kinh tế thị trường và tác động tiêu cực từ mạng xã hội đang là những vấn đề nóng bỏng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Để hóa giải những nghịch lý, khó khăn, góp thêm tiếng nói, mong muốn Đảng ta tiếp tục đổi mới trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng để vững bước trên con đường đã chọn. Người Làm Báo trân trọng giới thiệu loạt bài của Đại tá - Nhà báo Nguyễn Hòa Văn: Thời cuộc và lòng yêu nước.
Chống "lợi ích nhóm" - vấn đề then chốt trong chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TL |
Bất kỳ một chế độ xã hội nào, dù thực tế tốt đẹp đến mấy, dù là mô hình đang có hàng tỷ người trên thế giới ngợi ca, ngưỡng mộ thì thực thể xã hội đó trong quan hệ giữa người với người vẫn tồn tại những mặt đối lập: Trái - Phải, Tốt - Xấu, Tích cực - Tiêu cực, Tiến bộ - Lạc hậu, Lương thiện - Độc ác... Những mặt đối lập này thường xuyên đấu tranh, xung đột nhau giữa cuộc sống đa chiều, đa mặt, nhưng dường như nó bị chi phối các giá trị nhân văn và nằm trong vòng kiểm soát, cương tỏa của thể chế pháp luật tiên tiến nên ở đó kỷ cương không bị rối loạn, sự bảo đảm về quyền con người được thực thi triệt để... do đó những gì gọi là cổ hủ, lỗi thời, tội lỗi được khống chế, thu hẹp.
Đối với nước ta, sự tồn tại và đấu tranh giữa các mặt đối lập trong đời sống xã hội đang diễn ra khác với nhiều nước trên thế giới, thậm chí có người còn cho rằng,sự vận động đi lên trong quá trình toàn cầu hóa của nước ta không giống ai.
Đặc biệt, sự phát tác không thể ngăn nổi của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường đã làm suy thoái các thành phần xã hội, trong đó, sự suy thoái nghiêm trọng của một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân... là nguyên nhân trực tiếp gây ra bao oan trái, bất công, khổ đau trong cộng đồng dân cư và dường như mặt trái của xã hội, trong đó có những vấn nạn nhức nhối mà chúng ta chưa thể ngăn chặn, đẩy lùi.
Trước khi bàn về nguyên nhân gốc rễ để tìm ra giải pháp phù hợp, cần nhận diện rõ một số vấn đề, sự kiện nổi cộm đang gây bất ổn trong xã hội, cũng như đang tàn phá các giá trị truyền thống và tinh thần nhân văn của dân tộc ta qua hàng nghìn năm văn hiến.
Lợi ích nhóm từ đất đai
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Lẽ ra đất đai thực chất phải là nguồn lực, tài sản quốc gia để chi phối, điều tiết nhằm tăng trưởng kinh tế, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội, cũng như thực hiện các chiến lược, nhiệm vụ về Quốc phòng - An ninh. Nhưng trong quá trình thực hiện cương lĩnh, đường lối của Đảng, hơn 30 năm qua, đất đai ngày càng trở thành vấn đề nóng bỏng. Giá trị của đất đai, giá trị sinh lợi của đất đai nhằm mục đích chung dường như vượt tầm kiểm soát, khống chế của nhà nước. Nhiều trường hợp cụ thể quyền năng sử dụng đất đai cao hơn quyền sở hữu. Bên sử dụng thì có quyền bán, chuyển nhượng, thu tiền, còn bên sở hữu thì chỉ thu được tiền thuế.
Bài học giải quyết khiếu kiện đất đai ở Thủ Thiêm. Ảnh: TL |
Có những nơi một quyết định hành chính đã biến 1m2 đất nông nghiệp, đất công, từ khoảng mấy chục ngàn đồng lên khoảng mấy chục triệu, có khi lên cả trên một trăm triệu. Số tiền chênh lệch này một phần không nhỏ phục vụ ăn chia theo phương án tài chính ngầm như nói ở trên. Lợi ích nhóm từ đất đai quá lớn, đã gây ra tranh chấp, khiếu kiện ở khắp mọi vùng miền đất nước, gây rối loạn, bất ổn trên nhiều địa phương. Đã có không ít vụ việc tạo ra cơn địa chấn, khủng hoảng truyền thông từ sự xung đột, đấu tranh, tranh giành quyền sử dụng, giá trị sinh lợi từ đất đai. Bao nỗi oan khuất, bức bối, uất ức của người dân và việc xử tù, xử lý kỷ luật nhiều cán bộ công quyền, doanh nghiệp cũng có nguyên nhân một phần do công tác quản lý đất đai của nhà nước.
Xin nêu một thí dụ, tháng 6/2019 Thanh tra Chính phủ đã có bản kết luận về vụ khiếu kiện đất ở Thủ Thiêm. Có thể nói, thời gian thực hiện dự án, giá đất Thủ Thiêm tăng chóng mặt, nhưng ngân sách nhà nước thất thoát vào đây một lượng không nhỏ. Tuy bản kết luận chưa phản ảnh hết những mất mát, thiệt thòi, thậm chí là khốn khó của người dân bị mất đất, nhưng đã chỉ ra những bất cập của cả hệ thống cơ quan công quyền ở địa phương. Một số chuyên gia về quản lý đất đai cho rằng, trong hoàn cảnh khung pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng còn nhiều kẽ hở, các cơ quan có thẩm quyền của TP.HCM đã làm rộng thêm các kẽ hở này để sai phạm lách qua.
Hệ lụy của công tác quản lý đất đai trong thời gian qua đã tạo ra nhóm lợi ích, phân hóa giàu nghèo làm cho nhiều doanh nghiệp lớn nhanh như “Thánh Gióng”, tăng thêm tính khốc liệt của cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. Nhiều khu đất ven biển, các nơi có vị trí chiến lược về Quốc phòng - An ninh, những địa danh nổi tiếng về du lịch... nhiều tấm sổ đỏ, sổ hồng, hồ sơ làm sổ đỏ, sổ hồng dính đến quyền và hình thành quyền sử dụng đất, sở hữu nhà của người ngoại quốc.
Giàu tài nguyên, nghèo phát triển
Chúng ta ai cũng hiểu đất nước có rừng vàng, biển bạc, vị trí địa lý thuận lợi, nhưng chưa thể có được một nền kinh tế phát triển bền vững như một số nước điều kiện tự nhiên thua kém, cách xa nước ta nhiều.
Rừng vàng, biển bạc mà tỷ trọng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng năm còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Mặt khác, tiềm năng vốn có của rừng, biển cũng ngày càng bị vơi cạn, suy kiệt. Rừng ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng, gây bao hệ lụy phức tạp, khó khăn, khác thường cho sinh thái thiên nhiên và đời sống con người. Bài toán chấp nhận sự suy giảm tính tích cực của môi trường, sinh thái, để rồi có được sự tăng trưởng kinh tế, có được đồng vốn để phục vụ đời sống dân sinh, mất cái này, được cái kia là điều còn có thể. Nhưng trên thực tế điều không thể lại cứ diễn ra. Không thể tin nổi ngành khai thác than, khoảng sản thua lỗ nặng. Làm nghề bán tài nguyên mà còn thua lỗ thì ngành sản xuất khác làm sao có lời ?
Liên quan đến "nhóm lợi ích" Vũ nhôm, hàng loạt cán bộ đã bị xử lý. Ảnh: TL |
Về các dự án khai thác titan ở Bình Thuận, nơi được quy hoạch là “trung tâm khai thác, chế biến titan” lớn nhất nước. Đáng lẽ với lượng quặng titan lên đến 550 triệu tấn, Bình Thuận sẽ hưởng lợi đáng kể từ nguồn tài nguyên khổng lồ này. Thế nhưng trên thực tế, dù các mỏ titan được khai thác ồ ạt nhưng tiền thuế tỉnh Bình Thuận thu được từ các doanh nghiệp khai thác chỉ chiếm 0,5%-1% tổng thu ngân sách của tỉnh (số liệu tháng 9/2017). Nếu lấy số tiền ít ỏi có được từ các dự án khai thác titan để so sánh với cảnh tượng môi trường bị tàn phá tan hoang ở Bình Thuận thì có lẽ lợi ích thu được chẳng thấm tháp gì so với những thứ quý giá đã mất đi. Và nếu doanh nghiệp khai thác titan không thu được nhiều lợi nhuận (theo tỉ lệ tiền thuế nộp vào ngân sách địa phương) thì tại sao họ lại quyết định đầu tư và “đeo bám” đến cùng?). Nguồn: Báo Pháp luật TP.HCM.
Dầu khí là một ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực, chúng ta tin tưởng sản lượng khai thác dầu sẽ giải quyết được nhiều khó khăn, nhất là vốn đầu tư cho các chương trình, mục tiêu quan trọng, nó như là đột phá chiến lược của bước đi ban đầu khi nước ta bước vào sự nghiệp đổi mới. Hơn 30 năm qua, sự đóng góp của ngành Dầu khí cho nền kinh tế quốc gia là rất đáng kể, tuy nhiên nó cũng chẳng thấm vào đâu, như kiểu “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”.
Tháng 6/1986, tấn dầu thô thương mại đầu tiên được khai thác, cho đến nay hàng trăm triệu tấn dầu đã được xuất khẩu. Trung bình hàng năm trên 10 triệu tấn dầu thô từ nước ta được chuyển đến thị trường các nước, nhà nước thu về một lượng ngoại tệ không nhỏ. Vậy mà nợ công ngày càng lớn lên, ngân sách nhà nước bảo đảm vốn cho các công trình quốc gia trọng điểm và hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội chưa tương xứng với giá trị tài nguyên đất nước.
Lẽ ra đất nước giàu tài nguyên thì thuận lợi cho việc bổ sung nguồn vốn cho các nhiệm vụ trọng điểm. Thế nhưng hiện nay, nhiều công trình giao thông trọng điểm, các dự án bảo đảm an sinh xã hội cho các vùng đặc biệt khó khăn, đói vốn, khát vốn, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư công, hợp tác công tư. Trong khi đó lại có những công trình đội vốn rất lớn, thậm chí đội vốn nhiều lần. Không thể không choáng với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội gấp hơn 2 lần, dự án khu Gang thép Thái Nguyên hơn 8.000 tỉ đồng nhiều năm vẫn đắp chiếu.
Trong bài "Sân sau" đăng trên báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 11/9/2017 có đoạn: "Hiện nay, một bộ phận cán bộ có chức, có quyền, có nhiều "mối quan hệ" ngày càng có nhiều hình thức tác động, gây ảnh hưởng với địa phương, đơn vị có những dự án kinh tế, gói thầu để người nhà, người thân hoặc doanh nghiệp “sân sau” của mình tiếp cận, "chi phối hiệu quả". Đây là một hình thức móc ngoặc giữa quan chức và doanh nghiệp để hợp thức hóa việc tham nhũng, bòn rút của công… Những nguồn lợi bất chính đã thôi thúc không ít cán bộ tha hóa biến chất tìm kiếm, tạo dựng cho mình những “sân sau” để chuộc lợi.
Liên quan đến "nhóm lợi ích" Vũ nhôm, hàng loạt cán bộ đã bị xử lý. Ảnh: TL |
Có một thực tiễn không thể phủ nhận là trong xã hội đang tồn tại những quy ước, những ngầm định chỉ dành cho “nhóm lợi ích”, những người trong cuộc mới hiểu, nó được ngầm hiểu là luật bất thành văn hay “luật ngầm”, nhiều "sân sau” của quan chức được sinh ra từ đây. Cơ chế xin - cho từ lâu đã là mảnh đất màu mỡ cho một bộ phận không nhỏ quan chức tha hóa biến chất thao túng. Và, doanh nghiệp muốn có được những dự án kinh tế, gói thầu lớn, nhỏ đều phải “chạy”. Đó là cái vòng luẩn quẩn giữa bên “có và cần”, tạo ra luật chơi đẩy họ đến chỗ cần nhau. Và tất yếu “sân sau” hình thành, tác động chi phối các quan hệ kinh tế - lợi ích... Câu chuyện chạy dự án, chạy nguồn, chạy vốn, chạy quan hệ không còn xa lạ với các doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp xem việc có được mối quan hệ và trở thành “sân sau” của các quan chức có khi còn quan trọng hơn cả việc phát triển sản phẩm và dịch vụ của mình. Tìm kiếm, kéo người nhà, người thân của quan chức vào cuộc chơi của các doanh nghiệp được xem như là một xu thế kinh doanh thời thượng, một kiểu cạnh tranh mới, cạnh tranh mối quan hệ của doanh nghiệp với quan chức, cho dù chỉ là hơi hướng".
Thực trạng trên cũng là nguyên nhân tạo nhóm lợi ích, phân hóa giàu nghèo. Nhiều doanh nghiệp và quan chức được hưởng lợi từ công tác quản lý ngân sách nhà nước. Cái bánh ngân sách được cắt xén, gặm nhấm, bòn rút không chỉ vì yêu cầu nhiệm vụ mà còn vì lợi ích riêng, lợi ích cục bộ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lợi ích của những người có quyền chi phối ngầm việc phân chia ngân sách.
Sự bất cập trong quản lý ngân sách thể hiện rất rõ trong các khâu xin, cấp, chi tiêu, thanh quyết toán. Luật, nghị định, quy định, quy chế có đủ cả, nhưng trên thực tế khi giải ngân và thanh quyết toán, việc hợp thức hóa chứng từ đã trở thành “nghề” của phần lớn cán bộ nhân viên trực tiếp quản lý, sử dụng ngân sách. Ước tính việc hợp thức hóa chứng từ thường làm thất thoát thấp cũng tới 10%. Có thể nói, nếu quản lý ngân sách không bị thất thoát thì vốn liếng, ngân khố quốc gia không đến nỗi phải quá chật vật và khó khăn như hiện nay.
Bất cập trong quy hoạch
Quy hoạch tốt - tạo động lực phát triển bền vững. Ảnh: TL |
Quy hoạch tốt thì bộ mặt đẹp giàu của Tổ quốc sẽ luôn là hình ảnh nhân lên niềm tự hào và tình yêu non sông, gấm vóc của con người Việt Nam. Quy hoạch tốt thể hiện trình độ, sự ứng xử hợp quy luật, tạo được cuộc sống hài hòa, thân thiện giữa con người với thiên nhiên, với đồng loại, đồng thời là một yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Quy hoạch tốt sẽ tạo ra nhiều thuận lợi nhằm đáp ứng các nhu cầu sử dụng dịch vụ công của cộng đồng xã hội như tham gia giao thông, ăn, ở, lao động, học tập, chữa bệnh, vui chơi, giải trí, du lịch tham quan, bảo vệ môi trường cuộc sống...
Nhưng đối chiếu với những yêu cầu đó, công tác quy hoạch ở nước ta có nhiều bất cập. Quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết có nhiều nơi không thống nhất, thậm chí có sự khác biệt. Đôi khi ý chí chủ quan của người lãnh đạo có quyền lực lại áp đặt vào các phương án quy hoạch. Có những trường hợp, người không có kiến thức quy hoạch lại quyết định phê duyệt quy hoạch, phê duyệt thay đổi quy hoạch. Và cũng có trường hợp cả bộ máy làm quy hoạch bị chi phối bởi các nhà đầu tư, các đại gia có nhiều tiền.
Vấn đề quy hoạch đô thị ở nước ta luôn là vấn đề nóng. Nóng trong lòng dân và nóng trên cả các nghị trường Trung ương và địa phương. Điệp khúc thay đổi quy hoạch về không gian, về chức năng của các công trình, dự án, cùng với vấn nạn xây dựng không phép, trái phép tràn lan đã gây ra bao hệ lụy xấu cho cuộc sống con người ở các đô thị lớn. Sai phạm trong quản lý trật tự xây dựng, quản lý quy hoạch, xây dựng không phép, sai phép còn diễn ra ở nhiều nơi. Việc người dân, doanh nghiệp “làm luật“ để xây dựng công trình không phép, trái phép đã là hiện tượng phổ biến. Vì thế mà ở đây nhiều nơi cây xanh bị bức tử, mặt hồ bị thu hẹp, không gian bệnh viện, trường học, nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi... không đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí cụ thể xây dựng đô thị giàu đẹp, văn minh.
"Rừng bê tông" - Cơn ác mộng trong quy hoạch đô thị. Ảnh minh họa |
Phát triển hạ tầng giao thông
Đây là lĩnh vực rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, bảo đảm Quốc phòng - An ninh, an sinh xã hội của đất nước. Trong sự nghiệp đổi mới, chúng ta đã xây dựng được nhiều công trình giao thông quan trọng. Có những công trình là niềm tự hào của người Việt, như hầm đường bộ Đèo Cả, đèo Cù Mông... nhờ đó mà diện mạo của đất nước thay đổi, công việc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... có nhiều thuận lợi. Theo đó, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội có nhiều tiến bộ đáng kể.
Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng có nhiều bất cập, nhiều vấn đề nóng như BOT đến nay vẫn chưa hóa giải được. Người dân nhìn nhận vấn đề hợp tác công tư theo hình thức hợp đồng BOT còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí cứ nói đến BOT là tiêu cực, là lợi ích nhóm. Đánh đồng các nhà đầu tư làm ăn minh bạch với các nhà đầu tư nhập nhèm. Có những nhà đầu tư kiểm soát được tổng mức đầu tư, minh bạch trong hoạt động tài chính, họ mời kiểm toán nhà nước vào cuộc ngay từ khi lập và thẩm định dự án, vì vậy họ đã tiết giảm được một khoản “khủng“ về vốn đầu tư... Nhưng họ vẫn đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình thực thi nhiệm vụ.