Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận "đi đêm" với Mỹ trong quá trình tiêu diệt thủ lĩnh IS
Theo Tân Hoa Xã, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donal Trump (27/10) tuyên bố, thủ lĩnh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi đã chết trong vụ đột kích của Quân đội Mỹ, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin (28/10) cho biết, trước khi tiến hành cuộc đột kích tiêu diệt Baghdadi, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã tiến hành hợp tác quân sự “chặt chẽ”.
Cơ quan tình báo và Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã liên hệ và hợp tác với các đơn vị có liên quan của Mỹ, “đặc biệt là thực thi hành động đột kích tối hôm đó, chúng tôi có thể nói rằng, các cơ quan quân sự của chúng tôi đã tiến hành hoạt động ngoại giao chặt chẽ”.
Ông Kalin còn bổ sung thêm “chúng tôi không thể chấp nhận việc có tổ chức khủng bố ở Syria, hay ở gần biên giới của chúng tôi hoặc ở bất kỳ khu vực nào khác”.
![]() |
Phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin khẳng định Mỹ - Thổ đã hợp tác chặt chẽ trong việc tiêu diệt Baghdadi. Nguồn: Xinhua |
Trước đó, Tổng thống Trump cũng đã nhấn mạnh đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ, cùng Nga, Iraq, lực lượng người Kurd và Syria trong việc phối hợp với Mỹ thực hiện cuộc đột kích tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi. Nhờ có sự hợp tác của các bên, mấy tuần trước khi diễn ra cuộc đột kích Mỹ đã khóa chặt được vị trí của Abu Bakr al-Baghdadi.
Cùng ngày, chỉ huy nhóm vũ trang Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu đã thông báo về một chiến dịch phối hợp thông tin tình báo thành công với Mỹ, giữa lúc có nhiều thông tin cho rằng thủ lĩnh IS al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch của quân đội Mỹ tại Syria. Ông Mazloum Abdi, chỉ huy của SDF, nhấn mạnh: “Một chiến dịch thành công mang tính lịch sử là kết quả của sự phối hợp công tác tình báo với Mỹ”.
![]() |
Abdullah Qardash (trái) là người thay thế Baghdadi, giữ vai trò thủ lĩnh tổ chức IS. Nguồn: Xinhua |
Được biết, Baghdadi bị Mỹ và đồng minh treo giải thưởng truy nã với số tiền thưởng lên đến 25 triệu USD (581 tỉ đồng) và bị săn lùng kể từ khi IS trỗi dậy cách đây khoảng 5 năm. Theo lời một quan chức tình báo trong khu vực cho biết y tuy là người lập ra IS nhưng vai trò đã trở nên mờ nhạt vào thời điểm bị biệt kích Delta của Mỹ tiêu diệt.
“Baghdadi là nhân vật đại diện. Ông ta không còn liên quan đến các hoạt động thường ngày. Mọi việc ông ta làm chỉ là nói có hay không và không được lên kế hoạch”, vị quan chức nói.
Ngay sau khi Baghdadi bị tiêu diệt, IS đã có thủ lĩnh mới thay thế, đó là Abdullah Qardash, biệt danh là Giáo sư. Abdullah Qardash làm người tiếp quản “các vấn đề người Hồi giáo của tổ chức”, vai trò được cho là điều hành chính. Qardash được cho là cựu sĩ quan quân đội Iraq, phục vụ trong thời gian ông Saddam Hussein làm lãnh đạo.
Qardash kết thân với al-Baghdadi trong thời gian cả hai bị lực lượng Mỹ giam chung tại nhà tù ở Basra, miền nam Iraq, vì có liên quan đến al-Qaeda. Qardash là người phụ trách cao nhất các công việc liên quan đến ban hành quy định, luật lệ của tổ chức cho đến khi được cất nhắc làm thủ lĩnh tương lai. Qardash được cho là một người hà khắc và có đường hướng chiến lược bị các thành viên khác trong tổ chức phản đối.