Thiếu tướng Phan Anh Minh nói về cái khó của xử lý "tín dụng đen"
Thiếu tướng Phan Anh Minh trao đổi cùng Phó chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến bên hành lang cuộc họp. |
Giải thích về thuật ngữ “tín dụng đen”, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, điều này xuất phát từ phim Hồng Kông, còn dưới góc độ pháp luật phải gọi là “vi phạm trong hoạt động tín dụng” và “vi phạm lãi suất vượt quy định” (lớn hơn 20%/năm).
Theo ông, bây giờ dư luận mới thấy nhiều và bức xúc về vấn đề này, còn Công an thành phố đã phát hiện từ năm 2014 – khi một số đối tượng từ phía Bắc vào thuê nhà và hoạt động tín dụng trái phép tại TP.
“Đặc điểm của hoạt động này là vi phạm không lớn, nhưng lại có hậu quả phát sinh về sau. Năm 2014, bình quân 1 tháng xảy ra 1 vụ là hệ quả của hoạt động cho vay trái pháp luật thì bây giờ 1 tháng có thế xảy ra 4 vụ” – Thiếu tướng Minh nói.
Ông cũng nhận định rằng, hoạt động này nằm ngoài sự điều chỉnh của luật nên khi tranh chấp chắc chắn xảy ra vi phạm. Nhẹ nhất là xâm phạm tới chỗ ở, nặng hơn là cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, nặng nhất là giết người.
“Năm 2018 có ít nhất 3 vụ giết người, thậm chí giết nhiều người mà nguyên nhân xuất phát từ hoạt động cho vay trái phép, thu hồi nợ không được” – ông Minh cho hay.
“Hiện nay CATP xác nhận, có 873 đối tượng hoạt động cho vay trái phép, trong đó hơn 2/3 là người không cư trú ở thành phố mà chủ yếu là các tỉnh phía Bắc, trong đó có cả những đối tượng đang bị truy nã” – Thiếu tướng Minh nhấn mạnh.
Cũng theo ông, trong năm 2018, CATP đã lập biên bản 60 nhóm với hơn 230 đối tượng, nhưng hầu hết họ chỉ bị xử lý vi phạm hành chính ở những lỗi không đáng kể như vi phạm đăng ký tạm trú, hay gây mất trật tự.
Nói về các vướng mắc, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, trước năm 2018 gần như không khởi tố được vụ nào vì luật không quy định.
Sang năm 2018 có luật mới, trong đó quy định lãi suất gấp 5 lần lãi suất cao nhất của luật dân sự (khoảng 8,3%/tháng) là đủ định tội, tuy nhiên vẫn còn quy định thứ hai là “thu lợi bất chính”.
Theo đó, trong trường hợp thu lợi bất chính hơn 30 triệu đồng có thể bị cải tạo không giam giữ nhưng không được bắt giữ, thu lợi trên 100 triệu đồng có thể bị phạt tới 3 năm tù nhưng không được tạm giam.
“Chính vì vậy VKSND quận Tân Phú đã bị VKSND TP phê bình vì phê chuẩn lệnh bắt tạm giam hai đối tượng” – Thiếu tướng Minh nói về cái khó của việc xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi.
Ông nhận định rằng đây là sơ hở của luật pháp, vì dù CATP và Bộ Công an nhận thức được và đấu tranh nhưng tội này thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng chứ không phải hình sự.