Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: "Sự hỗ trợ của BNG là rất quan trọng với Viettel"
Tham dự Phiên họp Đẩy mạnh Ngoại giao phục vụ Phát triển trong thời kỳ Hội nhập quốc tế (HNQT) sâu rộng trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao toàn quốc lần thứ 30, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Phụ trách Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã có cuộc trao đổi bên lề với các phóng viên.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Ngoại giao 30. Ảnh: Phan Nhung |
Đánh giá về nguồn thông tin mà cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cung cấp cho các doanh nghiệp như là Viettel, ông Lê Đăng Dũng cho rằng, hiện nay Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ được rất tốt cho các doanh nghiệp về các thông tin từ chính trị, văn hóa, môi trường cạnh tranh cho đến các vấn đề pháp lý.
“Tôi cũng hi vọng trong thời gian tới các đại diện ngoại giao làm chủ tình hình sở tại để có được những thông tin ngày một sâu hơn, rộng hơn để cung cấp đầy đủ và kịp thời cho doanh nghiệp. Đó là hỗ trợ vô giá nhất”, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng khẳng định.
Phân tích cụ thể về những hỗ trợ của thông tin ngoại giao cho doanh nghiệp, ông Lê Đăng Dũng nhận định, khi doanh nghiệp “chân ướt chân ráo” sang làm việc ở nước ngoài thì thông tin về chính trị, thị trường, văn hóa nước sở tại là rất quan trọng. Ông Dũng cho rằng rủi ro lớn nhất là rủi ro chính trị, các nước chủ yếu là đa đảng, 4-5 năm thay chính phủ một lần vì vậy những thông tin cập nhật về tình hình chính trị như vậy thì các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao.
Thứ hai, theo Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, những cuộc gặp gỡ mà đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài sắp xếp cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với lãnh đạo các nước, lãnh đạo các bộ ban ngành liên quan ở quốc gia đó, cũng như đại diện nhiều doanh nghiệp nước bạn cũng rất hữu ích.
“Thứ ba là về vấn đề pháp lý, nếu như có vấp váp thì các đồng chí đại diện ngoại giao là người trực tiếp hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Có thể nói, các đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài là nguồn hỗ trợ tích cực cho những doanh nghiệp như Viettel từ ngày đặt chân đến cho đến hết quá trình kinh doanh tại đó”, ông Lê Đăng Dũng cho biết.
Ngoài ra, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cũng nhận định, trong công cuộc cách mạng số như hiện nay, Bộ Ngoại giao nên tạo ra một hệ thống thông tin nhanh nhạy, ví dụ văn phòng điện tử. “Viettel đã áp dụng hệ thống điều hành công việc bằng công nghệ thông tin, giúp thoát ly khỏi văn phòng. Đây là một cách thức làm việc mới, phù hợp với xu thế mà lại đạt hiệu quả. Trong lĩnh vực này thì Viettel có thể hỗ trợ Bộ Ngoại giao cung cấp các công cụ điện tử như vậy”, ông Lê Đăng Dũng cho hay.
Trước đó, trong sáng ngày 15/8, tại HNNG 30, Phụ trách Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Thiếu tướng Lê Đăng Dũng đã có bài tham luận "Triển khai hội nhập kinh tế quốc tế thông qua đầu tư trực tiếp ra nước ngoài: bài học kinh nghiệm của Viettel và khả năng hỗ trợ của ngành Ngoại giao".
Đại diện Tập đoàn Viettel phát biểu, trong giai đoạn đổi mới, Việt Nam đã có bước ngoặt trong đường lối chính sách đối ngoại, trong đó có chủ trương tích cực mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế. Song song với quan hệ hữu nghị, Việt Nam bắt đầu mở rộng về hợp tác kinh tế với các nước, kể cả song phương và đa phương, tham gia các hiệp định kinh tế lớn trên thế giới. Với các hiệp định này, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xuất khẩu hàng hóa với các nước trên thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 đã đạt 400 tỷ USD. Như vậy, nền kinh tế Việt Nam đang mở rộng dần ra với thế giới.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nhận định, quá trình hội nhập đạt mức độ cao nhất khi các quốc gia có đầu tư trực tiếp đan vào nhau, nghĩa là Việt Nam cũng cần phải có đầu tư trực tiếp vào các quốc gia khác. Chính vì vậy, Đảng và Chính phủ có những chủ trương, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Viettel đã bắt đầu đầu tư ra nước ngoài từ năm 2006, từ các nước láng giềng như Lào và Campuchia. Và gần đây nhất, tháng 6/2018, Viettel đã khai trương mảng viễn thông tại thị trường Myanmar. Bên cạnh kết nối cứng như giao thông, hàng không, kết nối mềm như viễn thông và công nghệ thông tin giúp các chính phủ cùng nhau hành động vì lợi ích quốc gia và khu vực.
Viettel đang có kế hoạch tiến xa hơn ở thị trường châu Mỹ và châu Phi. Viettel mong muốn là doanh nghiệp mở đường, mở rộng quan hệ để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như cộng đồng người Việt ở các quốc gia, qua đó người Việt có tiếng nói và vai trò mạnh mẽ hơn.
Đại diện Viettel cũng đưa ra một số đề xuất với Bộ Ngoại giao như sau: Mở các cơ quan đại diện tại các quốc gia có đầu tư lớn của Việt Nam (Cameroon, Peru) và trung tâm kinh tế lớn tại khu vực để hỗ trợ các doanh nghiệp “tiến công” vào thị trường khu vực (Kenya, Ethiopia); Bộ Ngoại giao cần làm đầu mối kết nối các doanh nghiệp trên cùng một thị trường, hỗ trợ lẫn nhau; Hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp có tranh chấp xảy ra.