Thiếu nhi hiến kế giáo dục lịch sử với lãnh đạo TP.HCM
Chương trình đã nhận được hơn 20 ý kiến phát biểu thẳng thắn của các em thiếu nhi.
156 em thiếu nhi đại diện cho thiếu nhi cả thành phố tham dự cuộc gặp gỡ đầu năm với lãnh đạo cao nhất TP.HCM |
Các em cũng bày tỏ mong muốn ngành giáo dục đổi mới chương trình sao cho việc học bớt nặng nề hơn, có nhiều hoạt động ngoại khóa hơn, đặc biệt là chú trọng môn Lịch sử. Các em cũng đề nghị hạn chế các tiệm game gần trường học, vấn đề tai nạn giao thông, kỹ năng sống…
Mong được học môn Lịch sử hấp dẫn hơn
Nhiều em thiếu nhi băn khoăn trước thực trạng môn lịch sử học khô khan, căng thẳng và khó tiếp thu. Em Lê Trần Quỳnh Hương (học sinh lớp 7, trường THCS Bàn Cờ, Q.3) nêu ý kiến: “Hiện tại môn lịch sử, con chỉ được học trên sách thôi. Việc có nhiều bảo tàng lịch sử mà học sinh ít được tới học thì hơi tiếc cho bọn con. Con mong muốn các lãnh đạo tổ chức cho bọn con học lịch sử gắn liền với đi nhiều điểm di tích”.
Các em thiếu nhi chia sẻ tâm tư, nguyện vọng tại cuộc gặp gỡ |
Hay bạn Lê Khắc Minh Phương (trường THCS Vân Đồn, Q.4) nêu ý kiến: Học môn Lịch sử ngoài việc coi video, con muốn chia sẻ nhân rộng một mô hình sân khấu hóa các trận đánh lịch sử, chính các bạn được đóng vai sẽ nhớ hơn tới các anh hùng lịch sử, các địa chỉ đỏ, các di tích lịch sử bọn con sẽ nhớ lâu hơn.
Còn bạn Nguyễn Trần Mai Chi (trường THCS Lam Sơn, Q.6) thỏ thẻ nói: Theo con biết, còn nhiều các vị anh hùng nhỏ tuổi, giáo viên và trong sách vở chưa đề cập tới. Con mong sắp tới các chú lãnh đạo chỉ đạo cập nhật mới để bọn con học tập và noi gương.
Giải đáp các câu hỏi về môn Lịch sử thiếu tư liệu, hình ảnh, đại diện Sở Giáo dục thành phố đã trả lời: Về tư liệu, hình ảnh lịch sử, chúng tôi đã tập hợp tất cả tư liệu, phim dành cho cấp THCS, THPT ghi vào đĩa gửi về tất cả các đơn vị năm 2005-2006 nhằm giúp thầy cô và học sinh đầy đủ tư liệu hướng dẫn em học tốt hơn. Việc này, Sở GD-ĐT sẽ xem xét lại.
Vấn đề học lịch sử gắn liền tới di tích lịch sử, Sở đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch miễn phí vé vào bảo tàng cho các em học sinh. Có rất nhiều đơn vị trực tiếp đến với học di tích lịch sử, khó khăn là phương tiện di chuyển. Sau này, chúng tôi mong muốn các trường có xe để đưa đón các em đi học tới các di tích lịch sử. Học tại di tích lịch sử, các em sẽ hào hứng hơn nhiều.
Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn phát biểu thêm: Riêng về chuyên đề lịch sử, xung quanh việc các em đến với bảo tàng phải thông qua nhà trường là kênh đầu tiên. Có 3 việc liên quan: thời gian, phương tiện và các em tới để tiếp thu hiệu quả như thế nào?
Về mặt thời gian, nhất là ở trường công lập,thời gian các em học tại trường chính khóa và ngoại khóa và các sinh hoạt khác của nhà trường rất mâu thuẫn với nhau. Khi bố trí thời gian học, các trường quốc tế, thời lượng, chương trình và môn học dễ hơn nhiều so với phân bổ chương trình trường công lập. Vấn đề thứ 2, có một số trường tổ chức các em một cách không khoa học. Chúng tôi sẽ tiến hành rà soát từng đơn vị trường, quận huyện để không làm mang tính hình thức. Có thể bố trí nhiều đợt để các em tới di tích lịch sử.
Anh Nguyễn Mạnh Cường- Bí thư Thành đoàn TP.HCM: Năm 2014-2015 ở góc độ Thành đoàn sẽ tiếp tục phối hợp thầy cô, Sở GD-ĐT tổ chức các giờ ngoại khóa đưa các em đến với bảo tàng, địa chỉ đỏ.
Anh Nguyễn Mạnh Cường-Bí thư Thành đoàn TP.HCM phát biểu trong cuộc gặp gỡ |
Đề nghị người lớn xếp hàng, không xả rác
Dẫn câu chuyện thời sự, việc xả rác bừa bãi sau mỗi đêm Giao thừa, chen lấn xố đẩy trong các lễ hội…, em Lê Thị Trúc Hà (trường THCS Bình Thọ. Q. Thủ Đức) nói: Vấn đề xả rác tại thành phố diễn ra rất nhiều. Con đề nghị tuyên truyền rộng rãi trong các học sinh qua các phòng máy chiếu, băng rôn khẩu hiệu về tác hại của rác đối với thành phố.
Em Nguyễn Vũ Minh Ngọc (lớp 8, trường Trung học Thực hành Sài Gòn, Q.5) bức xúc về vấn đề xếp hàng: Con đề nghị các cô chú lãnh đạo không những tổ chức tuyên truyền học sinh mà cả phụ huynh. Khi mà con đi học con thấy, nhiều phụ huynh lo lắng cho con mình rồi đẩy “thôi con cứ chen lên trước xếp hàng”. Cầm rác cho con rồi lại xả rác xuống mặt đường.
Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư thành ủy TP.HCM chia sẻ với đại diện thiếu nhi TP |
Lắng nghe những nguyện vọng chính đáng của các em thiếu nhi, ông Lê Thanh Hải - Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM mong rằng mỗi bạn trẻ thành phố sẽ cố gắng chăm ngoan, học giỏi và làm gương lẫn nhau. Ông Hải ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của các em nhỏ và đề nghị các Sở ban ngành, Thành đoàn…phối hợp cùng nhau giải quyết trong khả năng của thành phố.
Cuối cùng, ông Hải "đặt hàng" các cháu thiếu nhi chủ đề: “Thiếu nhi TP.HCM học tập tốt” cho năm 2016. "Cháu nào học tập tốt thì phấn đấu rèn luyện tốt hơn nữa, nơi nào chưa tốt thì các cơ quan của thành phố phải rà soát vì sao chưa tốt để khắc phục", ông nói.