Thiếu "gậy pháp lý", CSGT lúng túng
Đây không phải là lần đầu tiên một đạo luật có hiệu lực mà chưa có “công cụ” thi hành, tuy nhiên việc một đạo luật có tác động điều chỉnh xã hội rộng lớn như Luật Xử lý Vi phạm Hành chính 2012 (XLVPHC) chưa được thi hành sẽ gây khó khăn cho rất nhiều lĩnh vực.
Mặt khác, không giống với những bộ luật như dân sự, hình sự,... những hành vi đã được quy định khá rõ trong luật, nghị định chỉ hướng dẫn, giải thích một số điều khoản trong luật, Luật XLVPHC không quy định hành vi, chế tài cụ thể mà chỉ quy định những nguyên tắc chung nhất. Trong khi để thực thi được thì nghị định phải quy định rất chi tiết hành vi, chế tài cho từng loại vi phạm hành chính cụ thể.
CSGT kiểm tra giấy tờ, xử phạt lỗi vi phạm cụ thể. |
Trên thực tế, Luật XLVPHC đã được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20/6/2013, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, thay thế Pháp lệnh XPVPHC năm 2002. Điều đó cũng có nghĩa là tất cả các văn bản dưới luật, các Nghị định về xử phạt VPHC (khoảng 120 văn bản các loại) trong các lĩnh vực của đời sống xã hội như: giao thông đường bộ, đường sắt; trật tự an toàn xã hội; quản lý và sử dụng đất đai; thuế; hải quan; quản lý thị trường… được ban hành căn cứ vào Pháp lệnh XPHC năm 2002 đương nhiên bị chấm dứt hiệu lực. Thay thế vào đó từ ngày 1/7 Luật XLVPHC có hiệu lực nhưng phải chờ nghị định mới có thể thực thi trên thực tế.
Chính vì tình trạng luật đã có hiệu lực nhưng chưa có nghị định hướng dẫn thi hành nên ngay ngày đầu tháng 7 nhiều đơn vị có chức năng xử lý hành chính trở nên khá lúng túng.
"Đối với các Nghị định quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa được ban hành trong khi Luật có hiệu lực từ 01 tháng 7 năm 2013, Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tiếp tục áp dụng quy định tại các Nghị định hiện hành và các biểu mẫu quyết định, biên bản kèm theo các Nghị định này nếu không trái với tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành chính".
Trích Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ ngày 8/7/2013
Qua trao đổi với Đội CSGT số 11 (Phòng PC67) Công an Hà Nội, Trung tá Hà Văn Tuân, Đội trưởng cho biết: “Mấy hôm đầu tiên tháng 7 chúng tôi cũng khá lúng túng không biết sẽ áp dụng quy định nào để xử phạt người vi phạm giao thông nhưng đến ngày 8/7, Chính phủ đã có Nghị quyết 83/NQ-CP, hiện nay chúng tôi vẫn tiến hành xử phạt vi phạm giao thông theo quy định cũ”.
Cũng cùng suy nghĩ như vậy, Trung tá Bùi Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 10 Phòng PC67 CA Hà Nội rất hồ hởi như được tháo gỡ được vấn đề khi nhắc đến Nghị quyết 83. Ông Tiến cho biết: “Hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm trên quy định nghị định, thông tư cũ theo chỉ đạo của Chính phủ ghi trong Nghị quyết 83/NQ-CP”.
Thực tế, Nghị quyết 83/NQ-CP phải đến ngày 8/7 mới được ký thì trước đó hơn 1 tuần (tính từ 1/7), Cán bộ, chiến sĩ rơi vào tình trạng không biết căn cứ vào đâu để xử lý người vi phạm giao thông. Ngay cả khi đã có hướng dẫn từ Chính phủ tiếp tục áp dụng quy định cũ nhưng không phải vì thế tình trạng “lúng túng” đã hết. Thậm chí, còn có chỉ đạo chỉ nhắc nhở lái xe vi phạm, không xử phạt chờ quy định của cấp trên. Thực tế, cũng có lái xe vi phạm đã tranh luận với CSGT về căn cứ để xử phạt, cuối cùng CSGT đành phải để họ đi(!).
Lĩnh vực xử lý vi phạm giao thông khá đặc biệt đòi hỏi phải xử lý liên tục và không thể chờ được những văn bản theo đúng quy định ra đời mới xử phạt được. Chính điều này đã được gỡ khi CP có Nghị quyết 83/NQ-CP. TS Đoàn Thị Tố Uyên- Trưởng Bộ môn Xây dựng văn bản pháp luật, Trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng: “Việc Chính phủ đưa ra Nghị quyết 83/NQ-CP cũng là một giải pháp để quá độ hiệu lực văn bản pháp luật”.
Tuy nhiên, về nguyên tắc, các nghị định có gốc là từ Pháp lệnh xử phạt hành chính, phải căn cứ vào Pháp lệnh cũ này để tồn tại, nay Pháp lệnh đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật thì cần có sự đồng ý của UB Thường vụ Quốc hội gia hạn tồn tại cho Pháp lệnh thì những Nghị định mới có cơ sở để tiếp tục tồn tại. Vô hình trung, Luật chờ Nghị định, Nghị định lại phải chờ luật.
Nếu luật vẫn còn chờ nghị định, việc xử lý người vi phạm của CSGT khó khăn thì sẽ còn những đối tượng vi phạm và gây TNGT thương tâm như thế này? |
Vậy là, trong khi chờ có nghị định ra đời, dù đã có hướng giải quyết tình thế kịp thời của Chính phủ, những người thực thi Luật XLVPHC vẫn cảm thấy chưa thể yên tâm về “cây gậy pháp lý” của mình. Điều này dẫn đến một khoảng trống trong hiệu lực thi hành. Riêng trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải thì đã có lúc không thể xử lý người vi phạm, và chỉ một chút xíu thôi có thể tình trạng tháo khoán xử phạt sẽ xảy ra. Tất cả những điều này có hệ lụy từ tình trạng luật trên chờ luật dưới, luật dưới lại đợi luật trên đang diễn ra với Luật XLVPHC.