Thiệt hại thì Bộ GTVT chịu nhưng tiền của dân thôi!
Hàng chục công trình trọng điểm được triển khai trên địa bàn Hà Nội đang bị chậm tiến độ ngay từ khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Phía chủ đầu tư như ngồi trên đống lửa, còn chính quyền Hà Nội vẫn đang ráo riết “thúc” quận, huyện đẩy nhanh GPMB.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet, chuyên gia giao thông – TS Nguyễn Xuân Thủy “vạch” ra nhiều hệ lụy xung quanh câu chuyện chậm bàn giao mặt bằng.
TS Nguyễn Xuân Thủy |
- GPMB luôn là một khó khăn, thách thức lớn mà đa số các công trình giao thông, xây dựng đều gặp phải. Theo ông thì đâu là nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong công tác GPMB?
Trước tiên, khâu GPMB kéo dài do chính sách đền bù không được thỏa đáng, chưa sát với quyền lợi chính đáng của người dân. Nói cách khác, các chính sách trong việc đền bù hiện nay còn quá xa rời thực tế, lại thiếu công bằng. Chẳng hạn có nơi đền bù 20 triệu mỗi m2, nhưng có nơi lại chỉ 2 triệu đồng.
Ngoài ra phía chính quyền địa phương và chủ đầu tư cũng không làm tốt công tác tư tưởng cho người dân trong diện bị thu hồi đất. Sự chỉ đạo nói chung vẫn còn thiếu sâu sát.
Nguyên nhân dẫn đến dự án “treo” cũng còn do chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm, đầu tư dàn trải, không đầu tư vào dự án trọng tâm, dẫn đến thiếu tiền. Chúng ta đều biết có những công trình trọng điểm, đang được người dân rất trông đợi, có không gian triển khai dự án nhưng lại có tiến độ “rùa” vì vấn đề tài chính không đảm bảo.
- Phải chăng vì Hà Nội được coi là “đất vàng” nên mới xảy ra chậm trễ, hay còn vì nguyên nhân nào khác, thưa ông?
Thông thường, nơi nào có giá đất cao thì việc GPMB sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên điều quan trọng phải kể đến ở đây là vấn đề chính sách. Có thể chính sách đền bù còn mang tính áp đặt. Mặt khác chính quyền địa phương vẫn còn chưa thực sự quyết tâm, có can thiệp, có giải thích thuyết phục người dân nhưng vẫn chưa đến nơi đến chốn.
Tâm lý “dĩ hòa vi quý”, không có lộ trình hợp lý, khoa học cũng có thể dẫn đến kéo dài trong quá trình thu hồi và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Tuyên truyền, giải thích, đả thông tư tưởng kém, sự ràng buộc về mặt pháp luật cũng kém. Chứng tỏ Hà Nội kém! Tôi ví dụ, cả một con đường mà chỉ tồn tại mỗi một căn nhà nhưng lại không giải tỏa, như vậy là thiếu cương quyết.
Cầu Nhật Tân - một trong số những dự án trọng điểm trên địa bàn Hà Nội đang bị chậm ngay từ khâu GPMB |
Ngoài ra mối quan hệ giữa Hà Nội với Bộ GTVT (đại diện chủ đầu tư) cũng thiếu những cơ chế cương quyết để giải quyết một vấn đề. Hai bên vẫn còn tư tưởng dựa dẫm vào nhau mà không có biện pháp mạnh để răn đe. Ví như chủ đầu tư nói địa phương phải thế này, phải thế kia nhưng lại không có cơ chế ràng buộc. Thiệt hại cuối cũng vẫn thuộc về chủ đầu tư và họ chỉ còn biết… kêu trời.
Theo tính toán từ nhà thầu Nhật Bản, mức thiệt hại do chậm bàn giao mặt bằng dự án cầu Nhật Tân lên đến hơn 150 tỷ đồng. Nếu phía nhà thầu yêu cầu bồi thường thì ai sẽ phải đứng ra chịu trách nhiệm?
Mỗi công trình khi triển khai, người ta đều phải đưa ra thời gian thực hiện. Chậm bàn giao mặt bằng khiến công trình đội giá lên là điều khó tránh khỏi. Thiệt hại thì Bộ GTVT phải chịu, nhưng cuối cùng vẫn là tiền của dân thôi. Lâu nay khi xảy ra thiệt hại, Hà Nội hay Bộ GTVT có phải đền bao giờ đâu, toàn lấy ngân sách nhà nước bổ sung vào cả.
Theo ông, khi bàn giao mặt bằng chậm tiến độ, những thiệt hại lớn nhất có thể kể đến là gì?
Thiệt hại lớn nhất có thể nhìn thấy rõ là công trình không được đưa vào sử dụng đúng tiến độ. Chẳng hạn như cầu Nhật Tân, nếu công trình sớm hoàn thành sẽ đưa vào khai thác sớm để thu hồi lại tiền. Bên cạnh đó người dân cũng được hưởng lợi vì thời gian đi tới sân bay sẽ giảm đi nhiều, chỉ còn lại khoảng 30 phút.
Nếu công trình chậm tiến độ, không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, mà quyền lợi thiết thực của người dân cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Thiệt hại thứ hai thuộc về chủ đầu tư, vì họ cũng là một doanh nghiệp. Mặt bằng chậm bàn giao sẽ giảm năng suất lao động, và tăng giá thành lên. Đương nhiên hiệu quả kinh tế từ công trình đó cũng giảm đi.
Thứ ba, việc bàn giao mặt bằng chậm cũng ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Bởi với những công trình hiện đại như cầu Nhật Tân thường đòi hỏi rất khắt khe về yêu cầu kỹ thuật. Sắt, thép, máy móc… cứ nằm phơi nắng như vậy khó tránh khỏi ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Nói chung với mỗi công trình, đặc biệt đó lại là công trình giao thông thì việc chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của nhân dân và nhiều vấn đề xã hội khác!
Xin cảm ơn ông!