Đừng chơi chứng khoán kiểu đánh bạc
Đầu tư chứng khoán theo kiểu nhắm mắt chọn bừa, hay “xin ba chữ cái” mà không cần biết doanh nghiệp đó làm ăn ra sao thì không khác nào chơi đánh bạc.
Thời gian gần đây, chỉ số VN-Index liên tục xô đổ các kỷ lục lịch sử đã lập trước đó. Thanh khoản toàn thị trường đạt mức cao chưa từng có với hơn 2 tỉ USD mỗi phiên, thậm chí có phiên đạt khoảng 2,5 tỉ USD. Hiện dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào thị trường này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo làn sóng đầu cơ đang tăng cao tạo ra không ít rủi ro cho nhà đầu tư lẫn thị trường.
Hiện tượng hiếm thấy
Khi các hoạt động kinh tế dần được mở cửa trở lại sau thời gian dài giãn cách, nhiều ngành kinh tế hồi sinh giúp cổ phiếu tăng mạnh. Thế nhưng không ít cổ phiếu thuộc nhóm “trà đá, rau dưa” cũng tăng ào ào đến khó hiểu. Nói cách khác làn sóng đầu cơ tăng cao đến mức nhiều công ty kinh doanh bết bát, thua lỗ nhưng cổ phiếu vẫn tăng đột biến hàng chục lần.
Đơn cử như cổ phiếu của một công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Hơn sáu tháng đầu năm nay, giá cổ phiếu này chỉ quanh ngưỡng 10.000 đồng/cổ phiếu nhưng trong bảy phiên gần đây tăng giá liên tiếp. Tính đến hết phiên giao dịch sáng 18-11, cổ phiếu công ty này đã tăng vọt lên mức 28.800 đồng/cổ phiếu, tức tăng gần 300% giá trị.
Điều đáng nói là hoạt động kinh doanh của công ty này không mấy khả quan. Báo cáo tài chính của công ty cho biết lũy kế chín tháng đầu năm, doanh thu chỉ đạt 406 tỉ đồng, giảm 40,5%. Khấu trừ chi phí, công ty lỗ sau thuế 224 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm, tăng gấp đôi con số lỗ cùng kỳ năm ngoái.
Một mã cổ phiếu khác cũng tương tự. Trong gần năm năm qua, cổ phiếu của công ty này chỉ dao động quanh mức rất thấp, 2.000-5.400 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng từ đầu tháng 9 đến nay, cổ phiếu của công ty bất ngờ tăng phi mã. Tính đến phiên sáng 18-11, cổ phiếu này đứng ở mức 73.100 đồng, tức chỉ sau hơn hai tháng đã tăng 13-36 lần so với suốt mấy năm trước.
Đáng chú ý, kết quả kinh doanh của công ty nói trên không có gì đột biến để hỗ trợ giá cổ phiếu. Đơn cử trong quý III-2021, doanh thu của công ty chỉ đạt 6 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ 923 triệu đồng.
Không chỉ hai mã cổ phiếu trên mà nhiều cổ phiếu khác cũng trong tình trạng tương tự. Điều lạ là trước sự tăng phi mã của không ít nhóm cổ phiếu “trà đá” nhưng nhiều nhà đầu tư F0 (người mới tham gia vào thị trường chứng khoán) vẫn đổ tiền mua với hy vọng làm giàu nhanh, đổi đời nhanh.
Chứng khoán đang bùng nổ với hơn 100.000 tài khoản mở mới mỗi tháng, chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Mua không cần biết tên doanh nghiệp
Chị Thu Hoài, một nhà đầu tư vừa bước chân vào thị trường, thừa nhận chị còn rất lơ mơ về thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, khi thấy cô bạn của mình đầu tư chứng khoán có lời cao hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng nên chị quyết định rút hết 100 triệu đồng đang gửi ngân hàng ra mua cổ phiếu.
“Thấy bạn tôi nói sắp tới mã cổ phiếu này sẽ tăng mạnh, vậy là tôi mua khi giá đang ở mức 18.000 đồng/cổ phiếu và kỳ vọng chờ vài tháng sẽ ăn đậm. Đúng là vừa mua xong thì giá lên 21.000-22.000 đồng. Thấy cổ phiếu này đang tăng, tôi không chốt lời vì kỳ vọng giá sẽ còn lên nữa. Thế nhưng ai ngờ giá không lên mà liên tục lao dốc, có thời điểm về quanh ngưỡng 11.000 đồng. Đến ngày 17-11, giá cổ phiếu này đã nhích lên 14.000 đồng nhưng vẫn cách xa so với giá vốn tôi mua. Giờ thì chỉ biết ngồi chờ chứ giờ mà bán ngay thì lỗ đậm” - chị Hoài chia sẻ.
Anh Tuấn, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm, nhận định hiện nay những F0 lơ mơ chơi cổ phiếu nhiều như lá mùa thu. Thậm chí có người mua cổ phiếu mà không hề biết thuộc ngành gì, của doanh nghiệp nào và doanh nghiệp đó đang làm ăn ra sao.
“Tôi từng nghe rất nhiều nhà đầu tư kể rằng chọn mã theo kiểu… nhắm mắt mua một mã trên bảng điện tử. Cho nên đến khi thị trường đang thăng hoa, thấy tài khoản xanh thì cứ ung dung chờ cổ phiếu leo đỉnh và không muốn chốt lời. Đến khi thị trường giảm, giá cổ phiếu lao dốc, tài khoản âm thì lại nhắm mắt bán tống bán tháo mà không biết vì sao thị trường giảm, vì sao mã mình mua đang xanh lại chuyển sang đỏ như vậy” - anh Tuấn nói.
“Cực kỳ nguy hiểm”
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng dù giá một cổ phiếu tăng đột biến đến từ bất kỳ nguyên nhân nào thì với nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, những người vừa mới bước chân vào thị trường chứng khoán mà mua bán theo bầy đàn, mua theo xúi giục trên các nhóm chat Zalo, Facebook thì cực kỳ nguy hiểm. Có thể lúc mua vào giá cổ phiếu vẫn tăng, song điều đó không đảm bảo họ đang đầu tư đúng mà chính là đang bước vào một canh bạc với rất nhiều rủi ro. Bởi cổ phiếu tăng nóng có thể dừng tăng hoặc cắm đầu lao dốc bất cứ lúc nào. Giá cổ phiếu tăng đột biến có thể do một bàn tay nào đó cố tình thao túng, đẩy giá lên.
“Tìm kiếm lợi nhuận trên những cổ phiếu “trà đá, rau dưa”, không tên tuổi, kết quả kinh doanh bết bát thì cực kỳ rủi ro, mang tính may rủi theo kiểu đánh bạc hơn là đầu tư tài chính. Tại sao nhà đầu tư lại lao vào một canh bạc trong khi trên sàn có cả ngàn mã chứng khoán để lựa chọn… Nhà đầu tư F0 nên lựa chọn, tìm hiểu, nghiên cứu những cổ phiếu có thương hiệu, quản trị tốt, lợi nhuận của doanh nghiệp ổn định và tăng dần đều qua các năm” - ông Phương khuyến nghị.
Coi chừng… nghèo nhanh Trao đổi với báo chí, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, kể: Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ khi hỏi tôi thì họ không bao giờ hỏi công ty đó làm gì, triển vọng tương lai thế nào, tên gì cũng không biết luôn mà chỉ “Anh ơi, cho em xin ba chữ cái” (mã chứng khoán - PV). Tức nhà đầu tư nhỏ lẻ thường chẳng quan tâm đến báo cáo tài chính một năm, báo cáo quý… mà chỉ cần biết cổ phiếu họ mua sáng nay chiều có lời hoặc mua xong 1 tiếng sau có lời. “Cho nên những hàng đầu cơ thường có sức hút với nhà đầu tư nhỏ lẻ, F0. Ai cũng muốn giàu nhanh, đổi đời nhanh nhưng có khi đó cũng chính là con đường khiến họ nghèo nhanh. Đây là điều đáng buồn, đáng lo, bởi khi làn sóng đầu cơ quá cao sẽ ảnh hưởng đến yếu tố phát triển bền vững của thị trường” - ông Khánh nói. |
Không gửi tiết kiệm, doanh nghiệp đổ tiền vào chứng khoán
Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã chuyển một phần nguồn tiền dự kiến phục vụ cho sản xuất kinh doanh sang chứng khoán để tìm kiếm mức sinh lời.
Theo plo.vn