Thí sinh khám sơ tuyển vào trường quân đội cần lưu ý những gì?
Đăng ký sơ tuyển vào trường quân đội, mỗi thí sinh phải làm 2 loại hồ sơ riêng biệt.
Trong đó có một bộ hồ sơ đăng ký sơ tuyển do Ban Tuyển sinh quân sự (TSQS) Bộ Quốc phòng phát hành và một bộ hồ sơ đăng ký dự Kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD&ĐT phát hành.
Mỗi thí sinh tham dự xét tuyển vào trường quân đội chỉ được đăng ký duy nhất một nguyện vọng (ảnh: qdnd) |
Đại diện Cục Nhà trường (Bộ Quốc Phòng) cho hay thí sinh là thanh niên ngoài quân đội đăng ký sơ tuyển tại ban tuyển sinh quan sự cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Thí sinh là quân nhân tại ngũ đăng ký sơ tuyển tại đơn vị cấp trung đoàn hoặc tương đương.
Mỗi thí sinh đăng ký sơ tuyển phải có một bộ hồ sơ sơ tuyển do Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng phát hành thống nhất.
Bộ hồ sơ gồm một bản thẩm tra xác minh lý lịch do cán bộ tuyển sinh quân sự cấp huyện và đơn vị đi thẩm tra, một phiếu khám sức khoẻ do hội đồng khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện và đơn vị khám.
Ngoài ra, còn ba phiếu đăng ký sơ tuyển do thí sinh tự khai, có xác nhận của ban tuyển sinh quân sự cấp huyện, đơn vị cấp trung đoàn. Đối với thí sinh thuộc diện ưu tiên cần nộp một giấy chứng nhận được hưởng ưu tiên hợp lệ, đúng quy định. Thí sinh không phải nộp bản sao học bạ trung học phổ thông.
Khi tham gia sơ tuyển, thí sinh phải tự mình viết kê khai các mẫu biểu, hồ sơ sơ tuyển thuộc phần quy định thí sinh tự khai và trực tiếp đến nộp hồ sơ sơ tuyển cho ban tuyển sinh quân sự cấp huyện (đối với thanh niên ngoài quân đội) hoặc cấp trung đoàn (đối với quân nhân tại ngũ) theo đúng thời gian quy định.
Do môi trường có các tiêu chuẩn khác nhau, nhất là về tiêu chuẩn sức khỏe, vì vậy thí sinh phải đăng ký sơ tuyển và đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào một trường quân đội và chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1.
Trường hợp phát hiện thí sinh nộp từ 2 hồ sơ sơ tuyển trở lên, sẽ bị loại khỏi danh sách (không được đăng ký xét tuyển vào hệ quân sự của các trường trong quân đội).
Trong hồ sơ đăng ký sơ tuyển TSQS, các thí sinh thuộc diện được cộng điểm ưu tiên theo đối tượng cần nộp 1 giấy chứng nhận được hưởng ưu tiên hợp lệ.
Khi đến nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển TSQS, thí sinh phải mang theo giấy chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân), sổ hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác để cán bộ thu hồ sơ đối chiếu (thí sinh không phải nộp bản sao học bạ THPT hoặc bản sao trích lục học bạ THPT).
Mỗi thí sinh nộp 4 ảnh chân dung cỡ 4 x 6 cm, ảnh chụp thẳng (kiểu chứng minh nhân dân), trên nền phông màu xanh hoặc vàng, ảnh phải rõ, cùng kiểu, cùng loại, chưa qua xử lý bằng các phần mềm xử lý ảnh và mới chụp trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm đăng ký dự tuyển.
Được biết, thời gian tổ chức khám sức khỏe cho thí sinh đăng ký sơ tuyển vào 2 đợt: Đợt 1 vào tuần 3 và tuần 4 tháng 3 năm 2020. Đợt 2 vào tuần 2 tháng 4 năm 2020. Thời gian cụ thể do Ban TSQS các đơn vị, địa phương bố trí.
Sau khi khám sức khỏe đợt 2, trước khi kết thúc thời gian sơ tuyển nếu còn thí sinh đăng ký tham gia sơ tuyển, các địa phương, đơn vị tiếp tục tổ chức khám sức khỏe cho số thí sinh đăng ký sơ tuyển.
Ban Tuyển sinh Quân sự Bộ Quốc phòng cho hay, thời gian khám sơ tuyển đến hết ngày 25/4.
Tuyển sinh trường quân đội năm 2021 có gì mới?
Năm nay, các trường quân đội tuyển 5.000 chỉ tiêu, chỉ có 3 học viện tuyển thí sinh nữ. Thông tin này được Đại tá Vũ Xuân Tiến - Trưởng ban Thư ký Ban Tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết.
Hoàng Thanh