Thi sáng tác biểu trưng số hóa truyền hình VN: giải nhất 50 triệu đồng
Họp báo công bố cuộc thi "Sáng tác biểu trưng số hóa truyền hình Việt Nam" (Ảnh: Hồng Chuyên) |
Chủ trì cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định: “Số hóa truyền hình mặt đất là xu thế tất yếu”. Theo thứ trưởng, truyền hình số mặt đất sẽ tổ chức lại đài truyền hình theo hướng chuyên môn hóa. Tuy nhiên, hiện nay số hóa truyền hình việc thông tin tuyên truyền mới chỉ dừng ở lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp, báo chí nhưng làm sao việc tổ chức đề án này phải đến được với mỗi người dân vì người dân là những người trực tiếp mua thiết bị đầu cuối, mua tivi.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã phê duyệt Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất của Bộ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2013-2015. Hôm nay Bộ TT&TT tổ chức phát động cuộc thi “Sáng tác biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam”. Đây là dịp để các cơ quan truyền thông đại chúng chuyển tải đến mọi người dân về đề án số hóa truyền hình tại Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh ý nghĩa cuộc thi: “Việc số hóa truyền hình, việc tổ chức thực hiện phải đến mỗi gia đình, từng người dân. Phải thực hiện truyền thông đến người dân. Đâu là số hóa, đâu là cônng nghệ tương tự, phải giúp người dân phân biệt các thiết bị tương thích”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam kéo dài 1 tháng, từ ngày 24/12/2013 đến 23/12/2014. Giải nhất lên đến 50 triệu đồng, giải nhì 30 triệu đồng, giải ba 20 triệu đồng và nhiều giải khuyến khích. Ngoài ra, thí sinh đạt giải nhất còn được giấy chứng nhận và bằng khen của Bộ TT&TT.
THỂ LỆ CUỘC THI SÁNG TÁC BIỂU TRƯNG SỐ HÓA
TRUYỀN HÌNH TẠI VIỆT NAM
(Ban hành kèm quyết định số 03 /QĐ-BTC của Ban tổ chức cuộc thi “Sáng tác biểu trưng số hóa truyền hình Việt Nam”)
Ngày 27/12/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 2451/QĐ-TTg phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.
Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 nhằm mục tiêu chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số, đồng thời giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng.
Đề án số hóa còn nhằm mục tiêu từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình chất lượng cao (như truyền hình HD, 3D,…); hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực xã hội; tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp.
Mục tiêu cụ thể của Đề án số hóa truyền hình mặt đất là đến năm 2015 đảm bảo 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 60% dân cư. Đến năm 2020, đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư. Số hoá truyền hình không chỉ là chuyện chuyển đổi công nghệ mà còn mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Đặc biệt số hóa truyền hình được coi là một phương thức xóa "vũng lõm" sóng truyền hình một cách nhanh nhất và tiết kiệm nhất. Đối với các khu vực vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, chỉ cần có một bộ đầu thu truyền hình số vệ tinh là người dân có thể xem được hàng chục kênh truyền hình.
Theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất được lựa chọn là tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T2 và các phiên bản tiếp theo (tiêu chuẩn truyền hình số Châu Âu); áp dụng thống nhất tiêu chuẩn mã hóa hình ảnh và âm thanh MPEG-4.
Các công ty sản xuất, nhập khẩu máy thu hình để sử dụng tại Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất vào máy thu hình theo lộ trình từ 01/4/2014 đối với các máy thu hình có màn hình trên 32 inch; từ 01/4/2015 đối với máy thu hình có màn hình 32 inch trở xuống.
Điều 1: Sự cần thiết
Quá trình số hóa truyền hình mặt đất đã và đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều quốc gia. Việc áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng số hóa và số lượng dịch vụ có ý nghĩa rất lớn trong toàn xã hội, bởi vì lợi ích của truyền hình số với quảng đại người dân là rất lớn khi mang đến nhiều dịch vụ truyền hình hiện đại, chất lượng cao và phong phú, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, như HD, 3D,... đồng thời mang lại hiệu quả cao trong việc sử dụng tần số.
Để thực hiện thành công lộ trình số hóa tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định phát động Cuộc thi "Sáng tác biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam" nhằm chọn được một biểu trưng tiêu biểu nhất để sử dụng chính thức trong các hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng cáo trong nước và nước ngoài cho số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất ở Việt Nam.
Điều 2: Mục đích
Lựa chọn được một biểu trưng có tính khái quát cao, đảm bảo tính thẩm mỹ, tính đặc thù làm biểu trưng chính thức để phục vụ cho công tác tuyên truyền cho kế hoạch số hóa truyền hình tại Việt Nam, trên sách, báo, phim, ảnh, tài liệu...; đồng thời sử dụng để in, khắc dấu... trên các thiết bị, sản phẩm trong hoạt động sản xuất, thương mại… liên quan đến truyền hình số tại Việt Nam.
Điều 3: Yêu cầu
Biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam đảm bảo đáp ứng một số yêu cầu cơ bản sau:
1. Thể hiện được các đặc trưng tiêu biểu mang tính khái quát cao và truyền đạt thông điệp rõ ràng, hiệu quả của lĩnh vực truyền hình kỹ thuật số mặt đất, dùng sóng vô tuyến điện;
2. Đạt được những yêu cầu về thiết kế như: thẩm mỹ, khoa học, dễ nhớ, dễ nhận biết, ấn tượng với công chúng, thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc và hiện đại;
3. Dễ dàng sử dụng các hình thức và vật liệu khác nhau để thể hiện biểu tượng trong cả hoạt động truyền thông cũng như trong các hoạt động sản xuất, thương mại.
4. Biểu trưng có thể bao gồm cả từ viết tắt truyền hình số bằng tiếng Việt là “THS” hoặc tiếng Anh là "DTV";
4. Biểu trưng không được vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam, sao chép, trùng lặp với bất kỳ hình ảnh biểu trưng nào trong và ngoài nước.
Điều 4: Đối tượng dự thi:
1. Mọi tổ chức, cán nhân trong và ngoài nước đều có thể tham dự;
2. Thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo không được phép dự thi.
Điều 5: Sản phẩm dự thi
1. Không hạn chế số lượng mẫu sản phẩm dự thi đối với mỗi tác giả;
2. Hồ sơ dự thi được cho trong phong bì khổ A4, bao gồm:
- Mẫu thiết kế biểu trưng;
- Mô tả ý tưởng (không quá 500 từ đánh máy);
- Phiếu đăng ký dự thi (theo mẫu) được đóng trong phong bì nhỏ, dán kín;
- Tiêu đề trên phong bì hồ sơ: Bài dự thi “Sáng tác biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam”;
- Địa chỉ nơi nhận: Thường trực Ban tổ chức (Trung tâm Thông tin), Bộ Thông tin và Truyền thông – 18 Nguyễn Du, Hà Nội.
3. Mẫu thiết kế thể hiện trên 01 trang giấy khổ A4 (21cm x 29,7cm), bao gồm:
- Mẫu thiết kế lớn có chiều rộng là 15 cm thiết kế màu (đặt giữa trang giấy);
- Mẫu thiết kế nhỏ là bản thu nhỏ (đen trắng) của mẫu thiết kế lớn có chiều rộng 3cm (đặt phía dưới góc bên phải của trang A4);
- Mẫu thiết kế (lớn, nhỏ) nêu trên và phần thuyết minh mô tả ý tưởng không được ghi thêm bất cứ thông tin gì khác (tên, ký hiệu riêng).
Điều 6: Tiêu chí đánh giá:
Hệ thống tiêu chí để đánh giá các biểu trưng gồm:
a. Ý tưởng của mẫu thiết kế;
b. Sự độc đáo sáng tạo của mẫu thiết kế;
c. Thể hiện được giá trị cốt lõi của hình ảnh số hóa truyền hình tại Việt Nam;
d. Tính thẩm mỹ, khoa học của mẫu thiết kế;
e. Thuận lợi cho việc in ấn, phóng to, thu nhỏ, đắp nổi, gia công được bằng mọi chất liệu;
g. Khả năng dễ nhớ, dễ nhận biết của mẫu thiết kế.
Điều 7: Thời gian nhận bài dự thi:
Thời gian nhận bài dự thi bắt đầu từ 24/12/2013 đến hết ngày 23/01/2014 tính theo thời gian Thường trực Ban Tổ chức nhận được hồ sơ.
Điều 8: Quyền và trách nhiệm của người dự thi:
1. Các cá nhân, tổ chức dự thi có trách nhiệm tuân thủ các qui định của Thể lệ này và phải đảm bảo:
a. Biểu trưng dự thi không phải là đối tượng tranh chấp bản quyền tác giả;
b. Biểu trưng dự thi chưa được sử dụng, xuất hiện trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào ở trong và ngoài nước;
c. Không được sử dụng mẫu thiết kế đã được chọn làm biểu trưng của số hóa truyền hình tại Việt Nam trong cuộc thi lần này vào bất kỳ mục đích nào khác;
d. Tác giả của mẫu thiết kế được chọn làm biểu trưng của số hóa truyền hình tại Việt Nam có trách nhiệm nộp bổ sung file mềm và chỉnh sửa mẫu được chọn cho phù hợp với yêu cầu của Ban Tổ chức.
2. Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm nếu bài dự thi gửi tham gia cuộc thi không đến được Ban Tổ chức do lỗi kỹ thuật;
3. Ban Tổ chức không trả lại bài dự thi;
4. Trường hợp đã nộp hồ sơ dự thi nhưng muốn rút khỏi cuộc thi, tác giả dự thi phải thông báo với Ban Tổ chức bằng văn bản trước thời gian hết hạn nộp bài dự thi;
5. Tác giả dự thi phải chịu trách nhiệm về bản quyền mẫu thiết kế. Trong trường hợp việc tranh chấp bản quyền tác giả phát sinh sau khi sản phẩm thi đoạt giải, tác giả dự thi đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật;
6. Mọi chi phí hay các khoản nộp thuế liên quan đến giải thưởng được thực hiện theo quy định của pháp luật, do tác giả trúng giải chi trả.
Điều 9: Quy định về giải thưởng và trao giải thưởng:
1. Giải thưởng cuộc thi bao gồm:
+ 01 giải Nhất: 50 triệu đồng, Bằng khen và Giấy chứng nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông;
+ 01 giải Nhì: 30 triệu đồng cùng Giấy chứng nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông;
+ 01 giải Ba: 20 triệu đồng cùng Giấy chứng nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông;
+ 07 giải khuyến khích: 5 triệu đồng cùng Giấy chứng nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Nếu không chọn được các biểu trưng dự thi đạt yêu cầu, Ban Tổ chức có thể quyết định không trao giải Nhất mà chỉ trao các giải khác của cuộc thi.
3. Giải thưởng sẽ được trao trực tiếp cho tác giả có sản phẩm dự thi đoạt giải hoặc người được tác giả có sản phẩm dự thi đoạt giải ủy quyền khi kết thúc cuộc thi. Trường hợp tác giả không có điều kiện tham dự lễ nhận giải, Ban Tổ chức sẽ gửi qua đường bưu điện.
4. Việc trao giải thưởng sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện công khai.
Điều 10: Ban Giám khảo:
Ban Giám khảo do Trưởng Ban tổ chức quyết định thành lập có nhiệm vụ:
1. Xây dựng thang, bảng điểm theo tiêu chí tại Điều 6 trình Trưởng Ban tổ chức ban hành;
2. Làm việc theo nguyên tắc hội đồng, điểm cuối cùng của bài dự thi là điểm trung bình các điểm do thành viên Ban Giám khảo xác định.
3. Các thành viên Ban Giám khảo có trách nhiệm làm việc công tâm, chấm điểm các bài dự thi theo đúng thang, bảng điểm đã được ban hành;
4. Tùy theo số lượng số lượng bài dự thi nhận được, Ban Giám khảo có thể tổ chức xét sơ khảo để thống nhất chọn các mẫu biểu trưng đáp ứng các tiêu chí qui định trước khi đánh giá theo thang, bảng điểm.
Điều 11: Quy định về quyền sở hữu đối với những tác phẩm đoạt giải:
1. Bộ Thông tin và Truyền thông sở hữu bản quyền sử dụng vô thời hạn cũng như toàn quyền đăng ký sở hữu trí tuệ đối với mẫu biểu trưng được sử dụng làm biểu trưng của số hóa truyền hình Việt Nam;
2. Bộ Thông tin và Truyền thông toàn quyền quyết định về việc chọn mẫu biểu trưng nào được ứng dụng trong thực tế và có quyền yêu cầu tác giả sửa đổi, bổ sung một số chi tiết cho phù hợp với đặc điểm khi sử dụng làm biểu trưng chính thức;
3. Trong thời gian diễn ra cuộc thi, tác giả không được sử dụng các biểu trưng tham gia cuộc thi này để tham dự bất kỳ cuộc thi nào khác.
Điều 12: Điều khoản thực hiện:
1. Thể lệ này có hiệu lực từ ngày được công bố. Việc sửa đổi bổ sung chỉ được thực hiện khi có văn bản của Ban Tổ chức.
2. Đối tượng dự thi, thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và những người liên quan khác có trách nhiệm tuân theo các quy định của Thể lệ này./.
* Các thông tin liên quan đến Thể lệ và Cuộc thi "Sáng tác Biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam" đều được đăng tải trên website: www.mic.gov.vn.