The "Running Man" được bày trò, dàn dựng?
|
Running Man Vũ Xuân Tiến. Ảnh Arsenal |
Sự kiện Arsenal đến Việt Nam đã được công chúng chú ý từ trước bởi Việt Nam là một đất nước mà thể thao gần đồng nghĩa với bóng đá. Tuy nhiên, sự việc thực sự bắt đầu bùng lên gây chú ý của dông đảo công chúng, kể cả những người không liên quan chính là sự kiện một “fan cuồng nhiệt” chạy theo xe của đội bóng đến 8 km và được mời lên xe.
Sự kiện này được quay lại, dựng thành một clip rất nhanh rồi đẩy lên trang web của đội bóng Arsenal. Và ngay lập tức nó trở thành sự kiện “chấn động” của giới truyền thông với cái tên “The Running Man”.
Infonet xin gửi đến độc giả chia sẻ của một chuyên gia truyền thông giàu kinh nghiệm, ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty NBN Media về vấn đề này.
Ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty NBN Media |
Sự kiện Arsenal chắc chắn sẽ còn được giới truyền thông phân tích, mổ xẻ rất nhiều. Có cái nhìn nửa tin nửa ngờ với clip cổ động viên (CĐV) Việt Nam chạy bộ theo xe đội bóng 8km- The Running Man Vũ Xuân Tiến. Anh có nghĩ đây là clip dàn dựng hay bày trò không?
Đến hôm nay, báo chí Anh quốc, bao gồm cả những trang cải ít và cải nhiều; song đều là những báo có nhiều người xem nhất nước Anh nói riêng và thế giới nói chung như Daily Mail, Telegraph, Mirror, The Times, Standard, HuffingtonPost UK... đều đăng tin, bài, video... về The Running Man Vũ Xuân Tiến – một fan cuồng nhiệt của đội Arsenal.
Trả lời chung câu hỏi của nhiều bạn tò mò là đây có phải trò PR do một công ty nào đó được thuê bày ra không? Căn cứ trên những nguồn tin hậu trường đáng tin cậy ban đầu thì tôi thấy là không phải. Không có kịch bản và dàn dựng nào ở đây cả. Thoạt đầu chỉ là một câu chuyện tình cờ.
Căn cứ vào đâu anh khẳng định như vậy?
Tất nhiên chúng tôi là những người làm marketing chuyên nghiệp, có một hệ thống quan hệ và thông tin riêng để biết được hậu trường của những vụ như thế này nên đến nay tôi thấy câu chuyện này là câu chuyện tình cờ và tự nhiên thôi.
Toàn bộ câu chuyện này giản dị chỉ là có một fan hâm mộ bóng đá ở VN là Vũ Xuân Tiến chạy theo xe chở đội Arsenal hơn 8 km (5 dặm) để bày tỏ tình yêu và lòng ngưỡng mộ với đội bóng này. Rồi anh chàng được mời lên xe và những gì diễn ra sau đó thì ai cũng đã biết.
Anh có thể phân tích sâu hơn về vụ này không?
Nếu mọi người xem đoạn đầu video về The Running Man sẽ thấy thoạt đầu phim được quay bằng điện thoại di động, với chất lượng kém. Nhưng anh này đã bày tỏ tình cảm và sự ngưỡng mộ liên tục, bất chấp khó khăn trên đường chạy theo nên đã đẩy cả đội đến chỗ đón nhận anh như một người hâm mộ chân chính và đáng trân trọng, hành vi cụ thể là mời anh ta lên xe. Nói chung là mọi chuyện diễn tiến vượt được một cái ngưỡng và đi đến diễn tiến khác hấp dẫn hơn. Vụ này thực sự không có kịch bản, giám đốc sáng tạo nào hết.
Nhưng ngay sau đó video về The Running Man xuất hiện trên trang của Arsenal và lan tỏa với tốc độ nhanh chóng. Rồi các báo Anh, báo Việt Nam và mạng xã hội vào cuộc.
Hình ảnh đầu tiên được quay bằng điện thoại, chất lượng thấp |
Như vậy cái chốt của vấn đề nằm ở chỗ nào?
Tất cả có lẽ chỉ bắt đầu với việc nhóm PR của Arsenal đi theo chứng kiến, chộp được và lập tức xây được một câu chuyện có cốt truyện, có con người, có diễn biến và màn "happy ending"; làm người ta bị kích thích tò mò, thích thú và lay động lòng người.
Yếu tố nào làm nên sự thành công về mặt PR trong clip này?
Về chi tiết, anh chàng này có gương mặt điển hình của người Việt, bảnh bao, thân thiện, dễ mến. Và anh chàng cũng có body đẹp của một người yêu thể thao. Câu chuyện thì đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kể lại nên cũng dễ lan truyền.
Toàn bộ câu chuyện diễn tiến tự nhiên và kết thúc rất có hậu. Có nghĩa là mọi chuyện tình cờ, song lập tức được nắm bắt, phát triển và thậm chí đẩy lên thành một câu chuyện khá hoàn hảo. Trong đó mọi người thấy có một người hùng – thứ mà ai cũng thích, nhất là phương tây (Tiến), có cả triết lý để người ta nhớ (Nếu bạn cố để theo đuổi giấc mơ của mình thì điều ấy sẽ xảy ra).
Mọi người còn nhớ lúc đầu có nhiều người đều chạy theo song nhanh chóng bỏ cuộc, chỉ anh này không biết bỏ là gì, vẫn chạy theo, vẫn cười tươi. Trong đời thực, nếu các cô gái đẹp đến đâu mà gặp các anh chàng theo đuổi kiểu này chắc đa phần cũng chết lăn quay chứ chả kể các cầu thủ được hâm mộ như thế.
Theo anh những người làm PR Việt Nam có thể nghĩ theo kiểu này và làm được việc tương tự không?
Tôi tin là có. Tuy nhiên, có lẽ các đồng nghiệp PR ở Việt Nam sẽ hiếm khi có cơ hội được làm điều tương tự như việc đưa ra và thực hiện một kịch bản The Running Man thứ hai. Đơn giản chỉ vì nếu đem đi trình bày thì ý tưởng này có vẻ sơ sài, và cứ “nhàn nhạt” thế nào ấy.
Trong khi nhiều người Việt đang quyết định chi tiêu tiền cho quảng cáo, PR lại chỉ thích các câu chuyện rắc rối, những hình ảnh hoành tráng, chói lọi và triết lý cao siêu – nhưng thường là vô cảm. Đương nhiên, chính vì thế họ sẽ quay lưng lại với yếu tố “nhân cảm” để chấp nhận một câu chuyện đơn giản nhưng rất người và có khả năng làm xúc động lòng người rồi lan tỏa thật mạnh mẽ như câu chuyện The Running Man này…
Phải chăng, câu chuyện này khẳng định không cần kịch bản PR kỳ công, chuẩn bị sẵn, đổ nhiều tiền mà vẫn có thể thành công?
Tôi không nghĩ thế. Nếu chỉ trông chờ vào việc ăn may thì kết quả sẽ rất hạn chế. Cần có đầu tư bài bản, kỹ lưỡng cho cả chiến lược và chiến thuật truyền thông thì mới mong thành công lớn. Nhưng thay vì chú ý vào việc “show hàng” trước công chúng sao cho hoành tráng, các công ty nên chú ý đến việc công chúng thích gì, cần gì, muốn gì, yêu, xúc động… về diều gì thì sẽ thành công.
Khi tiến hành các chiến dịch, kịch bản nên có trước và kỹ lưỡng. Còn tiền thì nhiều tiền chưa chắc thành công song ít tiền thì cũng hơi khó làm. Theo tôi đây là nhân tố thứ hai trở đi thôi.
Xin cảm ơn anh!