Thanh tra Chính phủ công bố hàng loạt sai phạm về đất đai của tỉnh Hải Dương
Theo đó, trong thời kỳ 2002 – 2012 tỉnh Hải Dương và các đơn vị trong tỉnh đã có nhiều biện pháp tích cực thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, từ đó góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng về công nghiệp và kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên kết luận cũng chỉ ra nhiều thiếu sót, vi phạm, cụ thể:
Về dự án khu công nghiệp, UBND tỉnh đã không kiểm tra, giám sát từ đó các chủ đầu tư dự án đã cho thuê đất không đúng mục đích sử dụng.
Trong đó Khu công nghiệp Tân Trường cho thuê vào đất cây xanh với diện tích 1,7ha, thu lợi 865 ngàn USD. Khu công nghiệp Nam Sách cho thuê vào đất Trung tâm điều hành, đất đầu mối kỹ thuật với diện tích 1,6ha, thu lợi 241 ngàn USD, Khu công nghiệp Đại An cho thuê vào đất hạ tầng giao thông với diện tích 1,5ha, thu lợi 342 ngàn USD.
Bên cạnh đó một số chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cũng bị xác định chưa ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng đã ký hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê lại đất.
Trong đó Khu công nghiệp Đại An cho 16 doanh nghiệp thuê lại với diện tích 35,9 ha, thu 12,5 triệu USD. Khu công nghiệp Đại An mở rộng cho 4 doanh nghiệp thuê lại đất với diện tích 23,3 ha, thu 11,5 triệu USD.
Kết luận cũng cho thấy, tại dự án Khu công nghiệp Tân Trường, UBND tỉnh Hải Dương giao công ty Nam Quang vượt 21,4 ha so với diện tích được Thủ tướng chấp thuận.
Ảnh minh họa |
Còn ở dự án Khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền, UBND tỉnh Hải Dương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 112 ha khi chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước.
Về dự án cụm công nghiệp, UBND tỉnh cũng chưa ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp theo quyết định của Thủ tướng, từ đó việc quản lý các dự án hoạt động trong cụm công nghiệp rất lúng túng, không hiệu quả, có tình trạng buông lỏng sau đầu tư.
Ngoài ra, việc xây đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng rất chậm. Đặc biệt chưa có cụm công nghiệp nào có trạm xử lý nước thải tập trung nên ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.
Về dự án khu dân cư, đô thị, dịch vụ, kết luận nêu rõ: Dù quy hoạch chung đã được phê duyệt nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời, quy hoạch chi tiết tại các khu đô thị còn thiếu, chất lượng đồ án quy hoạch hạn chế.
Trong khi đó đối với ba dự án gồm Khu đô thị mới phía Đông, phía Tây, Khu du lịch sinh thái và dịch vụ thành phố Hải Dương, UBND tỉnh đã không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư tham gia đấu thầu công trình xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc đấu giá theo quy định.
Chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh cũng chưa phù hợp quy định pháp luật. Trong đó năm 2002 và 2003 đã ban hành hai quyết định ưu đãi đầu tư trái luật. Trong khi đó tổng số tiền thu từ sử dụng đất, thuê đất (từ 2002 đến 2012) là 1.728 tỷ đồng nhưng hiện vẫn còn nợ đọng 444 tỷ.
Cuối cùng, kết luận xác định UBND tỉnh Hải Dương đã buông lỏng quản lý nên để xảy ra những tồn tại, thiếu sót nêu trên. Từ đó Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Hải Dương phải thu hồi các khoản tiền về ngân sách nhà nước, xử phạt các trường hợp nợ đọng tiền sử dụng đất.