Thành lập Kiểm ngư cấp tỉnh liệu có phát sinh biên chế?
Theo dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), ban soạn thảo dành hẳn một Chương riêng quy định về hoạt động của Kiểm ngư. Hiện tại, mới chỉ có lực lượng Kiểm ngư cấp Trung ương gồm có Cục Kiểm ngư và 05 Chi cục Kiểm ngư Vùng, trong khi chưa có lực lượng Kiểm ngư cấp tỉnh.
Trong đó, 28 tỉnh, thành phố ven biển được giao thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản, các cán bộ này đang làm nhiệm vụ như lực lượng Kiểm ngư, có nhiều rủi ro, môi trường sóng gió nhưng không được hưởng chế độ, chính sách như Kiểm ngư mà chỉ được hưởng chế độ, chính sách như công chức làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trên đất liền.
Chính phủ đề nghị Quốc hội đồng ý chuyển lực lượng Thanh tra chuyên ngành tại chi cục thủy sản của 28 tỉnh, thành sang lực lượng Kiểm ngư.
Đại tá Đỗ Quang Thành – Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng – bày tỏ sự đồng tình với việc tổ chức lực lượng Kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương. Theo ông Thành, Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách để thực hiện thực thi pháp luật về vấn đề thủy sản, là lực lượng gắn với nhân dân và chính quyền địa phương. Nếu chỉ tổ chức lực lượng Kiểm ngư ở Trung ương và đưa về các Vùng, quá trình tổ chức, chỉ huy, chỉ đạo sẽ rất khó khăn.
Đại tá Đỗ Quang Thành – Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng. |
“Thực tiễn lực lượng Kiểm ngư mới được thành lập theo Nghị định 102 năm 2012 và có hiệu lực từ năm 2013. Qua mấy năm thực hiện, có thể thấy lực lượng Kiểm ngư Việt Nam rất mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tế. Hiện mới chỉ có hơn 300 cán bộ CNVC, trong đó có hơn 200 người là công chức, còn lại 132 lao động hợp đồng. Với số lượng tàu và người đều ít, việc tổ chức thực thi pháp luật chưa đáp ứng. Xuất phát từ thực tiễn, cần thiết phải bố trí lực lượng kiểm ngư từ trung ương tới địa phương,” ĐBQH Đỗ Quang Thành nêu ý kiến.
Một Đại biểu khác đoàn Cao Bằng là ông Bế Minh Đức - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Cao Bằng, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội – cho rằng bên cạnh lực lượng Kiểm ngư Vùng, cần xét đến tính chất đặc thù của từng địa phương để thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh. Lực lượng này được thành lập trên cơ sở cơ cấu lại lực lượng thanh tra chuyên ngành ở các địa phương, như vậy không làm phát sinh thêm biên chế và cũng đúng theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
“Việc có lực lượng Kiểm ngư cấp tỉnh sẽ giúp công tác quản lý nhà nước đối với nguồn lợi thủy sản ở các địa phương tốt hơn, ngăn chặn tình trạng khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản ở các địa phương hiện nay,” ĐBQH Bế Minh Đức cho biết.
Để tránh tình trạng phát sinh biên chế, đại biểu Phạm Văn Tuân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XIV tỉnh Thái Bình, cho rằng cần lấy ngay nòng cốt là lực lượng của Chi cục Thủy sản ở các tỉnh thành có đường biển, vì trong đó có một bộ phận thanh tra về lĩnh vực Kiểm ngư. Bên cạnh đó, cần bổ sung nhiệm vụ, chức năng của lực lượng này, tăng cường nguồn lực và trang thiết bị cho lực lượng Kiểm ngư.