"Tham nhũng vặt, đưa hối lộ còn thường trực ở nhiều lĩnh vực!"
Tình trạng tham nhũng vặt có chiều hướng gia tăng
Như đúng tên gọi của báo cáo, chỉ số PAPI đo lường trải nghiệm của người dân với việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các cấp chính quyền địa phương ở 6 trục nội dung là: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch, Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhung trong khu vực công, Thủ tục hành chính công; và Cung ứng dịch vụ công.
Ông Jairo Acuna - Alfaro, Cố vấn chính sách của UNDP, trình bày báo cáo PAPI 2012 tại cuộc hội thảo tổ chức ở Đà Nẵng ngày 2/7 (Ảnh: HC) |
Vậy chỉ số PAPI 2012 đã cho thấy người dân có những trải nghiệm như thế nào khi tương tác với bộ máy chính quyền địa phương? Báo cáo PAPI 2012 chỉ rõ, qua khảo sát gần 14.000 người dân ở cả 63 tỉnh, thành về cảm nhận của họ đối với tham những vặt và hối lộ trong khu vực công cho thấy "tham nhũng vặt và hối lộ là những vấn đề còn thường trực ở nhiều lĩnh vực, người dân đánh giá hiện trạng tham nhũng vặt có chiều hướng gia tăng"!
44% số người được hỏi đồng tình với nhận định khi đi xin việc vào khu vực nhà nước phải đưa hối lộ, "lót tay" (tăng đáng kể so với tỉ lệ 29% trong năm 2011). 42% ý kiến đồng tình với nhận định phải đưa hối lộ, "lót tay" khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện (năm 2011 là 31%). Và 32% số người được hỏi đồng tình với nhận định khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải đưa hối lộ, "lót tay" (tăng 11% so với năm 2011).
Theo báo cáo PAPI 2012, đa số người dân cho biết quan hệ thân quen với người có chức có quyền là yếu tố quan trọng khi xin việc vào khu vực nhà nước. Chỉ có 1/4 số người được hỏi cho biết quan hệ thân quen là không quan trọng. Trong khi đó gần 50% cho biết quan hệ thân quen là quan trọng hoặc rất quan trọng, và khoảng 1/4 còn lại trả lời họ không biết.
Cũng theo báo cáo này, 44% số người được hỏi cho biết họ không biết xã/phường có công khai thu chi ngân sách hay không? Đáng chú ý, có đến gần 80% số người dân được hỏi không biết gì về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương. "Số người dân được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương rất thấp. Thiếu công khai, minh bạch về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là nguyên nhân dẫn tới nhũng nhiễu trong quản lý đất đai ở địa phương" - ông Jairo Acuna - Alfaro, Cố vấn chính sách của UNDP nói.
Trong khi đó, theo báo cáo PAPI 2012 thì "cơ chế giải trình ở cấp cơ sở còn hình thức". Điều đó thể hiện qua việc có 66% người dân được hỏi cho biết ở xã, phường của họ không có Ban Thanh tra nhân dân hoặc họ không biết Ban này có tồn tại hay không? Tương tự, có tới 83% số người được hỏi cho biết ở xã, phường của họ không có Ban Giám sát đầu tư cộng đồng hoặc họ không biết Ban này có tồn tại hay không?
Người dân cũng chủ động đưa hối lộ để lách thủ tục rườm rà
Từ tình hình trên đã dẫn tới thực trạng "phạm vi và quy mô chi phí không chính thức trong cung ứng dịch vụ công (cận trên) rất đáng lo ngại" như lời ông Jairo Acuna. Ông cho biết, PAPI sử dụng cách tính mới để đo lường phạm vi và quy mô chi phí không chính thức ở các dịch vụ hành chính và dịch vụ công cấp thiết đối với người dân.
Qua đó cho thấy, 56,6% người dân phải trả chi phí không chính thức cho dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với quy mô 818.000 đồng/lượt/lần; 48,4% người dân phải trả chi phí không chính thức cho dịch vụ y tế bệnh viện tuyến huyện với quy mô 146.00 đồng/lượt/lần và quy mô mức trả chi phí không chính thức cho dịch vụ giáo dục tiểu học công lập là 572.000 đồng/lượt/học kỳ!
"Chi phí không chính thức tác động tới một tỉ lệ lớn người dân, với số tiền phải chi trả là đáng kể so với mức phí và lệ phí chính thức cho những dịch vụ này. Chi phí không chính thức phản ảnh "một sân chơi không bình đẳng" đối với người sử dụng dịch vụ công với điều kiện kinh tế hộ gia đình khác nhau, đặc biệt là những hộ nghèo và khó khăn" - báo cáo PAPI 2012 nêu rõ.
Vậy mức độ chịu đựng của người dân đối với tham nhũng vặt như thế nào? Theo báo cáo PAPI 2012: "Phạm vi và quy mô đòi hối lộ, nhũng nhiễu dường như chưa được phản ảnh đầy đủ. Người dân lựa chọn không tố giác do cái giá phải trả cho việc tố giác có thể lớn, hoặc do chưa tin vào hệ thống pháp luật phòng, chống tham nhũng hiện nay có thể bảo vệ họ. Mức độ chịu đựng hối lộ, tham nhũng vặt là tương đối lớn, cho thấy hiện tượng người dân cũng chủ động thực hiện hành vi đưa hối lộ để lách những thủ tục hành chính rườm rà với hy vọng nhận được chất lượng dịch vụ công tốt hơn"!
Điều đáng quan ngại nữa là ngay cả các địa phương được người dân xếp hạng cao về chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh cũng "vướng" những vấn đề không hề nhỏ liên quan đến vấn nạn tham nhũng vặt, như báo cáo PAPI 2012 đã nêu rõ:
"Mặc dù là địa phương được người dân đánh giá cao ở hầu hết các trục nội dung song Quảng Bình (xếp đầu bảng năm 2012) vẫn cần cải thiện hơn nữa ở trục nội dung "kiểm soát tham nhũng". Đà Nẵng cũng nằm trong nhóm đầu dầu (xếp thứ hai) song vẫn còn tồn tại điểm yếu ở "tham gia của người dân ở cấp cơ sở" và "công khai, minh bạch"!".