Thâm nhập rừng đầu nguồn Tả Trạch: Gốc cây cổ thụ "rỉ máu" vì lâm tặc chặt phá
Ngược dòng Tả Trạch, phát hiện lâm tặc chặt phá rừng phòng hộ
Nhận được nguồn tin quần chúng phản ánh có việc rừng phòng hộ Hương Thủy (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế) bị chặt phá nghiêm trọng, phóng viên Infonet đã phải đi bằng đò máy trên lòng hồ Tả Trạch và đi bộ gần 10km mới đến nơi.
Khu vực khoảnh 4, tiểu khu 184 (rừng phòng hộ Hương Thủy) bị chặt phá. |
Để tìm hiểu thực hư từ nguồn tin phản ánh, sau khi đặt thuê đò với ngư dân mưu sinh trên lòng hồ Tả Trạch xong, ngày 4/3 PV nhập vai một sinh viên năm cuối đi tìm hiểu về thảm thực vật rừng trong lòng hồ Tả Trạch rồi bí mật tìm cách thâm nhập vào khu rừng mà nguồn tin cung cấp.
Từ đập hồ Tả Trạch (xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) PV Infonet phải mất hơn 4 giờ đồng hồ di chuyển bằng đò máy ngược dòng Tả Trạch đến chốt liên cơ quan La Ma (gồm Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy, BQL rừng phòng hộ Hương Thủy, Hạt Kiểm lâm Nam Đông, BQL rừng phòng hộ Nam Đồng) rồi rẽ phải đi vào khe La Ma được một đoạn thì đò máy không thể tiếp tục hành trình do suối cạn. Dù vậy, trên đường đi đò máy vào khe La Ma chúng tôi không phát hiện bất cứ một dấu vết nào của việc phá rừng hay vận chuyển gỗ đi ra.
PV Infonet xuất phát từ đập hồ Tả Trạch từ lúc trời chưa sáng hẳn. |
Phía trước là hàng rào gỗ chắn ngang ngay đầu khe La Ma. |
Chốt liên cơ quan La Ma gần hàng rào gỗ chắn qua khe. |
Đang bế tắc vì không thể di chuyển được bằng đò máy, chúng tôi quyết định đi bộ và đi sâu vào khe La Ma được khoảng 30 phút thì bất ngờ phát hiện một cây gỗ lớn gần khe suối mới bị đốn hạ, chỉ còn lại gốc trơ trụi. Nghi ngờ trong đầu nguồn mới là khu vực chính bị chặt phá, chúng tôi lội qua các con suối sâu ngập ngang lưng từ ngã 3 Rau Dớn vào trong đầu nguồn, PV lại phát hiện nơi “lâm tặc” xẻ gỗ và còn vương vãi một số tấm bìa, mùn cưa còn tươi mới khắp một đoạn khe suối… nhưng gỗ đã biến mất.
Một gốc cây trơ trụi được PV phát hiện đầu tiên. |
PV chúng tôi phải lội suối sâu vào khu vực rừng bị chặt phá. |
Ngăn khe suối để dễ vận chuyển gỗ ra theo nước. |
Khúc gỗ và các bìa bỏ lại trong khe suối. |
Những mùn cưa còn tươi trên bãi đá. |
Sau khi đi sâu vào khoảng vài trăm mét nữa, chúng tôi thấy nơi ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi với những dấu vết còn mới nguyên và trên sườn núi có một con đường dốc đứng nghi của lâm tặc vận chuyển gỗ xuống khe suối.
Sau gần 2 giờ vất vả leo ngược từng bước một lên con dốc đứng, PV cũng lên đến giữa đỉnh núi và thấy nhiều cây gỗ quý lâu năm có đường kính từ 0,5 – 1,5m bị đốn hạ không thương tiếc, chỉ còn lại gốc trơ trụi vẫn còn rỉ nhựa, những tấm ván bìa, mùn cưa, khúc gỗ vương vãi, cành lá và các cây dây leo cùng các cây nhỏ bên cạnh chết héo… Càng đi sâu và leo lên trên gần đỉnh càng thấy nhiều cây to cũ, mới bị lâm tặc chặt phá.
Bên cạnh đó, có nhiều cây bị lâm tặc cưa ngang thân nhưng không chặt do không có giá trị hoặc gỗ bị rỗng ruột. Một số cây bị đốn hạ chưa kịp xẻ và vận chuyển đi ra.
Nơi lâm tặc ăn uống và dựng lán trại. |
PV leo từng bước một lên con dốc đứng, cũng là đường vận chuyển gỗ trên đỉnh núi xuống khe suối. |
Một số cây mới bị đốn hạ nên còn rỉ nhựa ướt. |
Các tấm bìa không có giá trị bị lâm tặc bỏ lại. |
Một cây chưa được lâm tặc xẻ lấy hết. |
Một cây khác đã bị chặt nhưng chưa xẻ. |
Cây bị rỗng ruột nên lâm tặc không đốn hạ. |
Những gốc cây gỗ quý lâu năm, có giá trị kinh tế đều bị chặt phá. |
Tuy nhiên, khi lên đến đỉnh núi và đang nghỉ ngơi lấy sức để tiếp tục đi thì chúng tôi bất ngờ gặp một nhóm đối tượng lạ mặt đi qua. Sợ xảy ra nguy hiểm nên PV lập tức trở lại đường cũ và nhanh chóng di chuyển ra đò máy về trong hoài nghi sẽ còn phát hiện thêm các gốc cây bị lâm tặc chặt phá.
Cơ quan quản lý bảo vệ rừng nói gì?
Theo tìm hiểu của PV, để vận chuyển gỗ từ khoảnh 4 (tiểu khu 187 rừng phòng hộ Hương Thủy) đi ra tiêu thụ, chỉ có một con đường duy nhất là thả gỗ xuống nước để trôi xuôi ra theo khe La Ma và đưa lên đò máy (không thể vận chuyển bằng đường bộ vì phải qua các đỉnh núi cao, quãng đường xa). Trên tuyến đường độc đạo này, nếu muốn chuyển gỗ ra ngoài phải qua chốt liên cơ quan La Ma (gồm Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy, BQL rừng phòng hộ Hương Thủy, Hạt Kiểm lâm Nam Đông, BQL rừng phòng hộ Nam Đồng) và qua hàng rào gỗ chắn ngang ngay đầu vào khe La Ma. Thế nhưng gỗ vẫn bị chặt phá, đưa ra khỏi rừng một cách khó hiểu.
Qua những hình ảnh cùng đối chiếu với tọa độ định vị qua Google Map của PV chụp lại và cung cấp, BQL rừng phòng hộ Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế) và Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế) thừa nhận và cho biết, có việc gỗ rừng phòng hộ Hương Thủy bị lâm tặc đốn hạ tại khoảnh 4 thuộc tiểu khu 187.
Trao đổi với PV Infonet chiều ngày 5/3, ông Nguyễn Văn Việt – Phó giám đốc BQL rừng phòng hộ Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế) cho hay, trước Tết Nguyên đán 2019, BQL rừng phòng hộ Hương Thủy đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức truy quét trên tuyến hồ Tả Trạch. Qua đó, tại khoảnh 4 thuộc tiểu khu 187 phát hiện 10 phách gỗ huỷnh (2,023m3) thuộc nhóm 5, lán trại, ghe… của lâm tặc để lại. Tuy nhiên, do cận tết nên chỉ lập biên bản tạm giữ các tang vật phát hiện, còn số gốc thì chưa đi kiểm đếm, đánh dấu được.
Cùng ngày, ông Văn Đức Thuận – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế) thông tin, trách nhiệm quản lý thuộc về chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy và chốt liên cơ quan đóng tại thượng nguồn Tả Trạch gồm các lực lượng kiểm lâm Hương Thủy, Kiểm lâm Nam Đông, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy và Nam Đông.