Tết không còn phải “vắt óc" nghĩ tặng gì cho sếp bà
Chiều 28 Tết anh Trung vẫn phải cùng lái xe lên Mộc Châu (Sơn La) vào tận bản tìm bằng được cành đào phai 5 cánh chỉ vì lời nói vô tình của sếp bà: "Chỗ này để cành đào rừng mời đẹp!" |
Từ xin tiền vợ sang đưa vợ tiền tiêu Tết
Vốn từng là cán bộ kỹ thuật thuộc lực lượng quốc phòng được đào tạo bài bản ở Nga rồi chuyển sang dân sự, con đường công danh của anh Trung (Hà Nội) thăng tiến đều đều. Từ phó phòng, trưởng phòng rồi giữ chức Cục phó trong suốt 10 năm làm việc trước khi nhận sổ hưu.
Anh kể, trước ở Bộ đội mỗi khi về ăn Tết với gia đình quay về đơn vị thường phải “xin tiền vợ”. “Thời đó khó khăn, bộ đội hay phải trực chiến nên với gia đình bé nhỏ Tết là khi tôi được ở nhà trọn vẹn với vợ con. Từ ngày sang dân sự, kinh tế được cải thiện, Tết thay vì xin tiền vợ tôi đã có một khoản đưa vợ chi tiêu Tết…”- anh Trung cười nói.
Lần đầu tiên anh được nhận tiền thưởng Tết cũng là lần đầu tiên anh nhận được quà Tết từ nhân viên cấp dưới (khi chuyển sang dân sự anh được phân công giữ vị trí phó phòng). Phòng 30 người thì quá nửa số ấy đến tận nhà biếu Tết, người chai rượu, hộp bánh, người con gà, cặp bánh chưng… Khi ấy là cuối những năm 80 của thế kỷ trước.
“Hồi đó, mình là lãnh đạo của 30 anh em nhưng lại là “cấp dưới” của vài lãnh đạo cấp trên từ trực tiếp đến gián tiếp. Thành thử ra, có những lúc quà anh em biếu chưa kịp bóc có khi lại được gia giảm thêm đồ để quay vòng mang đi”- anh Trung nói. Tuy nhiên theo lời anh Trung đó vẫn chưa phải giai đoạn khiến anh “ung thủ” mỗi đận Tết về.
Mọi quan niệm, phiền toái đều do mình mà ra
Đó là khi anh được điều động giữ vị trí Cục phó. Mối quan hệ không còn chỉ dừng ở phạm vi phòng, Cục mà mở rộng hơn rất nhiều. Kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên, quà Tết không chỉ là túi chè, cặp bánh chưng hay còn gà… mà phải độc đáo, ý nghĩa nhưng không kém phần thiết thực.
“Như một món nợ đồng lần, cứ gần Tết là chẳng ai bảo ai thi nhau đi biếu “hội đồng” các sếp. Thực ra, cũng giống như tôi mấy khi sếp nam quan tâm đến chuyện bếp núc này, nhưng hầu hết đều do sếp bà nhận. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Nên chỉ riêng việc tìm hiểu xem nhà sếp này có nhu cầu gì, sếp kia thích cái gì rồi cân đo đong đếm xem có vừa với năng lực tài chính của mình hay không cũng mất cả tháng trời”- anh Trung chia sẻ.
Đến giờ anh Trung vẫn không thể nào quên cảnh chiều 29 Tết năm 1998, nhà nhà đã chuẩn bị Tết thì anh vẫn phải hối hả cùng lái xe lên tận Mộc Châu vào tận bản làng săn bằng được cành đào phai 5 cánh, thân mốc cao 4,5 m, tán rộng 3m chỉ vì lời sếp bà “chỗ này nhà chị để cành đào rừng mới hợp” khi trước đó anh mang chậu Lan đặt từ Lâm Đồng ra biếu sếp. Hay một lần khác, một sếp bà khác đon đả nhận quà anh mang biếu nhưng ngày hôm sau, túi quà ấy đã được chuyển lại tận bàn làm việc của anh với lời nhắn “Anh đã nhận quà, cảm ơn em. Anh chị gửi lại cho các cháu”.
“Tôi lo đứng lo ngồi, sợ có điều gì làm thủ trưởng phật ý. So đi tính lại một hồi, tôi quyết định mặc kệ… xác định giông bão có thể ập đến bất cứ lúc nào trong năm. Cả năm tôi chờ đợi và …chẳng có điều gì xảy ra. Từ đó tôi ngộ ra, mọi quan niệm, lễ nghi, phiền toái đều do mình mà ra. Đó cũng là cái Tết cuối cùng khi tôi còn tại vị”- anh Trung cười buồn.
Tết đầu tiên sau khi dời nhiệm sở, anh Trung bảo “sốc toàn tập”. Bởi “như mọi năm những ngày cận Tết khách khứa ra vào tấp nập thì nay cửa đóng then cài. Năm ấy chỉ ước sao có người nhớ đến mình là vui. Tiếc rằng chỉ còn lác đác. Năm thứ hai số ấy ít hơn, năm thứ 3 thì chỉ còn sót lại những người bạn vong niên thủa nào.
Nhưng lạ là tôi lại cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Không còn phải đau đầu lo Tết cho anh em rồi lại đau đầu chọn quà biếu sếp. Tất tật trong những đồng lương hưu và vui vầy bên con cháu. Vợ chồng cũng có nhiều thời gian dành cho nhau hơn. Năm nào thời tiết thuận lợi, chúng tôi lại đặt vé đi du lịch cùng nhau, khi Đà Lạt, lúc Nha Trang... ngủ mấy giấc là xong mấy ngày Tết”- anh Trung hóm hỉnh chia sẻ.