Tập trung xử lý vi phạm pháp luật ở lĩnh vực ngân hàng
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói chuyện với các đại biểu Quốc hội |
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết từ nay đến năm 2013, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết các bức xúc trong vi phạm pháp luật ở lĩnh vực ngân hàng, chiếm dụng vốn, tín dụng đen để tạo chuyển biến cơ bản trong năm 2013.
Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, tội phạm ngân hàng có biểu hiện đáng lưu ý là lập hồ sơ giả, móc nối với cán bộ ngân hàng để vay rồi chiếm đoạt tài sản, làm giả giấy tờ, tờ khai… Các vi phạm trong lĩnh vực này được đánh giá là phức tạp.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, việc điều tra các vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng hay các vụ án tham nhũng lớn gặp rất nhiều khó khăn, do quy định giám định về tài sản, tài chính ở nước ta còn yếu, ảnh hưởng tới việc xác định bằng chứng vi phạm.
Cũng theo Bộ trưởng Quang, trong năm 2012, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Nam Hà Nội, Ngân hàng Agribank chi nhánh Sóc trăng, khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên, khởi tố bắt tạm giam ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB khởi tố cho tại ngoại ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB; các ông: Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB…
Nhấn mạnh ảnh hưởng của loại tội phạm này tới an ninh, an toàn của lĩnh vực ngân hàng, cũng như của cả nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết Chính phủ sẽ chủ động khắc phục những thiếu sót trong quản lý nhà nước- những kẽ hở để phát sinh tội phạm.
Đồng thời Chính phủ đặt nhiệm vụ từ nay và năm 2013 sẽ xử lý hiệu quả các vi phạm, tội phạm ngân hàng, chiếm dụng vốn…, tạo chuyển biến cơ bản trong “lành mạnh hóa” hoạt động ngân hàng.
Báo cáo về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm nói chung trong năm 2012, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết nhờ sự đấu tranh kiên quyết của các lực lượng chức năng, các loại tội phạm đã giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2011; lực lượng công an đã phá nhiều chuyên án ma túy lớn với khối lượng lên tới hàng trăm bánh heroin…
Các ngành chức năng đã xử phạt 7,5 triệu vi phạm hành chính, trong đó công an xử phạt hơn 4 triệu vi phạm, thu cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên tội phạm có tổ chức, đòi nợ thuê, tội phạm xã hội đen, ma túy, giết người, tham nhũng chức vụ, tội phạm môi trường, tội phạm có yếu tố nước ngoài có dấu hiệu tăng, gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội.
Báo cáo của Chính phủ nêu nhiều địa phương còn bảo kê cho hoạt động khai thác khoáng sản, khiến những đối tượng khai thác sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng khi truy quét.
Số vụ chống người thi hành công vụ tăng 17,9% so với năm 2011, trong đó chống công an tăng 21,1%. Từ đầu năm đến nay, 3 công an hy sinh và 244 công an bị thương khi thi hành công vụ.
Dự báo các loại tội phạm sẽ còn gia tăng khi kinh tế còn gặp khó khăn, đạo đức xã hội ở một bộ phận người dân bị suy thoái, nhất là ở giới trẻ, năng lực cán bộ thực thi còn yếu, Chính phủ sẽ tiếp tục mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm; nhanh chóng giải quyết các vướng mắc trong giám định tài sản nhằm khơi thông việc điều tra, đưa ra ánh sáng các vụ án tham nhũng.
Chính phủ cũng kiến nghị với Quốc hội cần sửa Bộ luật hình sự cho phép bắt tạm giam tội phạm chưa đủ tuổi vị thành niên phạm tội nghiêm trọng để răn đe; thống nhất quy trình hướng dẫn, giải thích luật để nâng cao nhận thức pháp luật của người dân và tăng cường kinh phí, trang thiết bị cho lực lượng bảo vệ an ninh, đặc biệt là lực lượng làm nhiệm vụ tại cơ sở, an ninh xã để đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm.
Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội cần có Nghị quyết chuyên đề về tăng cường phòng, chống tội phạm để tăng cường huy động sức mạnh của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân vào hoạt động này.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về phòng, ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Công an trong công tác này, đã kiềm chế sự gia tăng của tội phạm.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng báo cáo chưa chỉ ra các loại tội phạm ở các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, khoảng sản… chưa chỉ rõ địa phương nào làm tốt, địa phương nào làm chưa tốt.
Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, hạn chế trong phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm là do trách nhiệm của nhiều cơ quan không phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, nhiều bộ, ngành cho rằng coi đó là việc của công an