Tăng vốn dự phòng cho đường Trường Sơn Đông, cắt bớt nhà công vụ
Thường vụ Quốc hội thống nhất tăng vốn dự phòng cho đường Trường Sơn Đông. |
Chiều 26/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về phương án phân bổ 7.500 tỷ đồng vốn dự phòng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015.
Báo cáo Thường vụ Quốc hội, Bộ Trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, Chính phủ đề nghị bố trí 3.700 tỷ đồng vốn dự phòng TPCP giai đoạn 2012 - 2015 cho việc xây dựng 2.627 phòng học và 2.658 nhà công vụ cho giáo viên mầm non.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển, các dự án phòng học cho giáo dục mầm non chưa được Chính phủ giải thích rõ, tuy nhiên nếu thuộc danh mục đã được Quốc hội phê duyệt và là các dự án đầu tư tại các huyện 30a thì nhiều ý kiến đồng tình. Đối với nhà công vụ cho giáo viên mầm non, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc vì không nằm trong danh mục đầu tư do Quốc hội quyết định, mặt khác việc đầu tư 2.658 nhà công vụ cho giáo viên mầm non có thể chưa thật sự hợp lý, chưa tiết kiệm nguồn lực so với phương án lấy giáo viên mầm non tại chỗ.
Về Dự án đường Trường Sơn Đông, Chính phủ đề nghị bổ sung 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng TPCP giai đoạn 2012 - 2015. Qua khảo sát thực tế, Uỷ ban TCNS nhận thấy, hiện nay, tuyến đường chưa thể đưa vào sử dụng vì có một số đoạn chưa hoàn thành. Vì vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) cho rằng, nếu được bổ sung 800 tỷ từ nguồn dự phòng TPCP thì sẽ tăng thêm nguồn lực tài chính.
Đối với dự án di dân tái định cư cho Thủy điện Sơn La, Chính phủ đề nghị bổ sung 2.295 tỷ đồng. Uỷ ban TCNS cho rằng, việc bố trí thêm nguồn lực để bù đắp cho các khoản đã chi do thay đổi chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, các biến động về giá cả, vật tư, vật liệu, tiền lương... là cần thiết.
Ngoài ra Chính phủ cũng đề nghị bổ sung 800 tỷ đồng cho các dự án thủy lợi để đầu tư 4 dự án hồ chứa nước quan trọng, phục vụ tưới tiêu cho các vùng nghèo, khó khăn, vùng đồng bào dân tộc.
Qua khảo sát thực tế, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ làm rõ hiện nay còn những công trình nào thực sự cấp thiết, dang dở, thiếu vốn để việc bổ sung dự phòng vốn TPCP bảo đảm tính chính xác, hiệu quả.
Đề cập đến việc phân bổ vốn dự phòng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị lĩnh vực thủy lợi cần phải ưu tiên bổ sung, vì mặc dù là “thủy nhưng chưa có lợi”, do nước vẫn chưa đưa lên tới ruộng đồng. Qua đó cần nâng lên 1.200 tỷ đồng thay vì đề xuất 800 tỷ đồng từ chính phủ. Đối với trường học, nhà công vụ cho giáo viên thì phải ưu tiên phòng học trước và sẽ giảm bớt số tiền bổ sung đối với nhà công vụ cho giáo viên.
Sau khi trao đổi thống nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đồng ý mức bổ sung vốn dự phòng cho đường Trường Sơn Đông 800 tỷ, ngược lại sẽ giảm bớt đối với nhà công vụ cho giáo viên mầm non và sẽ đưa vào bổ sung cho đường tuần tra biên giới.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm một số vấn đề. Chẳng hạn dự án đã bố trí đủ vốn theo yêu cầu, nhưng sau đó lại quyết định tăng thêm tổng mức đầu tư, ứng vốn trước rồi bổ sung vốn… Như vậy thì phải làm rõ tiến độ thực hiện, thời gian hoàn thành dự án.