Tăng tuổi nghỉ hưu: Không vì lo vỡ Quỹ BHXH
Bà Vũ Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Tài chính, kiêm Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định như vậy, trước bức xúc và lo lắng của người dân về chuyện sẽ tăng tuổi nghỉ hưu do Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) có nguy cơ sắp vỡ.
Bà Vũ Thị Minh: Quỹ BHXH đứng trước nguy cơ mất cân đối |
Thưa bà, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để “cứu” Quỹ BHXH đang thâm hụt nặng nề. Có rất nhiều ý kiến từ phía người dân, và cả các ĐBQH tỏ ra băn khoăn đối với đề xuất này?
Tôi khẳng định để cân đối Quỹ BHXH có nhiều cách, trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi chúng tôi đề xuất 8 nhóm giải pháp để cân đối Quỹ, như thay đổi mức đóng – hưởng, phát triển đối tượng đóng,.... thì tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là một trong 8 nhóm giải pháp đó mà thôi. Không phải vì mất cân đối Quỹ mà tăng tuổi nghỉ hưu.
Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang trình xin ý kiến Quốc hội lần này đề cập tới chuyện tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng phải đảm bảo sự hợp lý. Các nhóm đối tượng cũng được phân biệt rõ ràng, không “đánh đồng” tất cả nhóm đối tượng, ngành nghề.... Không phải người lao động nặng nhọc, suy giảm khả năng lao động bắt buộc phải kéo dài thời gian làm việc, hoặc ngược lại.
Đề xuất này không hề mâu thuẫn với Luật Lao động. Ở nhiều nước tuổi nghỉ hưu của người lao động thậm chí là 65 hoặc 67 tuổi. Còn tại Việt Nam từ năm 1960 tới nay chúng ta không hề điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, trong khi các nước đã điều chỉnh khá nhiều rồi. Nay tuổi thọ và sức khỏe người Việt đã được nâng lên thì việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng là hợp lý.
Nếu cứ giữ mức thu – chi như hiện nay thì Quỹ bảo hiểm còn có thể tồn tại trong thời gian bao lâu nữa, thưa bà?
Nếu chính sách đối với BHXH như hiện hành vẫn được giữ nguyên, thì theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và đánh giá của các chuyên gia BHXH Việt Nam thì tới năm 2021 thu sẽ bằng chi; từ năm 2021 đến 2034 sử dụng nguồn tiền kết dư và tới 2034 sẽ không còn nguồn tiền để bù đắp cân đối.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang trình Quốc hội có 8 nhóm giải pháp, nếu thực hiện tốt sẽ không còn tình trạng mất cân đối, vỡ Quỹ.
50% DN không tham gia đóng BHXH cho NLĐ dù đã khấu trừ hàng tháng trên lương của NLĐ |
Nợ, trốn đóng BHXH: DN sẽ phải chấp nhận nộp "giá cao"
Để “siết” DN nợ đóng BHXH, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đề xuất tăng lên gấp 2 lần lãi suất liên ngân hàng. Nhưng hiện mức lãi suất này đang khá thấp, dưới 6%/năm, như vậy liệu có đủ tính răn đe với DN nợ đóng BHXH, thưa bà?
Đúng là một trong những nguyên nhân khiến DN chây ì nợ, trốn đóng BHXH dù hàng tháng vẫn khấu trừ khoản tiền này trên lương của NLĐ là do lãi suất phạt chậm đóng hiện quá thấp. Nhiều DN chấp nhận nộp phạt chậm đóng BHXH thay vì đúng đầy đủ cho NLĐ.
Những vấn đề liên quan đến nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, chúng ta sẽ phải xem xét trong từng trường hợp cụ thể. Có những trường hợp lợi dụng, có trường hợp do khách quan tác động. Song xét trên bình diện tổng thể thì không phải đại bộ phận DN chây ì nợ, trốn đóng BHXH cho NLĐ.
Tới đây khi những đề xuất mới được thông qua, DN sẽ phải lựa chọn giải pháp tốt nhất cho mình. Nếu nợ, trốn đóng BHXH thì phải chấp nhận phải bỏ số tiền lớn hơn khi chi trả.
Bà vừa nói để tăng Quỹ cho BHXH có thể mở rộng các khoản đầu tư. Vậy các khoản đầu tư cụ thể ở đây là gì?
Chúng tôi có kiến nghị bổ sung thêm hình thức đầu tư ủy thác thông qua các hợp đồng, lĩnh vực nào có điều kiện thì sẽ triển khai, kể cả trong nông nghiệp nếu có hiệu quả thì sẵn sàng làm. Nhưng đây là Quỹ an sinh, dành chi trả lương hưu, trợ cấp thất nghiệp, chi trả cho người bệnh... nên tính hiệu quả và an toàn được đặt lên hàng đầu.